Tóm tắt: Trong hơn một nửa thập niên vừa qua, kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế với trọng tâm là sự điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, cải cách tài chính, tiền tệ, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) đã trải qua một quá trình phát triển nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu. Bên cạnh đó cũng gây được sự chú ý lớn trên phạm vi quốc tế. Bài viết tóm tắt những tiến triển của quá trình quốc tế hóa đồng NDT sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay và đưa ra một số đánh giá, nhận xét về triển vọng cũng như thách thức của tiến trình này trong thời gian tới.
1. Một số nét khái quát về chiến lược Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
1.1. Khái niệm đồng tiền quốc tế.
Theo sự tìm hiểu của tác giả, chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh và chính xác thế nào là một đồng tiền quốc tế. Tuy nhiên, một cách hiểu tổng quát nhất mà tác giả tiếp cận được, thì một đồng tiền được xem là đồng tiền quốc tế khi thực hiện đầy đủ ba chức năng – Phương tiện trao đổi/thanh toán quốc tế, đơn vị hạch toán/ định giá trên phạm vi quốc tế, phương tiện cất trữ giá trị trên phạm vi quốc tế – ở cả hai cấp độ khác nhau, đối với giao dịch công và tư, nằm ngoài phạm vi quốc gia của đồng tiền.
Theo đó, để đánh giá một đồng tiền đã được coi là “đồng tiền quốc tế” chưa hay mức độ quốc tế hóa đồng tiền đó đến đâu – cụ thể ở đây là đồng NDT, sẽ phải xem xét trên cả 3 chức năng “tiền tệ quốc tế” của đồng tiền đó.
1.2. Những nhân tố thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi quốc tế hóa đồng NDT.
Quốc tế hóa đồng NDT sẽ buộc Trung Quốc phải từ bỏ mục tiêu kiểm soát dòng luân chuyển vốn, lãi suất và tỷ giá hối đoái. Hơn nữa, các nước có đồng tiền quốc tế đều chấp nhận mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhằm tăng cung tiền ra nước ngoài. Những yếu tố trên đều mang lại nhiều rủi ro và biến động cho nền kinh tế nước bản tệ và đó cũng chính là lý do Đức và Nhật Bản từ bỏ mục tiêu quốc tế hóa đồng tiền của họ. Vậy những động lực gì khiến một Trung Quốc luôn chủ trương theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao lại kiên trì mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT?
Thứ nhất, quốc tế hóa đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế tại khu vực và trên thế giới. Thứ hai, quốc tế hóa NDT sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại qua biên giới và đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Thứ ba, đây cũng là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước và cân bằng phát triển kinh tế. Thứ tư, tăng khả năng cạnh tranh và sức mạnh của các tổ chức tài chính quốc tế của nước này, giúp hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tại Trung Quốc đại lục. Thứ năm, quốc tế hóa đồng NDT sẽ giúp Trung Quốc duy trì giá trị kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình, đồng thời giảm rủi ro từ việc nắm giữ quá nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ. Thứ sáu, thu lợi thông qua thuế phát hành tiền.
1.3. Nội dung của chiến lược quốc tế hóa NDT.
Về mặt không gian, chiến lược quốc tế hóa NDT sẽ tiệm tiến theo trình tự: láng giềng hóa, khu vực hóa, toàn cầu hóa. Cụ thể:
– Láng giềng hóa: Trung Quốc ký kết các hiệp định thanh toán song phương với các nước láng giềng như Nga, Mông Cổ, Nepal, Lào, Kazakhstan… Theo những hiệp định này, đối tác hai bên chỉ sử dụng đồng bản tệ để thanh toán trong các hợp đồng xuất nhập khẩu.
– Khu vực hóa: Đồng NDT sẽ được sử dụng trong các hoạt động thương mại và đầu tư mang tính khu vực. Trung Quốc ký kết các hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với các nước trong khu vực như: Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia…Thông qua các hiệp định này, Trung Quốc muốn các đối tác tăng cường nắm giữ NDT, cùng nhau thúc đẩy thương mại song phương, đầu tư và cung cấp các dịch vụ tài chính.
