Quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia và Thái Lan

0
11
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. (Nguồn: Báo Công Thương)

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng kênh bán này.

Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo “e-Economy SEA 2024”. Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).

Chiếm hơn 60% về quy mô của nền kinh tế số Việt Nam năm nay, thương mại điện tử là một trong hai động lực tăng trưởng chính, cùng du lịch online. Các lĩnh vực còn lại gồm gọi xe – thực phẩm, truyền thông trực tuyến.

Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo Bộ Công Thương.

Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn online bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein.

Đánh giá về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh – đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – cho hay, thương mại điện tử là một phần của chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ.

Minh chứng cho sự “nở rộ” các sàn thương mại điện tử chính là việc cả nước có sự hiện diện của 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách lên đến 19.774 tỷ đồng.

Số liệu mới nhất cho thấy, riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple…

Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. Điều này cho thấy “cuộc đua” thương mại điện tử sẽ càng trở nên gay gắt hơn.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận còn gặp khó trong quản lý do các quy định chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến nhiều nền tảng bán lẻ online xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức, như Temu, Shein… Việc các sàn này chưa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng khiến hàng hóa từ các nước lân cận được tiêu thụ tại thị trường trong nước, ảnh hưởng đến hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, nhiều hoạt động bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội chưa được quản lý, thống kê vào số liệu tiêu thụ trong nước. Việc này khiến số liệu thống kê chưa phản ánh đúng sức mua của người dân.

Về giải pháp, nhà điều hành cho biết họ đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử. Cơ quan này sẽ tăng phân cấp, quyền trong quản lý Nhà nước và giám sát, thanh tra vi phạm, đặc biệt với nền tảng số xuyên biên giới.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here