Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA Phạm Bình Minh vừa chủ trì cuộc họp nhằm rà soát, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc chuẩn bị và triển khai 26 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong năm 2017-2018.
Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các địa phương liên quan.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu rà soát các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được phê duyệt nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sớm triển khai nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.
Các dự án sử dụng vốn vay của WB và ADB giai đoạn 2017-2018 tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán…
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã cho ý kiến đối với từng dự án. Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các dự án tiếp tục triển khai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã phê duyệt nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm các dự án sớm được triển khai nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay mà Việt Nam phải trả lãi suất ngay sau khi các Hiệp định vay vốn có hiệu lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sớm báo cáo Thường trực Chính phủ về định hướng huy động, sử dụng các nguồn vốn trong thời gian tới, nhất là nguồn vốn vay kém ưu đãi.
Sau khi Việt Nam “tốt nghiệp IDA – dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA), từ năm 2018 ” tháng 7/2017, các khoản vay của WB là vốn vay từ IBRD và vốn IDA chuyển đổi (IDA không ưu đãi). Điều này cũng sẽ được áp dụng đối với các khoản vay của ADB kể từ năm 2019. WB cũng yêu cầu các khoản vay của doanh nghiệp cần phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Hiện WB cung cấp các dịch vụ tư vấn và phân tích về nông nghiệp, giáo dục, năng lượng và khai khoáng, tài nguyên và môi trường, tài chính – cạnh tranh và đổi mới, quản trị, y tế – dinh dưỡng và dân số, kinh tế vĩ mô – thương mại và đầu tư, giảm nghèo và bình đẳng, bảo trợ xã hội và lao động, xã hội – đô thị – nông nghiệp và khả năng ứng phó, phát triển giao thông và kỹ thuật số… Các doanh nghiệp cần tham khảo các thông tin này để tìm đúng nguồn mà mình cần; cách làm làm sao cho đúng hướng và tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo yêu cầu của WB.
Cùng với WB, ADB cũng dành nhiều cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đại diện ADB từng cho biết, muốn tiếp cận những dự án của ADB, các doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và đảm bảo hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu đó. Cùng với WB, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dành nhiều cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu của hồ sơ mời thầu và đảm bảo hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu đó.
Tính đến tháng 3/2018, ADB đang dành nguồn vốn khoảng 7.539,9 triệu USD cho nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam; trong đó, 803 triệu USD cho ngành nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên; 734,6 triệu USD cho giáo dục và y tế; 655,6 triệu USD cho ngành năng lượng; gần 57 triệu USD cho ngành công nghiệp và thương mại; 207,7 triệu USD cho quản lý khu vực công; hơn 3.990 triệu USD cho giao thông và công nghệ thông tin, truyền thông; 1.090,6 triệu USD cho ngành cấp nước và các dịch vụ hạ tầng đô thị khác
Cũng tính đến thời điểm này, ADB đã tài trợ cho 59 dự án tại Việt Nam với tổng vốn vay là 7,5 tỷ USD; trong đó, 3,5 tỷ USD chưa trao thầu. Riêng trong năm 2017, ADB đã dành khoảng 500 triệu USD vốn vay cho Việt Nam. Hiện tại, mỗi năm, ADB đang trao thầu và giải ngân khoảng 500 triệu đến 800 triệu USD và quỹ dành cho dự án hỗ trợ kỹ thuật của ADB đối với Việt Nam cũng khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu USD/năm.
PV.