Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung

0
56
(Internet)
(Internet)

1. Chính quyền Biden sẽ không nới lỏng các siết chặt về công nghệ đối với Trung Quốc

Inside Trade ngày 18/11 đưa bài tổng hợp ý kiến của một số nhà phân  tích, cho rằng Tổng thống được truyền thông dự đoán đắc cử Biden khả năng sẽ không thay đổi các biện pháp hạn chế thương mại và công nghệ do chính quyền Trump áp đặt lên Trung Quốc do đây là cách tiếp cận đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả 2 đảng trong Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump đã thực hiện các biện pháp nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc, như Huawei và ZTE, với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cùng nhiều sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư và thương mại của Mỹ với các công ty này với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Cố vấn chính sách công của công ty Wiley Rein, cựu nhân viên Nhóm chuyển giao đắc cử của Tổng thống Trump năm 2016, Nova Daly đưa ra 3 lý do khiến ông Biden khó có thể đảo ngược cách tiếp cận Trung Quốc hiện nay của Tổng thống Trump: gần 70% số người Mỹ được hỏi không ưa thích Trung Quốc (khảo sát của công ty thống kê Pew); khả năng Thượng viện sẽ tiếp tục do đảng Cộng hoà kiểm soát sẽ giám sát và cản trở nhiều quyết định chính sách của ông Biden; và chắc chắn trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Chính quyền Mỹ sẽ ưu tiên chính sách đối nội.

Ông Nova dự đoán Chính quyền Trump trong vài tuần tới sẽ tiếp tục kế hoạch tăng sức ép lên Trung Quốc, bao gồm hàng loạt các sắc lệnh hành pháp nhằm “khoá chặt” các chính sách diều hâu của mình đối với Trung Quốc. Việc Tổng thống Trump mới bổ nhiệm luật sư thương mại Corey Stewart vào làm một vị trí cấp cao tại Bộ Thương mại để tăng sức ép thương mại với Trung Quốc là minh chứng cho nhận định trên. Các động thái này sẽ tạo ra rào cản cho Chính quyền kế nhiệm trong việc điều chỉnh chính sách với Trung Quốc. Khả năng Chính quyền và Quốc hội tới đây sẽ chuyển trọng tâm sang để ý cả những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

Luật sư về kiểm soát xuất khẩu của công ty luật Covington & Burling, bà Kim Strosnider bày tỏ ủng hộ quan điểm của ông Nova Daly; mong muốn Chính quyền Biden sẽ tiếp tục các chính sách hạn chế với Trung Quốc; khuyến  nghị các biện pháp cân bằng như: các quy tắc rõ ràng cho cộng đồng doanh nghiệp; giúp ngành công nghiệp nhận được hướng dẫn qua con đường giao tiếp cởi mở; tạo điều kiện cấp phép xuất khẩu cho các công ty có lý do thuyết phục.

Cựu Giám đốc Văn phòng Quốc tế Ủy ban Truyền thông Liên bang, cố vấn cấp cao về thương mại và công nghệ tại công ty Sudbury International, ông Don Abelson thì cho rằng Chính quyền nên chuyển sang cách tiếp cận đa phương hơn trong lĩnh vực công nghệ, kêu gọi xây dựng khuôn khổ quốc tế về các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến nền kinh tế số, bao gồm cả việc thông qua các diễn đàn đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

2. Nguy cơ chính quyền Biden để Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường kỹ thuật số tại Châu Á

Bloomberg ngày 17/11 đăng bài phân tích, nhận định việc các nước Châu Á thành công trong việc ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hình thành khối thương mại lớn nhất thế giới, sẽ tạo ra mối lo ngại đối với các công ty công nghệ và tài chính của Mỹ.

Về tổng thể, RCEP được cho là đang tạo ra một trật tự “Thái Bình Trung Hoa” mới  (Pax Sinica), trong đó Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt chủ đạo. Về  nội dung hiệp định, bài phân tích đánh giá RCEP đang thiếu trầm trọng các tiêu chuẩn liên quan tới quản lý dữ liệu gốc của khách hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử và kỹ thuật số từ Visa, Paypal cho tới Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon…

Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, RCEP dù quy định các quốc gia ký kết sẽ không ngăn cản “việc chuyển dữ liệu bằng công cụ số hoặc các hình thức khác cần thiết cho hoạt động kinh doanh thông thường của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong lãnh thổ của quốc gia đó”, song thực tế các nước vẫn có thể yêu cầu được cung cấp các bản sao hồ sơ sở tại, hoặc hạn chế việc chuyển  dữ liệu xuyên biên giới trong trường hợp có vi phạm quy định về “dữ liệu, quyền riêng tư và bảo mật của hồ sơ cá nhân”. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các quy tắc RCEP đề ra không chặt chẽ, như việc các trang mua sắm có thể tự do gửi dữ liệu ra nước ngoài và không bắt buộc phải duy trì máy chủ ở các quốc gia hoạt động kinh doanh. Thông qua những quy tắc như trên, RCEP đang đẩy nghiêng quyền của các công ty công nghệ về phía Chính phủ các nước. Một hiệp định như TPP sẽ có các quy tắc thương mại kỹ thuật số chặt chẽ hơn, và giành được nhiều đảm bảo hơn đối với các công ty công nghệ.

Về khuyến nghị, bài phân tích cho rằng Mỹ cần phải quay lại Hiệp định TPP để tạo đối trọng với Trung Quốc, qua đó thiết lập các quy tắc về quyền sở hữu và sử dụng dữ liệu tài chính và thương mại điện tử của người dùng châu Á, một loại hàng hóa đang ngày càng trở nên có giá trị hơn trong giai đoạn hiện nay, thậm chí có thể ví như các “mỏ dầu” của giai đoạn trước đây. Mỹ chỉ có thể đóng vai trò đề ra luật chơi khi tham gia vào các hiệp định thương mại như TPP. Cảnh báo nếu Mỹ không đảm nhận vai trò dẫn dắt, Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiếp quản và đề ra luật chơi của mình trong vòng 10 năm tới. Sẽ có tới 2,2 tỷ người sẽ ủng hộ các luật chơi này, và khó có thể tỏ sự ủng hộ cho lợi ích của Mỹ. Cách tiếp cận thương mại chú trọng vào hàng rào thuế quan và phi thuế quan, trong khi bỏ qua vấn đề chuỗi cung ứng, nhất là ở Trung Quốc sẽ khiến Mỹ một lần nữa bỏ lỡ cơ hội chiến lược tại khu vực. Đây là điều Chính quyền Biden tới đây cần phải cân nhắc trong chính sách đưa Mỹ trở lại Châu Á của mình.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here