Quảng Ngãi cần làm gì để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới?

0
19
Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển được các động lực mới cho tăng trưởng. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 của tỉnh ước tính tăng 6,64%/năm.

Dự báo, Quảng Ngãi xếp thứ 3/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 8/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Quy mô nền kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) có sự tăng trưởng qua từng năm và đang dần trở thành một trong những tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, dự kiến đến năm 2025 đạt 149.302 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 11,74%/năm (dự báo xếp thứ 2/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước).

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 4.460USD/người; năm 2025 dự kiến đạt 4.751USD/người (dự báo xếp thứ 2/5 tỉnh của tiểu vùng Trung Trung Bộ, xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước).

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi thiếu ổn định. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là 16,2% năm 2013; thấp nhất 0,7% năm 2014 trong giai đoạn 2010-2018; sau đó tăng trưởng âm hai năm 2019-2020 do đại dịch Covid-19.

PGS. TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhận thấy, Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển được các động lực mới cho tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo hay du lịch chất lượng cao để bổ sung cho các ngành công nghiệp truyền thống.

Ông nói: “Quy mô kinh tế đã mở rộng, song vị trí của tỉnh vẫn ở mức trung bình so với các địa phương dẫn đầu, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng.

Chính sách công nghiệp của tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ở vùng đồng bằng phía Đông, trở thành động lực phát triển giai đoạn đầu, nhưng gia tốc không còn, mất cân bằng trong phát triển, độ lan tỏa và hiệu quả chưa cao, không còn phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đang chuyển dần sang hướng năng suất và hiệu quả…”.

Vì vậy, PGS. TS Bùi Quang Bình đề xuất, Quảng Ngãi cần giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng cách phát triển thêm các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và các ngành dịch vụ giá trị cao.

Ông nói: “Việc đa dạng hóa này sẽ giúp địa phương giảm thiểu rủi ro kinh tế và tăng tính ổn định trong tăng trưởng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, như: Sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn và tự động hóa nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao năng suất lao động.

Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao với hạ tầng hiện đại và tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến…”

Để phát triển theo hướng bền vững, GS. TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Quảng Ngãi cần tập trung vào các định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và đa dạng hóa kinh tế.

Thứ nhất, tỉnh cần triển khai các chính sách mạnh mẽ để phát triển bền vững, với trọng tâm là năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Thứ hai, định hướng chuyển đổi ngành giao thông vận tải và logistics theo hướng sử dụng phương tiện ít phát thải và ứng dụng công nghệ số hóa, tự động hóa để tối ưu hóa hoạt động; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp; đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững, bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Thứ ba, phát triển bền vững bằng cách áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế cộng sinh. Trong kinh tế tuần hoàn, cần khuyến khích các ngành công nghiệp tái chế chất thải, sử dụng công nghệ sạch và phát triển sản phẩm sinh thái để giảm thiểu ô nhiễm.

Các khu công nghiệp như VSIP có thể chia sẻ tài nguyên và năng lượng, tạo ra chuỗi giá trị khép kín giữa các ngành. Đồng thời, kinh tế cộng sinh có thể được thực hiện bằng cách kết nối các ngành công nghiệp với nông nghiệp, giúp tái sử dụng chất thải nông nghiệp và tạo ra giá trị gia tăng.

Khánh Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here