– Toàn cầu hóa: Đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền quốc tế như đồng USD. Trung Quốc tập trung xây dựng Thượng Hải và Hồng Kông thành những trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, có chức năng phát hành cổ phiếu và trái phiếu bằng đồng NDT giống như thị trường chứng khoán phố Wall.
Về mặt thời gian: Chiến lược được cho là tiến hành qua 3 giai đoạn chính trong vòng 30 năm: Trong 10 năm đầu từ từ trở thành đồng tiền được chấp nhận trong thanh toán thương mại quốc tế (1990-2000); trong khoảng 10 năm sau (2000-2010), dần dần trở thành đồng tiền đầu tư quốc tế; vào 10 năm cuối (2010- 2020), trở thành một lựa chọn dự trữ trên thị trường tài chính toàn cầu.
Dưới góc độ kỹ thuật: Quốc tế hóa NDT được cho là tiến hành qua 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Thiết lập dịch vụ bán lẻ đồng NDT tại các ngân hàng thương mại.
– Giai đoạn 2: Hình thành các thị trường trái phiếu bằng đồng NDT tại hải ngoại.
– Giai đoạn 3: Thực hiện thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng NDT.
– Giai đoạn 4: Tự do hóa tài khoản vãng lai và tài khoản vốn, hoàn thành quá trình đưa đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Về cơ bản, có 5 nhân tố tương quan với nhau tạo thành nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc, đó là: vai trò của các doanh nghiệp tư nhân cùng mạng lưới rộng khắp tiên phong sử dụng NDT trong các giao dịch quốc tế; sự điều phối của nhà nước qua việc thúc đẩy các hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới; việc sử dụng các trung tâm tài chính quốc tế một cách chủ động, mạng lưới và các thể chế tài chính để xây dựng nền tảng hạ tầng cho việc quốc tế hóa NDT; vai trò chủ đạo của nhà nước được tiếp tục duy trì để kiểm soát dòng lưu chuyển vốn bằng NDT vào và ra khỏi Trung Quốc; các công cuộc cải cách đối với lĩnh vực tài chính và tỷ giá, đặc biệt là những nỗ lực từng bước trong việc thả nổi lãi suất và giảm dần sự áp chế tài chính trong nước.
1.4. Các biện pháp chính đã triển khai.
Để thực hiện mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu tập trung trong bốn lĩnh vực chính với bốn biện pháp chính. Thứ nhất, thúc đẩy sử dụng đồng NDT trong thương mại quốc tế; Thứ hai, khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng đồng NDT. Thứ ba, ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước. Thứ tư, phát triển thị trường trái phiếu bằng NDT ở nước ngoài và hình thành các thị trường giao dịch đồng NDT trên phạm vi quốc tế.
2. Những tiến triển của quá trình quốc tế hóa đồng NDT sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay.
Trong hơn một nửa thập niên vừa qua, cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, với trọng tâm là sự điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, cải cách tài chính, tiền tệ, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT. Dấu mốc đáng chú ý cho những nỗ lực này là việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 1/10/2016 chính thức cho phép đồng NDT tham gia giỏ đồng tiền dự trữ quốc tế (gọi tắt là SDR) cùng các đồng tiền mạnh như USD, EUR, JPY và GBP… Trong gần một thập kỷ qua, đồng NDT đã từng bước được khu vực hóa (trong nội bộ châu Á) và đang dần hướng tới quốc tế hóa. Thực tế là việc đồng NDT hoạt động như một công cụ định giá, thanh toán cho các giao dịch quốc tế và lưu trữ giá trị trên quy mô quốc tế đã xuất hiện ở các mức độ khác nhau và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Một số tiến triển đạt được trong 6 năm trở lại đây như sau:
