Rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

0
20
Chính sách đón đầu, cải thiện thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất tốt. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Quá trình phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo luôn gắn liền với nhiều thách thức, khó khăn[1] và một trong số đó chính là vấn đề huy động vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Rõ ràng, việc tiếp cận với những nguồn vốn chất lượng như vậy không phải là điều dễ dàng và sự hỗ trợ của các cơ quan lập pháp trong trường hợp như vậy vô cùng cần thiết, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo những điều kiện thuận lợi để huy động vốn một cách hiệu quả[2]. Mặt khác, đối với các nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, các quy định pháp luật cần cho thấy được sự thuận lợi, hấp dẫn khi đầu tư vào những doanh nghiệp này ở Việt Nam. Để làm được điều đó, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài phải thật thông thoáng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng thực hiện hoạt động kinh doanh ở nước ta. Tuy nhiên, thực trạng các quy định hiện hành cho thấy vẫn tồn tại những rào cản pháp lý khiến nhà đầu tư nước ngoài khó có thể tiếp cận được hoạt động đầu tư kinh doanh như nhà đầu tư trong nước và đó là rõ ràng là một bất lợi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh những đối tượng này rất cần nhận hỗ trợ vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vốn mạnh về năng lực tài chính, cũng nhưng trình độ công nghệ quản lý tiên tiến. Chính vì vậy, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc một số quy định liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ở nước ta và tìm ra giải pháp phù hợp nhất, nhằm giúp gia tăng khả tiếp cận vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tại Việt Nam.

1. Quy định về thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Thứ nhất, đối với điều kiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Về mặt nguyên tắc, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Đầu tư 2020. Điều đó có nghĩa, khi tiến hành đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, pháp luật nước ta khẳng định sự đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên tắc trên có một số ngoại lệ nhất định. Theo đó, khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài sẽ (i) không được đầu tư vào các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và (ii) phải đáp ứng điều kiện đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Luật cũng làm rõ các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, gồm: (i) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; (ii) Hình thức đầu tư; (iii) Phạm vi hoạt động đầu tư; (iv) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và: (v) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Như vậy, so với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự hạn chế nhất định trong việc tiếp cận một số ngành nghề kinh doanh và thậm chí sẽ không có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại một số ngành được liệt kê trong Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh được quy định tại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (59 ngành, nghề) được quy định tại Phụ lục I.B Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ. Đây là quy định chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và không phải là hạn chế áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, đối với thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù thừa nhận nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên qua nghiên cứu các quy định hiện hành, tác giả nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải thực hiện một số thủ tục đầu tư mà nhà đầu tư trong nước không phải thực hiện. Theo đó, khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020 quy định nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thì nhà đầu tư nước ngoài đó phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: một là, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; hai là, việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế và; ba là, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý, thủ tục này cũng được áp dụng đối với nhà đầu tư được quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2020, đó là trường hợp các tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài nắm tỉ vốn góp chi phối hoặc gián tiếp chi phối cũng phải thực hiện thủ tục nêu trên. Có thể thấy, phạm vi phải thực hiện thủ tục đăng kí rất rộng và không chỉ bao gồm các trường hợp đầu tư vào ngành, nghề có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn mở rộng ra các trường liên quan đến việc thay đổi tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối trực tiếp và gián tiếp. Và điều cần lưu ý ở đây là nhà đầu tư trong nước không thuộc những trường hợp nêu trên sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký này.

