Rạn nứt của Trung Quốc với các đối tác thương mại chủ chốt

0
110
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Gần đây Bắc Kinh đang bị cuốn vào quá nhiều bất đồng kinh tế với các đối tác thương mại chủ chốt sẽ không chỉ làm tổn hại đến lĩnh vực xuất khẩu mà đến triển vọng phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Ở góc độ từng quốc gia riêng rẽ, có thể các nước cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần các nước; nhưng khi xem xét kết hợp tổng thể các đối tác thương mại chủ chốt của Trung Quốc, lập luận này không còn đúng. Phân tích sơ lược các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc năm 2019 trên cơ sở dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cho thấy điều đó.

Theo IMF, các thị trường đó, xét theo mức độ quan trọng, bao gồm Mỹ, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Nga, Australia, Mexico, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Canada, Brazil. Ở mặt tích cực, Trung Quốc có quan hệ kinh tế nồng ấm với Nga; có thỏa thuận thương mại tự do với Australia, Singapore, Hàn Quốc và với ASEAN. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại tự do không bảo đảm một mối quan hệ kinh tế hài hòa như những diễn biến xấu gần đây trong quan hệ thương mại với Australia đi kèm với quan hệ tổng thể đang bị xói mòn giữa hai nước. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Australia năm 2019 đạt 48,1 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 14 của Trung Quốc và kinh tế Trung Quốc cũng lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô của Australia. Quan hệ kinh tế với Mỹ sẽ vẫn gắn kết chặt chẽ với mối quan hệ thù địch chiến lược đang diễn ra hết sức phức tạp giữa hai nước. EU với hai quốc gia thành viên Đức và Hà Lan lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ 6 và 8 của Trung Quốc, mặc dù không hoàn toàn tuân theo chương trình nghị sự của Mỹ nhưng cũng có những khúc mắc riêng với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Hồng Công. EU coi quan hệ với Trung Quốc vừa có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời vừa là thách thức lớn nhất. EU không đồng tình với quan điểm của Trung Quốc coi Hồng Công là vấn đề nội bộ. Vấn đề Hồng Công sẽ gây chia rẽ EU và Trung Quốc, từ đó có tác động ngược lên quan hệ kinh tế giữa hai bên. Hồng Công cũng là vấn đề khúc mắc trong quan hệ của Trung Quốc với Anh, thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn trong quan hệ kinh tế với Canada, nước nằm trong 20 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.

Ở khu vực Châu Á, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo, đối tác xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc, luôn nhạy cảm. Giới hoạch định chính sách của Nhật Bản đã công khai bày tỏ quan ngại về việc lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc và đang lên kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung, mở rộng nguồn cung ứng và ưu tiên tăng cường sản xuất trong nước. Đài Loan, đối tác nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc, đang khuyến khích điều hướng đầu tư của Đài Loan về lại bên trong Đài Loan thay vì vào Trung Quốc đại lục. Ấn Độ, đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc, đang chứng kiến các chiến dịch kêu gọi tẩy chay làm ăn kinh tế với Trung Quốc xuất phát từ vụ đụng độ quân sự gần đây tại biên giới hai nước. Trong khi đó, các quốc gia thành viên ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam nằm trong nhóm 20 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc đều có bất đồng lớn với Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc rõ ràng đang tự vướng vào những bất đồng kinh tế với các đối tác thương mại chủ chốt. Nếu không được xử lý, tổng hợp các bất đồng này sẽ thực sự tạo ra rủi ro không chỉ với khu vực xuất khẩu của Trung Quốc mà với triển vọng kinh tế tổng thể của nước này./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here