Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng vừa được công bố, các mục tiêu cụ thể của thành phố đến năm 2030 là: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5 – 10%/năm và phấn đấu đạt 12%/năm; GRDP bình quân đầu người phấn đấu đạt khoảng 8.000 – 8.500 USD.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023. Theo đó, sẽ xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực…
Tổng lượt khách cơ sở lưu trú Đà Nẵng phục vụ tăng 17,5 – 18%/năm; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành tăng 12,5 – 13%/năm; cụm ngành logistics chiếm khoảng 10% GRDP; kinh tế số chiếm khoảng 35 – 40% GRDP.
Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 – 11%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11 – 12%/năm…
Xác định tầm quan trọng của quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố, vì vậy các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang tập trung triển khai các nội dung nhằm thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ hình thành 02 vành đai kinh tế trên cơ sở kết nối 04 cụm việc làm nhằm tạo ra các cơ hội liên kết phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, gồm: Vành đai kinh tế phía Bắc (Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển – Logistics); Vành đai kinh tế phía Nam (Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Đồng thời Đà Nẵng sẽ hình thành 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế xã hội gồm: Trung tâm thành phố; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao; Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics; Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại Hải Châu, Thanh Khê; Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu; Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các khu du lịch sinh thái núi.
Trung tâm thành phố sẽ bao gồm trung tâm đô thị hiện hữu tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trung tâm công nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn các xã Hòa Liên Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics sẽ tập trung phía Tây Bắc Vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Ga Trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang. Đồng thời, nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần Cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu Cảng biển trong tương lai.
Đối với Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển sẽ hình thành tại các khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và trung tâm du lịch vui chơi giải trí phức hợp và kinh tế đêm tại các quận Hải Châu, Thanh Khê.
Trung tâm dịch vụ đào tạo và nghiên cứu sẽ tập trung ở phía Đông Nam thành phố với các Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao.
Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics nông sản sẽ ở khu vực phía Tây Nam huyện Hòa Vang.
Hình thành các khu du lịch sinh thái núi gồm: Quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ, Khu vực Hồ Đồng Xanh – Đồng Nghệ, Khu du lịch thể thao, nghỉ dưỡng Hồ Hóc Khế, Khu du lịch Khe Răm, Khu du lịch sông Nam, sông Bắc, các khu, cụm du lịch phía Tây Nam dọc tuyến Quốc lộ 14G (Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài,
Trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ thông tin, thành phố Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dịch vụ dữ liệu công nghệ cao – HTC Digital Park; Khu Công nghệ thông tin DanangBay; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học, sản xuất thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC), dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ, công nghệ thiết kế, chế tạo robot, khu cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dầu khí, điện gió…
Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện đầu tư và thu hút đầu tư các dự án đô thị, tái thiết, chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu tái định cư, chung cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Trong đó có thể kể đến các khu vực như: Khu đô thị sân bay; Khu đô thị Làng đại học; các khu vực đô thị sườn đồi; các dự án nhà ở công nhân tại các khu, cụm công nghiệp; các chung cư, nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng, người có thu nhập thấp… Đà Nẵng cũng sẽ thí điểm các dự án tái thiết đô thị, hình thành các đô thị nén tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường An Hải Tây (quận Sơn Trà).
Nhận định về Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, đây là một bước cụ thể hóa các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Vì vậy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cấp chính quyền thành phố khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chính quyền thành phố cần sớm tổ chức thực hiện quy hoạch phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ, phù hợp với quy hoạch tổng thể; tạo ra các cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tăng hiệu quả đầu tư phục vụ cho các mục tiêu phát triển.
Bên cạnh đó, Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự đảng UBND thành phố Đà Nẵng cần phối hợp để ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền để thu hút đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn. Nhất là thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo…
Phát biểu tại buổi Lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng ngày 25/11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo, các cấp chính quyền thành phố cần khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch thành phố. Đà Nẵng cần công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Thành phố sớm ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng. Trong tương lai, Đà Nẵng cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để khai thác triệt để các lợi thế, tiềm năng sẵn có…