Thứ nhất, về chức năng thanh toán quốc tế, số lượng các giao dịch thanh toán bằng NDT trong thương mại xuyên biên giới và đầu tư trực tiếp vào (FDI) và ra (ODI) của Trung Quốc liên tục mở rộng. Kim ngạch thanh toán thương mại quốc tế bằng NDT của Trung Quốc năm 2009 là 3,58 tỷ NDT, năm 2010 là 439 tỷ NDT, năm 2011 đã là 2.500 tỷ NDT và đến cuối năm 2013, NDT dùng trong thanh toán thương mại xuyên biên giới đã đạt 9.000 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD) với 220 nền kinh tế, chiếm 37% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Năm 2014, khoảng 21% thương mại hàng hóa được thanh toán bằng NDT và 25% các giao dịch vãng lai khác như dịch vụ, thu nhập, trả lãi. Trong khoảng 3 năm, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2015, lượng thanh toán bằng đồng NDT giữa các nước và vùng lãnh thổ của khu vực châu Á -Thái Bình Dương với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông Trung Quốc đã tăng 327%. Đến tháng 4 năm 2015, NDT từ đồng tiền thanh toán lớn thứ 5 đã trở thành đồng tiền số một trong thanh toán thương mại giữa Trung Quốc với các nước, vùng lãnh thổ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tỷ lệ sử dụng đồng NDT lên tới 31%, trong khi đó, tỷ lệ sử dụng USD chỉ là 12,3%, tỷ lệ sử dụng đồng Yên Nhật và Đô-la Hồng Kông cũng có phần giảm xuống. Việc giành được vị trí số một này là cột mốc quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Phạm vi về thỏa thuận thương mại bằng NDT đã được mở rộng từ Hồng Kông, Ma Cao, đến các nước ASEAN, các nước trong khu vực và các nước khác trên thế giới. Theo đó, giao dịch thương mại quốc tế bằng NDT cũng tăng lên nhanh chóng. Báo cáo của SWIFT cho thấy từ chỗ chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng giao dịch thương mại toàn cầu vào tháng 1 năm 2012, đến cuối năm 2013, tỷ trọng này đã tăng lên xấp xỉ 9%. Báo cáo của SWIFT tháng 9/2014 cũng cho thấy, đồng NDT với vai trò là đồng tiền thanh toán quốc tế đứng ở vị trí thứ 7 về mặt giá trị với tỷ trọng thanh toán là 1,72%, xếp sau USD, EUR, GBP, JPY, AƯD (đô la Úc) và CAD (đô la Canada); và đến tháng 8/2015 tỷ trọng này đã lên đến 2,79%, đứng vị trí thứ 4, chỉ sau đồng USD, EUR và GBP.
Mặc dù mới chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong hệ thống tiền tệ quốc tế được sử dụng trên thế giới, nhưng những năm gần đây đồng NDT của Trung Quốc được sử dụng đã có sự tăng vọt một cách thần kỳ, được chứng minh và thể hiện rõ trong báo cáo “RMB Tracker” hàng tháng của SWIFT. Trong tháng 5/2015, dữ liệu của SWIFT cho thấy NDT đứng thứ 5 trong dòng chảy tiền tệ vào Châu Á – Thái Bình Dương và dòng chảy ra với Châu Âu. NDT cũng là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 2 trong thanh toán thương mại qua biên giới với Trung Quốc và Hồng Kông.
Tại Châu Âu, với việc đồng NDT được đưa vào rổ tiền tệ quốc tế và Trung Quốc thiết lập mạng lưới thanh toán tại các trung tâm tài chính tiền tệ lớn như London, Paris, Frankfurt, Luxembourg… đồng NDT thực sự đã trở thành đồng tiền quan trọng trong các giao dịch thanh toán giữa các đối tác Châu Âu và Trung Quốc. Các khoản đầu tư cổ phiếu, mua bán sáp nhập các tập đoàn kinh tế lớn tại châu Âu đã được thực hiện bằng đồng NDT. Sự gia tăng thanh toán bằng đồng NDT trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Eurozone vẫn còn chìm đắm trong suy thoái đã giúp ích rất nhiều cho các nhà đầu tư châu Âu trong huy động vốn, tiết giảm chi phí. Số liệu của SWIFT cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 7/2013 đến tháng 7/2014, các giao dịch thanh toán bằng đồng NDT đã tăng 123,6% ở Anh, 116%; ở Đức và 43,5% ở Pháp.
