Hồi tháng 7/2024, tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy trong mắt các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đây là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc; có 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp cổ Mỹ Sơn; có 2 khu kinh tế bao gồm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cấp mới 7 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 124,2 triệu USD, tăng gấp 2 lần cả về số dự án và vốn đầu tư thu hút trong cả năm 2023 (4 dự án mới với tổng vốn đầu tư 58,58 triệu USD)…
Cũng trong 5 tháng qua, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh 31 dự án; trong đó có 7 dự án tăng vốn, chấm dứt hoạt động đối với 5 dự án; thông báo chấp thuận cho 7 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án đầu tư tại tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỷ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD (xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài – theo Cục Đầu tư nước ngoài).
Quy mô nền kinh tế của tỉnh hiện xếp 26/63 tỉnh, thành phố cả nước với gần 59 nghìn tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Nguồn nhân lực dồi dào, phát triển về cả số lượng và chất lượng, mục tiêu đến năm 2030 quy mô lực lượng lao động của tỉnh đạt trên 77 nghìn người.
Thời gian tới, để thu hút vốn FDI, tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung, KOTRA, KORCHAM, JETRO, JICA, EUROCHAM, AMCHAM, các Tham tán thương mại tại các nước, các công ty tư vấn, môi giới về đầu tư… để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, Quảng Nam tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách trực tiếp tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do đa phương với Việt Nam như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Song song đó, tỉnh cũng thường xuyên tổng hợp, cập nhập, bổ sung thông tin Bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời điểm, từng đối tượng nhà đầu tư. Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp để đảm bảo điều kiện xin chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ là một trong những cầu nối thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác có tiềm năng, tiềm lực đầu tư vào Quảng Nam.
Gia Thành