Quốc hội khóa XV xem xét đề nghị của Chính phủ – tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

0
14
Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. (Nguồn: kinhtemoitruong.vn)

Dự kiến, chủ trương tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được Quốc hội, xem xét và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8.

Chính phủ vừa trình Quốc hội việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị dừng từ năm 2016. Đây là nội dung mới được Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV.

Trước đó, hôm 25/11, tại Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII, T.Ư Đảng cũng thống nhất rất cao tái khởi động chương trình điện hạt nhân Việt Nam và tiếp tục dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Báo cáo đề nghị tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội. Cụ thể, về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo của Chính phủ cho hay, thực hiện chủ trương đầu tư các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2009, Chính phủ đã giao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án và đã hợp tác với phía Nga (dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.

Các tư vấn của Nga và Nhật Bản đã hoàn thành khảo sát, lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án để EVN trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Chính phủ, các địa điểm này đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Chính phủ cũng cho biết, sau khi các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dừng thực hiện năm 2016, các địa điểm này đã được quy hoạch làm đất dự trữ cho năng lượng để có thể tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân khi có chủ trương tái khởi động điện hạt nhân. Hiện nay các địa điểm này vẫn đang được quản lý tốt.

Do đó, việc sử dụng các địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt hệ thống điện sẽ tăng từ 80.000 MW hiện nay lên 150.000 MW vào 2030 và đạt khoảng 490.000 – 573.000 MW vào năm 2050. Tại quy hoạch này, nhiều nguồn điện than và khí LNG bị khuyến cáo hạn chế và gặp khó khăn trong triển khai.

Do đó, phát triển nguồn điện cần đáp ứng mục tiêu kép là có nguồn điện mới để đủ điện, chuyển dịch năng lượng xanh và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26.

“Khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói.

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện bình quân của loại nguồn điện này có thể cạnh tranh với các nguồn truyền thống, nhất là điện than, LNG với giá nhiên liệu tăng dần.

Chưa kể, phát triển điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này.

Tại Nghị quyết 41 năm 2009 của Quốc hội khóa XII, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2), mỗi nhà máy có 2 tổ máy với tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỉ đồng (tại thời điểm lập dự án vào cuối 2008). Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW.

Ở lần khởi động lại dự án này, nhà chức trách cho biết sẽ tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, lập cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước với điện hạt nhân.

Về giải pháp thực hiện, Chính phủ cho biết, sẽ lập quy hoạch phát triển điện hạt nhân để làm rõ tiềm năng phát triển các loại hình điện hạt nhân, xác định các vị trí tiềm năng khác, khả thi để đặt nhà máy điện hạt nhân.

Cùng đó, xem xét quy mô, thời điểm xuất hiện các tổ máy điện hạt nhân trong rà soát, tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Chính phủ cũng khẳng định sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ trong tình hình mới, đào tạo, phát triển xây dựng nguồn nhân lực điện hạt nhân.

Nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sử dụng tối ưu nguồn lực đã có trong lĩnh vực điện hạt nhân. Tận dụng tối đa các kết quả đã thực hiện đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục triển khai các dự án này. Hình thành cơ quan chuyên trách về quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân…

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here