Thứ hai, về chức năng lưu trữ giá trị, NDT đã trở thành đồng tiền chính thức trong rổ tiền tệ quốc tế SDR (Special Drawing Right) và chiếm tỷ lệ tới 10,92%, chỉ sau đồng USD và đồng EUR. Đây là một cột mốc quan trọng nữa trong tiến trình quốc tế hóa đồng tiền này, cho thấy những tiến bộ của chính phủ Trung Quốc trong việc thực hiện cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ trong vài năm trở lại đây. Đồng thời nâng cao vị thế của đồng NDT trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Việc đồng NDT được đưa vào rổ tiền tệ SDR cho thấy sức hấp dẫn nhất định của đồng tiền này, đồng thời thực hiện những bước tiến trong tham vọng “toàn cầu hóa” của đồng NDT, buộc các quốc gia thành viên phải xem xét việc bổ sung đồng tiền này vào dự trữ ngoại hối nhà nước mình. Theo đó, đồng NDT đã bắt đầu được coi như một tài sản dự trữ chính thức của một số quốc gia như Belarus, Campuchia, Malaysia, Nigeria, Philippines, Hàn Quốc và Nga, mặc dù nó chỉ chiếm khoảng 5% tổng tài sản dự trữ ngoại hối của các nước này. Tính đến cuối năm 2017, quy mô của NDT như một tài sản dự trữ chính thức nước ngoài đạt 291.700 tỷ NDT (khoảng 427 tỷ USD).
Thứ ba, về chức năng trao đổi, định giá trên phạm vi quốc tế, số liệu thống kê cho thấy các tài sản tài chính quốc tế bằng tiền NDT đã tăng lên nhanh chóng, đồng thời các trung tâm NDT ở nước ngoài cũng đã phát triển nhanh chóng. Các sản phẩm tài chính bằng NDT cũng được đa dạng hóa, cùng với sự phát triển nhanh chóng thị trường trái phiếu NDT ở nước ngoài đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều tài sản tài chính bằng NDT; hơn nữa, quá trình lưu thông của NDT cũng trở nên dễ dàng hơn, theo đó, nhu cầu giao dịch NDT trên phạm vi quốc tế cũng tăng lên. Trong bối cảnh mà tài khoản vốn chưa hoàn toàn mở, thị trường tài chính hải ngoại của NDT phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây chính là một nền tảng quan trọng cho việc quốc tế hóa đồng tiền này. Hiện nay, ngoài Hồng Kông, hơn 10 khu vực như Đài Bắc, Singapore, London, Frankfurt, Paris, Luxembourg, Toronto, Dubai và Sydney đã trở thành hoặc đang trở thành trung tâm NDT ở nước ngoài.
Là một phần của mạng lưới giao dịch tài chính toàn cầu, Trung Quốc cũng đã liên tục ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với nhiều quốc gia khác. Việc ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước giữ một vai trò quan trọng trong lộ trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Đây là một tiền đề rất quan trọng cho mục tiêu quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc bởi việc ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ khơi thông khả năng dùng đồng NDT trong thanh toán ngoại thương và trong dự trữ ngoại hối của các nước đối tác. Sau khi ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đầu tiên với Hàn Quốc vào năm 2008, đến hết năm 2017, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi với 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 1 năm 2018, tổng giá trị của 32 hiệp định swap này đạt khoảng 3.800 tỷ NDT (557 tỷ USD). Thông qua các hiệp định này, Trung Quốc muốn các đối tác tăng cường nắm giữ NDT, cùng nhau thúc đẩy thương mại song phương, đầu tư và cung cấp dịch vụ tài chính, qua đó khẳng định vị thế của NDT trong vai trò thanh toán và dự trữ quốc tế.
Ngoài những tiến triển cụ thể đề cập ở trên, một số chỉ dấu khác cũng cho thấy Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng tiền của nước này như:
– Năm 2015, Trung Quốc đã thiết lập thành công hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) tại Thượng Hải. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống thanh toán NDT qua biên giới. Việc hoàn thành và vận hành trơn tru hệ thống này là một mốc đáng chú ý trong việc quốc tế hóa đồng NDT, đánh dấu một tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho tiến trình quốc tế hóa đồng NDT, điều này sẽ nâng cao hiệu quả và an toàn giao dịch của đồng NDT qua biên giới.
