Quy hoạch điện VIII: Tối ưu hóa trong phát triển nguồn điện với chi phí sản xuất điện nhỏ nhất

0
98
(Internet)
(Internet)

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII mang tính “mở”, chỉ nêu danh mục những công trình điện quan trọng, ưu tiên, những dự án đã chuẩn xác, tạo tính linh hoạt trong thực hiện. Hàng năm, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tính toán, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) – khẳng định, phương thức này sẽ cho phép các nhà quản lý có thể điều hành linh hoạt quá trình phát triển điện lực, nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo điện cho đất nước.

Thưa ông, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió. Làn sóng mua bán các dự án năng lượng đã diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ với an ninh năng lượng quốc gia. Trong quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì đối với những vấn đề còn tồn tại này?

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của xã hội vào ngành năng lượng đặc biệt là điện năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh, giảm các rủi ro, thời gian và chi phí giai đoạn phát triển dự án như đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án, các thỏa thuận chuyên ngành điện, giao thông, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Các nhà đầu tư trong nước hiểu biết về luật pháp trong nước, cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục… tốt hơn nên thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tốt về vốn huy động lãi suất thấp, tiềm lực tốt về công nghệ, kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhà máy… Sự kết hợp những thế mạnh của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả cho dự án và cho các bên tham gia đầu tư.

Các dự án điện gió, mặt trời thường có quy mô bé, thời gian ít, hệ số công suất thấp, phân tán rộng chứ không tập trung như các trung tâm nhiệt điện lớn nên nguy cơ với an ninh năng lượng quốc gia thấp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân, nước ngoài vào xây dựng các dự án nguồn điện và dự án lưới điện, hạ tầng ngành điện.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện. Bộ Công Thương lý giải như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chủ yếu: Đảm bảo an ninh cung cấp điện; Đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; Có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Theo đó, chương trình phát triển nguồn điện đã được tính toán theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ hệ thống điện tại các năm thuộc kỳ quy hoạch. Chi phí sản xuất điện bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nguồn điện; chi phí nhiên liệu; chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa; chi phí sử dụng đất; chi phí sử lý phế thải của nguồn điện sau đời hoạt động; chi phí truyền tải liên vùng; chi phí về môi trường xã hội…

Chương trình phát triển nguồn điện còn xem xét đến các yếu tố ràng buộc khác như: Độ tin cậy cung cấp điện và an ninh cung cấp điện; khả năng đáp ứng các cam kết của Việt Nam về phát thải đối với quốc tế; khả năng cung cấp nhiên liệu trong nước và khả năng nhập khẩu than, LNG từ nước ngoài; khả năng mua điện từ các nước láng giềng và khả năng kết nối lưới điện các nước GMS, các nước ASEAN.

Theo đó, tỷ trọng của các nguồn điện tại Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII là kết quả đầu ra của tính toán đã đảm bảo yếu tố chi phí sản xuất điện là thấp nhất mà vẫn đảm bảo các yếu tố ràng buộc đã nêu. Điểm khác biệt của Quy hoạch điện VIII so với các quy hoạch trước đây là tại quy hoạch này đã đưa thêm các chi phí về môi trường, xã hội như: chi phí CO2, Nox, SOx, bụi PM 2.5… vào tính toán. Vì vậy, tỷ trọng của các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện than) đã giảm đáng kể so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (năm 2030, công suất đặt của nhiệt điện than tại Quy hoạch điện VIII là 37GW, giảm 18 GW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Tại tính toán Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII các nguồn điện đều cạnh tranh sòng phẳng với nhau trên cơ sở tuân thủ các tiêu chí và các ràng buộc đã nêu.

Qua tính toán cho thấy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam là điều tất yếu do: sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng sơ cấp; tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam khá lớn; giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ngày càng giảm do sự phát triển của khoa học công nghệ; để đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải. Tại tính toán chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, đã đảm bảo tỷ trọng các nguồn điện đã được tính toán hợp lý để Việt Nam đảm bảo đủ điện với giá điện thấp nhất mà vẫn đáp ứng đầy đủ các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế trong phát thải năng lượng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, dự thảo Quy hoạch điện VIII nếu không tính toán tối ưu dài hạn sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống và lãng phí đầu tư. Bộ Công Thương có ý kiến gì về vấn đề này?

Quy hoạch điện VIII phân chia hệ thống điện Việt Nam thành 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ; giữa các vùng có liên kết với nhau bằng hệ thống truyền tải điện xương sống.

Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam sẽ tính toán tối ưu phát triển nguồn điện trên toàn bộ hệ thống điện và từng tiểu vùng theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ thời kỳ quy hoạch. Một trong những nguyên tắc để xây dựng chương trình phát triển điện lực đó là phát triển cân đối công suất nguồn trên từng tiểu vùng, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện tiểu vùng liên kết với nhau sao cho giảm tổn thất truyền tải, chia sẻ công suất nguồn dự trữ và tận dụng mùa nước để khai thác hợp lý kinh tế các nhà máy thuỷ điện.

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã sử dụng các phần mềm mô phỏng hệ thống điện nổi tiếng trên thế giới là Balmorel và Plexos để tính toán chương trình phát triển nguồn điện. Đây là các phần mềm tiên tiến, được sử dụng trong tính toán quy hoạch và vận hành hệ thống điện của các nước châu Âu, Nam Phi, Anh, Indonesia, Mexico, thị trường điện Đông Phi, Canada, Trung Quốc; Mỹ, Australia, Anh… Các phầm mềm này đã được Cục Năng lượng Denmak; Tổ chức Hỗ trợ và phát triển Hoa Kỳ USAID tài trợ, huấn luyện sử dụng cho Viện Năng lượng thông qua Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Việc mô phỏng, tính toán này được thực hiện cho tất cả các nhà máy điện trong suốt kỳ quy hoạch. Điều đó có nghĩa rằng kết quả đầu ra của mô hình cho biết cơ cấu nguồn điện hợp lý, phân bổ nguồn điện hợp lý, cân đối trong từng vùng miền và trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi tiến hành xây dựng nguồn điện theo cơ cấu, quy mô và bố trí không gian như kết quả đầu ra của chương trình thì chúng ta đã đạt được tối ưu hóa trong phát triển nguồn điện với chi phí sản xuất điện nhỏ nhất trong suốt thời kỳ quy hoạch.

(Lan Anh/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here