Tựu trung, nhà đầu tư nước ngoài nếu lựa chọn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam bằng hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn sẽ gặp nhiều hạn chế hơn so với nhà đầu tư trong nước về ngành nghề tiến hành đầu tư kinh doanh cũng như xét trên phương diện về thủ tục đầu tư. Tác giả cho rằng, các hạn chế trên mặc dù nhằm bảo đảm lợi ích công cộng và bảo hộ cho nhà đầu tư trong nước, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, quy định như trên là không phù hợp với các quy định hiện hành cũng như nền kinh tế. Bởi lẽ, việc định ra các thủ tục dành riêng cho nhà đầu nước ngoài dường như đi ngược lại với các nguyên tắc của Luật Đầu tư 2020. Theo đó, Luật Đầu tư 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đã ghi nhận một số nguyên tắc về chính sách đầu tư kinh doanh. Trong đó, tại khoản 5 Điều 5 của luật này, các nhà làm luật đã quy định: “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế”. Nguyên tắc trên có thể xem là một tuyên bố về việc đảm bảo sự đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư, bất kể đó là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài trong cơ chế chính sách của nước ta khi thiết lập các quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều đáng quan tâm là, với nguyên tắc này, nhà đầu tư nước ngoài đáng lẽ nên được nhận một sự đối xử bình đẳng trên phương diện thực hiện các thủ tục đầu tư tại Việt Nam với cơ quan nhà nước. Với những phân tích đã nêu ở trên có thể thấy, nhà đầu tư trong nước đang được hưởng những ưu thế nhất định về mặt thủ tục, từ đó có lợi thế hơn về mặt thời gian cũng như chi phí để đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Mặt khác, một số lĩnh vực nhất định hiện nay chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia theo quy định của pháp luật về đầu tư như vừa dẫn chiếu ở trên có thể là con dao hai lưỡi đối với môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay khi: (i) không thể huy động vốn đầu tư từ nước ngoài vốn để bổ sung thêm cho hoạt động tài trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; (ii) tạo ra một môi trường thiếu cạnh tranh và điều này có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng thiếu cơ hội nâng cao tính cạnh tranh và duy trì khả năng chống chịu với áp lực thị trường và; (iii) quan trọng là các rào cản trên sẽ làm giảm tính hấp dẫn của thị trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Với những lý do trên, tác giả cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc một cách kĩ lưỡng các thủ tục đặt ra với nhà đầu tư nước ngoài khi họ đầu tư mạo hiểm vào nước ta, cũng như việc hạn chế tiếp cận các một số lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Một là, trong thời gian tới cần giảm số lượng ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I.B Nghị định số 31/2021/NĐ-CP). Hiện nay, theo quy định có hơn 59 ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành nghề này thì phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Các ngành, nghề có điều kiện này kết hợp với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2020 (hiện nay 227 ngành, nghề áp dụng cho tất cả các nhà đầu) sẽ tạo ra rất nhiều thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn đáp ứng hết các điều kiện kinh doanh theo quy định. Tác giả cũng đề xuất phương án rút ngắn danh mục các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng cách chuyển một số ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Phụ lục I.A Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) sang danh mục các ngành tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Bằng cách này, mục tiêu kiến tạo một trường đầu tư kinh doanh công bằng, thuận lợi và hấp dẫn dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có khả năng đáp ứng được.

Hai là, giản lược thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tới hủy bỏ các thủ tục này tạo điều kiện thuận để nhà đầu tư nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng. Nhóm tác giả cho rằng, quy trình đăng kí góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hiện nay là không cần thiết, làm gia tăng thêm chi phí, thời gian cho nhà đầu tư và là trở ngại lớn trong việc lựa chọn thị trường Việt Nam là điểm đến để đầu tư kinh doanh so với các quốc gia khác trong khu vực. Với sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước trong vấn đề thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh tại nước ta, rõ ràng đây là một vấn đề pháp lý cần được giải quyết càng sớm càng tốt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. Nếu nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình hơn nhà đầu tư trong nước, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý định đầu tư của họ đang muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc giản lược và tiến tới xóa bỏ thủ tục đăng kí góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là phương án hiệu quả vừa giúp họ có thể giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh và giúp nâng cao tính cạnh tranh của thị trường đầu tư ở nước ta nói chung và thị trường đầu tư mạo hiểm nói riêng

3. Kết luận

Có một điều không thể phủ nhận đó chính là ngày nay, các nhà lập pháp ở các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực tạo ra các chính sách nhằm phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm giải quyết các vấn đề thất nghiệp, nghèo đói và phát triển bền vững[3]. Vì lẽ đó, việc gia tăng cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể tiếp cận với nguồn vốn đầu tư thông qua việc cải thiện hành lang pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài và hoàn hiện các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chính là những điều cần được thực hiện sớm, góp phần thúc đẩy những mục tiêu đã đề cập ở trên đạt được sớm hơn./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Burton V. Dean (1986). The project-management approach in the “systematic management” of innovative start-up firms. Business Venturing, 1, 149-160.

[2]Bart Clarysse, Johan Bruneel (2007). Nurturing and growing innovative start-ups: the role of policy as integrator. R and D Management, 37, 139-149.

[3] Chen H., Hu M. Y., & Joseph C. P. Shieh (1991). The Wealth Effect of International Joint Ventures: The Case of U.S. Investment in China. Financial Management, 20, 31-41

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  2. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020.
  3. Quốc hội (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2017.
  4. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2019.
  5. Chính phủ (2010). Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
  6. Chính phủ (2018). Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
  7. Chính phủ (2019). Nghị định số 13/2019/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
  8. Chính phủ (2021). Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
  9. Burton V. Dean (1986). The project-management approach in the “systematic management” of innovative start-up firms. Business Venturing, 1, 149-160.
  10. Bart Clarysse, Johan Bruneel (2007). Nurturing and growing innovative start-ups: the role of policy as integrator. R and D Management, 37, 139-149.
  11. Chen H., Hu M. Y., & Joseph C. P. Shieh (1991). The Wealth Effect of International Joint Ventures: The Case of U.S. Investment in China. Financial Management, 20, 31-41.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here