– Chỉ số Quốc tế hóa đồng NDT cải thiện đáng kể. Chỉ số Quốc tế hóa đồng NDT (RMB Intemationalization Index- viết tắt là RII) là chỉ số được đưa ra để mô tả một cách khách quan về mức độ chấp nhận đồng NDT trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Chỉ số định lượng toàn diện này cho phép chúng ta hiểu được sự tiến triển của đồng NDT với vai trò một loại tiền tệ quốc tế trong các giao dịch thương mại, tài chính quốc tế và dự trữ chính thức, và so sánh với các đồng tiền quốc tế lớn khác, qua đó đặt một nền tảng kỹ thuật vững chắc để phân tích quốc tế hóa NDT từ cả trong và ngoài nước. RII là một chỉ số đa biến toàn diện, được tính toán/đo lường dựa trên 2 nhóm chỉ số chính được xây dựng để phản ánh các chức năng tiền tệ quốc tế của NDT, trong đó, đầu tiên là nhóm chỉ số phản ánh chức năng định giá quốc tế và chức năng thanh toán của NDT, bao gồm các chỉ số về việc sử dụng đồng tiền này trong thương mại quốc tế cũng như trong các giao dịch vốn và tài chính. Nhóm chỉ số thứ hai phản ánh chức năng của NDT như một đồng tiền dự trữ quốc tế. Đầu năm 2010, chỉ số RII mới chỉ ở mức 0,02. Khả năng chấp nhận đồng NDT trên thị trường quốc tế gần như bằng không. Vào cuối năm 2016, RII đã đạt mức 2,36. Đến quý IV năm 2017, nhờ tăng “trưởng kinh tế ổn định, sự khởi động sáng kiến “Vành đai và con đường” (Belt and Road Initiative- BRI) và sự mở cửa thị trường tài chính, chỉ số quốc tế hóa đồng NDT đã đạt mức 3,13, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái và dần trở lại mức đỉnh điểm đạt được trong năm 2015 (mức 3,91). So với các đồng tiền mạnh hiện nay, có thể thấy tốc độ này đang tiến gần đến mức độ quốc tế hóa của đồng Yên Nhật và đồng Bảng Anh (xem bảng bên dưới).
Chỉ số quốc tế hóa của các đồng tiền quốc tế chủ yếu hiện nay
(Nguồn: Viện Tiền tệ Quốc tế – Trung Quốc) |
Nghiên cứu chỉ số quốc tế hóa đồng NDT qua các năm và so sánh với các đồng tiền mạnh khác cho thấy, không còn nghi ngờ gì, trong sáu năm qua, những thành tựu của tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ là rất đáng kể.
3. Một số thách thức.
Bên cạnh những thành tựu nói trên, tiến trình quốc tế hóa đồng NDT cũng còn nhiều tồn tại và đang phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ. Một là, tỷ trọng thanh toán bằng NDT vẫn thấp và chưa ổn định (mức cao nhất đạt được vẫn chưa đến 3% tổng giao dịch thương mại toàn cầu và tỷ trọng này vẫn còn tăng giảm thất thường). Hai là, tỷ trọng dự trữ NDT vẫn rất thấp. Ba là, sự mất cân đối của kết cấu thu chi trong thanh toán thương mại song phương bằng đồng NDT. Bốn là, sức ảnh hưởng của lĩnh vực mậu dịch và đầu tư quốc tế của nước này chưa đủ lớn, kèm theo năng lực phòng bị rủi ro tài chính của chính phủ còn yếu kém. Năm là, khoảng cách vẫn còn là rất lớn so với đồng USD và đồng EUR, chưa kể đến sự bám đuổi của một số đồng tiền mạnh khác như GPB và JPY. Sáu là, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình “căng thẳng thương mại” Mỹ – Trung ngày càng lên cao, chắc chắn sẽ đe dọa nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT. Khi kinh tế Trung Quốc chịu sức ép từ thuế nhập khẩu của tổng thống Trump và khả năng nước này sẵn sàng chấp nhận giảm giá đồng NDT để giúp xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn, bù đắp thiệt hại do thuế nhập khẩu của Mỹ là có thể xảy ra, như vậy, rất có thể quá trình quốc tế hóa đồng tiền này sẽ bị kéo chậm lại. Điều đó cũng có nghĩa, vẫn còn một chặng đường dài trước khi NDT có thể đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu. Để đồng NDT đảm nhận sứ mệnh và vai trò quốc tế thực sự thì Trung Quốc cần phải đảm bảo tiếp tục tăng trưởng và giải quyết các vấn đề yếu kém mang tính hệ thống trong hệ thống tài chính và tự do hóa tài khoản vốn, đồng thời cũng phải giải quyết “sự kiềm tỏa” từ phía Mỹ.
