Quảng Ninh vừa có thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà); Lễ hội đình Vạn Ninh (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các Quyết định 3421/QÐ-BVHTTDL, 3422/QÐ-BVHTTDL; 3423/QÐ-BVHTTDL; 3424/QÐ-BVHTTDL và 3425/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đình Đầm Hà xưa kia được tổ chức rất linh đình trong 6 ngày 5 đêm (từ 15 đến 20 tháng Giêng âm lịch). Ngoài các nghi thức rước, tế Thành hoàng, lễ hội đình Đầm Hà có nhiều nét độc đáo riêng biệt, đó là: Lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; lễ dừng kiệu xin rút ngắn ngày tổ chức lễ hội trong lúc đi rước Thành hoàng, nếu năm đó không tổ chức đủ 6 ngày như thường lệ; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về đình; sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế;
Theo các tư liệu lịch sử, đình Đầm Hà khởi đầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 ở khu vực chợ Đầm Hà cũ, cách vị trí đình hiện nay hơn 1km về hướng Đông. Giữa thế kỷ 19, đình bị giặc đốt phá cùng với chùa Đầm Hà. Đến cuối thế kỷ 19, dân làng xây dựng lại ngôi đình ở vị trí hiện nay.
Lễ hội đình Vạn Ninh được tổ chức từ mùng 9 đến mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội diễn ra trang trọng, tôn nghiêm, quy củ với phần lễ có các hoạt động như: Lễ cáo yết, lễ rước thần, lễ tế… và phần hội với nhiều hoạt động phong phú gồm: Hát nhà tơ – hát, múa cửa đình, hát đối, các trò chơi bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, kéo co.
Năm 2008, đình Vạn Ninh được phục dựng lại trên nền móng cũ là một gò đất cao, địa thế khá đẹp theo hướng Đông Nam, với diện tích khuôn viên hơn 1.000m2 và diện tích ngôi đình rộng 200m2. Năm 2011, đình Vạn Ninh được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lễ hội Xuống đồng đã có từ lâu đời trong đời sống sinh hoạt của người dân khu vực đảo Hà Nam, được tổ chức thường niên vào thời điểm trước khi người dân bước vào gieo cấy vụ mùa, biểu thị lòng biết ơn của người dân đối với các vị Thần Nông và Thành Hoàng làng, cầu xin các vị thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi.
Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Bên cạnh phần lễ, phần hội có thi bơi thuyền chải, thi cấy lúa và chương trình nghệ thuật tại sân đình Cốc vào tối ngày 22/7.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản gắn với khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa.
Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành một trong những nguồn lực quan trong để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển bền vững; góp phần giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh đến với bạn bè bốn phương.
Như vậy, tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận trước đó gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn và lễ hội Bạch Đằng). Đây là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Chu Văn