Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc sẽ đi về đâu? kịch bản nào có thể xảy ra?

0
37
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh, tháng 9/2017. (Nguồn: Getty Images)

Không những giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, đảng Cộng hòa còn giành được ưu thế áp đảo về số ghế tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Điều này có nghĩa là cương lĩnh cầm quyền của Tổng thống Trump trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, cơ bản sẽ không gặp trở ngại.

Trang caixin.com bình luận rằng, sau khi trở lại Nhà Trắng, Donald Trump sẽ dẫn dắt xu thế chống toàn cầu hóa. Cũng giống như đảng Dân chủ tiếp tục tăng thuế sau khi kế thừa chính sách thuế quan của đảng Cộng hòa, ông Trump cũng sẽ kế thừa chiến lược công nghiệp và công nghệ của Tổng thống Joe Biden, đồng thời chuyển trọng tâm chiến lược từ Nga sang Trung Quốc.

Mặc dù có khả năng ông Trump sẽ áp thuế 60%, nhưng điều thực sự cần cảnh giác là Tổng thống Trump tiếp thu những thiếu sót trong nhiệm kỳ đầu tiên, kế thừa tư duy công nghiệp và công nghệ của Biden để bao vây toàn diện Trung Quốc về các phương diện như công nghệ, tài chính, công nghiệp và nhân tài. Trung Quốc cần khắc phục những khó khăn trên, bảo đảm cục diện phát triển mới bằng cục diện an ninh mới, mới có thể nắm bắt sự chủ động chiến lược trước xu thế chống toàn cầu hóa.

Triển vọng cương lĩnh cầm quyền của ôngTổng thống Mỹ Trump: Thuế cao, lạm phát cao, thuế suất thấp, nới lỏng giám sát, kiểm soát nhập cư 

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, liên tục có các thông tin liên quan đến việc Trump bất hòa với các nhân vật quan trọng trong đảng Cộng hòa, nhưng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, Trump trở thành nhân vật số một của đảng Cộng hòa, nhiều quan chức của đảng Cộng hòa có động thái thắt chặt quan hệ với ông.

Điều này cho thấy nền tảng chính trị và khả năng tập hợp của ông trong đảng Cộng hòa đang vững chắc hơn trước. So với sự chuẩn bị chưa đầy đủ trong nhiệm kỳ thứ nhất, êkíp tranh cử của Trump đã sớm công bố chương trình nghị sự cầm quyền “Agenda 47”. Bên cạnh đó, tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, Trump cũng đã công bố cương lĩnh cầm quyền rõ ràng, nêu rõ ông đã có ý tưởng cơ bản đối với đường lối cầm quyền.

Chủ trương về tài chính: Giảm thuế quy mô lớn, hỗ trợ ngành sản xuất chế tạo trong nước. Bên cạnh việc áp đặt thuế với hàng hóa nước ngoài để giảm thâm hụt, Trump còn duy trì chính sách tài chính mở rộng để làm cho ngành sản xuất quay trở về nước.

Một mặt, Trump ủng hộ việc giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp quy mô lớn, kéo dài các điều khoản thuế cá nhân trong đạo luật giảm thuế, đề xuất hủy bỏ thuế thu nhập đối với tiền boa, phúc lợi an sinh xã hội và tiền làm thêm giờ, đồng thời giảm thuế suất cho các công ty sản xuất sản phẩm tại Mỹ xuống còn 15%, thấp hơn nhiều so với mức 21% hiện nay.

Mặt khác, Trump sẽ tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp như ô tô, quốc phòng của Mỹ. Ví dụ, ông đề xuất ưu đãi giảm thuế cho việc mua xe ô tô được sản xuất tại Mỹ, bãi bỏ hoặc bỏ một phần Đạo luật giảm lạm phát của Biden; đầu tư tiền thu được từ thuế quan vào quỹ tài sản quốc gia và các trung tâm sản xuất, quốc phòng và nghiên cứu y học…

Chủ trương về tiền tệ: Giảm mạnh lãi suất ở Mỹ, nhưng việc gây sức ép với Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để giảm lãi suất trong ngắn hạn sẽ gặp trở ngại. Ngày 21/10/2024, sau khi tái đắc cử, Trump tuyên bố sẽ giảm mạnh lãi suất ở Mỹ, điều này có nghĩa là trong thời gian tới, ông có thể sẽ gây sức ép với Fed để tăng số lần giảm lãi suất. Ngoài ra, trong Kế hoạch 2025 do Quỹ Heritage thuộc phe bảo thủ công bố, Paul Winfree, cựu Phó trợ lý chính sách trong nước của Trump, cũng đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách liên quan đến Fed.

Trong đó, ông đề xuất giành lại quyền ra các quyết sách về tiền tệ từ Fed và trả lại cho người dân. Tuy nhiên, xét đến việc nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed Jerome Powell kéo dài đến tháng 5/2026 mới kết thúc, trong khi 2 thành viên khác trong Hội đồng thống đốc Fed là Thống đốc Adriana Kugler và Thống đốc Christopher Waller cũng lần lượt đến năm 2026 và 2030 mới kết thúc nhiệm kỳ. Do đó, Trump không thể nhanh chóng đề cử các thành viên hội đồng mới để can thiệp vào quyết sách của Fed. Điều này khiến ảnh hưởng của Trump đối với tính độc lập của Fed sau khi đắc cử có thể sẽ tương đối hạn chế, và việc gây sức ép để giảm lãi suất ngắn hạn sẽ gặp trở ngại.

Xu thế chống toàn cầu hóa: Quay trở lại đường lối “Nước Mỹ trước tiên”, kiểm soát dòng người nhập cư. Trump nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích và nguồn lực của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu, quay trở lại đường lối “Nước Mỹ trước tiên”. Ví dụ, từ tháng 1/2017-1/2021, Mỹ đã rút khỏi tổng cộng 12 tổ chức và hiệp ước quốc tế, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Sau khi lên cầm quyền, nhiều khả năng Trump sẽ lại rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Tổ chức y tế Thế giới (WHO) mà Chính quyền Joe Biden đã gia nhập. Ngoài ra, Trump sẽ siết chặt chính sách nhập cư, thực hiện kế hoạch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ví dụ, ngày 4/11, ông tuyên bố sẽ trục xuất người nhập cư trên quy mô lớn, liên quan đến khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống tại Mỹ.

Chính sách đối ngoại: Ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và thông qua các biện pháp như thuế quan để gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại, quan hệ Trung-Mỹ sẽ một lần nữa bước vào giai đoạn có nhiều tính khó đoán định.

Hiệp định thương mại và thuế quan Trung-Mỹ: Thuế quan đối với Trung Quốc được khởi động lại, nhưng xét đến việc Trump nhanh chóng giải quyết xung đột Nga-Ukraine, vấn đề trần nợ chính phủ và nội các mới của chính phủ cần thời gian để đánh giá hiệu quả của chính sách thuế quan sau khi lên cầm quyền, chính sách thuế quan không nhất thiết phải được thực hiện ngay lập tức. Điều này cũng có nghĩa là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Trung Quốc và Mỹ có một khoảng thời gian nhất định để hòa hoãn trong vấn đề thuế quan. Ngoài ra, chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa đề cập đến việc hủy bỏ đãi ngộ tối huệ quốc đối với Trung Quốc, giảm dần việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ Trung Quốc.

Xung đột công nghệ Trung-Mỹ: Hạn chế mạnh mẽ hơn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn tài chính vào Trung Quốc, thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ giảm đầu tư vào Trung Quốc, hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao ở Mỹ và các đồng minh nước này. Chính quyền Trump có thể tái diễn động thái đưa các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, ZTE vào “danh sách thực thể” giống như nhiệm kỳ trước.

Về quân sự và ngoại giao: Muốn nhanh chóng giải quyết xung đột Nga-Ukraine, sau khi đắc cử tổng thống, Trump đã lên kế hoạch ngăn chặn chiến tranh, tình hình Nga-Ukraine có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel, chỉ trích Biden tìm cách hạn chế các cuộc tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Iran, tình hình Trung Đông có thể xấu đi trong ngắn hạn.

Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu? Thuế quan sẽ tác động ra sao đến xuất khẩu của Trung Quốc?

Mặc dù có những bất đồng về quan điểm chính trị, nhưng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã kế thừa đường lối chính sách của nhau trong vấn đề đối với Trung Quốc. Biden không những kế thừa chính sách thuế quan của Trump trong nhiệm kỳ của mình, mà còn tiếp tục áp thuế đối với các sản phẩm như ô tô điện, chất bán dẫn, năng lượng mặt trời, pin lithium-ion và thép của Trung Quốc.

Ngoài ra, sau khi lên nắm quyền, trên cơ sở thuế quan, một mặt Chính quyền Biden thông qua các phương thức như liên minh công nghệ, tăng cường trợ cấp và ngoại giao đa phương để kéo chuỗi cung ứng trở về nước Mỹ; mặt khác, ban hành nhiều lần danh sách thực thể, chèn ép hơn nữa sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Sau khi lên nắm quyền, dự kiến một mặt Trump sẽ lấy chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” làm trọng tâm để khởi động cuộc va chạm thương mại mới với các đối tác thương mại chính, đặc biệt là Trung Quốc; mặt khác, cũng sẽ kế thừa chính sách công nghệ và công nghiệp của Biden, đồng thời bổ sung thêm “yếu tố Trump”, làm cho các động thái trở nên khó lường hơn.

Mục đích chính của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên khi gây ra va chạm thương mại với Trung Quốc là giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, sau khi trải qua cú sốc của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, quan điểm của Trump trong nhiệm kỳ 2 sẽ trở nên cấp hơn, mức thuế quan 60% có thể vẫn có không gian hòa hoãn nhất định. Bởi vì bản thân việc áp thuế đối với Trung Quốc cũng sẽ chịu sự trả đũa của thuế quan của Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc, nhưng Trump sẽ đưa ra chính sách toàn diện từ góc độ công nghệ, công nghiệp, tài chính, nhân tài, và phong cách cũng như lộ trình sẽ có tính khó đoán định lớn hơn so với Chính quyền Biden.

Hiện có thể dự đoán ảnh hưởng trực tiếp mà thời kỳ Trump cầm quyền có thể gây ra cho nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu nằm ở khía cạnh thuế quan. Để tính toán ảnh hưởng do thuế quan Mỹ gây ra cho Trung Quốc, cần hiểu rõ 3 yếu tố: Tình hình Mỹ áp thuế quan đối với Trung Quốc, ảnh hưởng của việc áp thuế đối với xuất khẩu của Trung Quốc và tỷ lệ hàng hóa Trung Quốc chiếm trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ áp thuế chung 13% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa 2 nước vào năm 2018. Tham khảo tác động của vòng thuế quan đầu tiên đối với xuất khẩu của Trung Quốc, các mức thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD, 16 tỷ USD, 200 tỷ USD và lô hàng đầu tiên (khoảng 120 tỷ USD) trong số 300 tỷ USD của Trung Quốc vẫn đang có hiệu lực.

Thứ hai, sau khi thực hiện chính sách thuế quan, trong khoảng thời gian từ năm 2018-2023, xung đột thương mại Trung-Mỹ làm cho tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc sang Mỹ giảm 5,2 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tổng kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 0,9 điểm phần trăm.

Từ năm 2017-2023, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 6,9%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực khác ngoài Mỹ tăng 7,8%/năm và kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 2,6%/năm. Từ đó có thể thấy rằng việc áp thuế và chính sách tách rời ngành công nghiệp được Chính quyền Biden thực hiện sau này đã làm cho kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm trung bình 5,2 điểm phần trăm mỗi năm. Nhìn chung, từ năm 2018-2023, xuất khẩu sang Mỹ chiếm trung bình 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi xung đột thương mại Trung-Mỹ làm cho kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn cầu giảm khoảng 0,9 điểm phần trăm mỗi năm.

Thứ ba, nếu Trump áp thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, thì chính sách thuế quan mới sẽ khiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm khoảng 1,3-18,9 điểm phần trăm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng hàng năm của tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc từ 0,2-2,8 điểm phần trăm.

Các giả thuyết liên quan đến dự báo này gồm có:

Ông Trump có thể sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD, 200 tỷ USD và 300 tỷ USD của Trung Quốc. Thuế quan là biện pháp chứ không phải là kết quả, tham khảo hành vi mà Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, việc tăng thuế cũng được tiến hành theo từng giai đoạn và từng loại hàng hóa. Nếu Trump chỉ áp dụng mức thuế 60% đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD trên cơ sở thuế hiện tại, thì mức thuế trung bình đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 13% hiện nay lên 16,2%. Trên cơ sở này, tiếp tục áp thuế 60% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD thì mức thuế sẽ tăng lên 28,9%; tiếp tục áp thuế 60% đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD, mức thuế sẽ tăng lên 60%.

Xét đến mức thuế trung bình 13% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc từ năm 2018-2023 đã làm cho tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm 5,2 điểm phần trăm mỗi năm, nếu việc Mỹ áp thuế lần này có tác động tương tự đối với xuất khẩu, thì trong 3 kịch bản nêu trên (áp thuế 60% đối hàng hóa trị giá 50 tỷ USD, 200 tỷ USD và 300 tỷ USD) sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ từ 1,3-18,9 điểm phần trăm mỗi năm.

Xét đến năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ lệ 14,8% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, thì trong 3 kịch bản nêu trên, chính sách thuế quan mới sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 0,2-2,8 điểm phần trăm mỗi năm.

Xét đến việc Trump nhiều khả năng sẽ áp đặt thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau khi lên cầm quyền, nhưng thuế quan chỉ là biện pháp chứ không phải mục đích cuối cùng, mức thuế 60% này có thể sẽ không được áp dụng thực tế, cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc tích cực đi ra ngoài, thông qua Mexico, Đông Nam Á… để tái xuất hoặc sản xuất, dự kiến tác động cuối cùng sẽ nhỏ hơn so với dự đoán nêu trên.

Ngoài ra, từ mức độ áp thuế có thể thấy xét đến xung đột Nga-Ukraine, vấn trần nợ công của chính phủ, chính sách thuế quan chưa chắc sẽ được thực hiện ngay lập tức. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang “hạ cánh mềm” (chỉ cách tăng lãi suất vừa đủ để ngăn nền kinh tế tránh lạm phát cao – ND), Chính quyền Trump có thể sẽ gây sức ép tương đối mạnh mẽ đối với xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng xét đến Trump phải ưu tiên giải quyết xung đột Nga-Ukraine, vấn đề trần nợ công của chính phủ sau khi lên cầm quyền, nội các của ông cũng sẽ phải đánh giá chính sách đối nội và đối ngoại của nội các Biden, chính sách thuế quan chưa chắc sẽ được thực hiện ngay lập tức. Điều này cũng có nghĩa là Trung Quốc và Mỹ có khoảng thời gian hòa hoãn nhất định trong vấn đề thuế quan sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Một mặt, nội các chính phủ nhiệm kỳ mới cần thời gian để đánh giá hiệu quả của chính sách thuế quan. Ví dụ, năm 2021, Chính quyền Biden đã yêu cầu các bộ ngành như Bộ Thương mại… tiến hành rà soát chuỗi cung ứng. Sau khi đưa ra báo cáo rà soát 100 ngày về chuỗi cung ứng trong 4 lĩnh vực chủ chốt là bán dẫn, pin dung lượng lớn, khoáng sản quan trọng và dược phẩm, mới liên tục đưa ra Đạo luật CHIPS và Khoa học, Đạo luật giảm lạm phát… vào năm 2022 để bao vây Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng mới. Danh sách thuế quan đầu tiên mà Chính quyền Trump đưa ra vào năm 2018 cũng dựa trên kết quả của cuộc điều tra theo Mục 301 đối với Trung Quốc được khởi xướng vào tháng 8/2017.

Mặt khác, sau khi lên cầm quyền, Trump cần nhanh chóng giải quyết xung đột Nga-Ukraine, vấn đề trần nợ công của chính phủ, êkíp cầm quyền của ông khó có thể nhanh chóng chuyển trọng tâm sang lĩnh vực kinh tế thương mại. Trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 7/2024, Trump tuyên bố nếu thắng cử, ông sẽ giải quyết xung đột Nga-Ukraine trước lễ nhậm chức.

Tuy nhiên, về biện pháp giải quyết, trước đó ông Trump đề xuất Ukraine nhượng lại lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga để chấm dứt chiến tranh. Xét đến việc Ukraine có nhiều khả năng sẽ không chấp nhận nhượng lãnh thổ, do đó việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine vẫn cần Trump đóng vai trò trung gian.

Ngoài ra, Đạo luật trách nhiệm tài chính năm 2023 quy định vào ngày 1/1/2025, trần nợ công của Chính phủ Mỹ sẽ đến hết hiệu lực, khi đó cần phải có sự đồng thuận giữa 2 đảng về trần nợ mới, nếu không Chính phủ Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Dự kiến khi đó, êkíp cầm quyền của Trump sẽ chủ yếu tập trung nhiều vào công việc nội bộ hơn là kinh tế và thương mại.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here