4. Triển vọng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và phải đối mặt với không ít thách thức kể trên, nhưng về tổng thể, có thể nói, triển vọng của tiến trình quốc tế hóa NDT là khá sáng sủa, khi mà Trung Quốc ngày càng tích cực tham gia và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, không ngừng nỗ lực thúc đẩy hợp tác tài chính, sử dụng NDT để đầu tư trái phiếu và thúc đẩy thanh toán thương mại song phương bằng NDT, đồng thời cũng có những điều kiện thuận lợi khác để Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu đến 2020 đưa NDT chính thức trở thành một đồng tiền quốc tế như:
Một là, vị thế của đồng tiền Trung Quốc đang từng bước được nâng lên, thể hiện trước hết với việc NDT được đưa vào kho dự trữ ngoại hối của một số ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khu vực đồng Euro đang gặp khó khăn, các đồng tiền như USD, JPY và EUR chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước đã xem xét lựa chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ.
Hai là, Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng (mặc dù những năm gần đây có xu hướng giảm) và ngoại thương luôn thặng dư cao chính là hai động lực lớn thúc đẩy đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế. Hai yếu tố này giúp gia tăng vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới và sử dụng đồng NDT trong quan hệ ngoại thương với nước ngoài.
Ba là, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đang và sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho sự quốc tế hoá đồng NDT. Việc xây dựng các dự án thuộc “Vành đai và con đường” sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho đồng NDT và sẽ làm tăng việc sử dụng NDT ở các nước dọc theo tuyến đường của BRI. Hơn nữa, Trung Quốc cũng thông qua các định chế tài chính mới như ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), ngân hàng Phát triển mới (NDB), kết hợp vói sáng kiến BRI như một chương trình họp tác tổng thể để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa NDT. Do đó, khả năng quốc tế hóa đồng tiền này chắc chắn sẽ ngày càng tăng.
Bốn là, thế giới đang ngày một hướng tới một hệ thống tiền tệ đa cực nhằm giúp hệ thống tài chính quốc tế ổn định hơn. Điều này sẽ khiến các quốc gia dễ dàng chấp thuận đồng NDT hơn và tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại, các biện pháp trừng phạt tài chính của nước này đối với một vài quốc gia đã tác động phần nào tới việc sử dụng đồng USD trên các thị trường thế giới như một đồng tiền dự trữ quốc tế và một phương tiện thanh toán quốc tế.
Quốc tế hóa đồng NDT dù là một quá trình lâu dài nhưng gần như là một tiến trình không thể đảo ngược. Với xu hướng hiện nay cùng những tiến triển mạnh mẽ đã đạt được trong 6 năm gần đây, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng NDT, đồng thời triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm quốc tế hóa đồng NDT. Điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với cả Trung Quốc và các nước đối tác, tới cân bằng quyền lực giữa các nền kinh tế lớn cũng như trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng như Việt Nam. Là một nước nhỏ, nằm trong chiến lược khu vực hoá đồng NDT, lại có mức độ giao dịch thương mại với Trung Quốc lớn, sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nhập nguyên liệu, máy móc đầu vào từ Trung Quốc rất lớn nên Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của tiến trình này. Tác động đối với Việt Nam sẽ là đa chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực và vì vậy cần có sự theo dõi và những nghiên cứu sâu để từ đó có sự chuẩn bị cần thiết trong quá trình này.
(Theo Nguyễn Thị Hạ, Thạc sỹ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc).