Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ: Một số vấn đề cần lưu ý

0
114

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 12/7/1995), đến nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang đối tác và trở thành đối tác toàn diện từ chính trị – ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, đến quốc phòng – an ninh. Nhờ đó, hợp tác kinh tế nói chung, hợp tác thương mại nói riêng của 2 nước đã có những bước phát triển ấn tượng.

NHỮNG HIỆP ĐỊNH VÀ CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HOA KỲ

Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Barshefsky đã ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) tại văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.  Hiệp định BTA chính thức có hiệu lực vào ngày 11/12/2001 khi Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Zoellick trao đổi thư phê chuẩn hiệp định tại Washington. Theo BTA, tất cả hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng mức thuế quan theo Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) vô điều kiện, thấp hơn nhiều so với mức thuế trước đó. Chỉ sau hai năm BTA có hiệu lực, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam và vị trí này được duy trì cho tới tận ngày nay.

Ngày 17/7/2003, Hiệp định Dệt may Việt Nam – Hoa Kỳ đã được Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển và Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt ký kết ở Hà Nội. Cùng năm đó, ngày 4/12, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Thỏa thuận Hàng không Song phương.

Ngày 8 và 9/12/2006, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Ngày 29/12/2006, Tổng thống Bush ký tuyên bố trao PNTR cho Việt Nam.

Bên cạnh việc tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ, BTA cũng mở ra cơ hội tăng cường giao lưu giữa công dân hai nước, mở cánh cửa để Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/01/2007.

Ngày 15/3/2007, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Hiệp định Hàng hải Song phương. Cùng năm đó, ngày 21/6, hai bên ký kết Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Ngày 27-28/3/2017, hai nước đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA), đối thoại trên tinh thần cùng có lợi, tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới.

THỰC TRẠNG QUAN HỆ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HOA KỲ

Những kết quả đạt được

Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế – thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã và đang trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Năm 2020 đã đánh dấu 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2020). Trong suốt chặng đường 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, giao thương giữa hai nước liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ và đang mong muốn ở top 10 đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong số hơn 100 đối tác thương mại của Việt Nam trên toàn cầu.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên 7,8 tỷ USD (năm 2005), 45,1 tỷ USD (năm 2015), 47,15 tỷ USD (năm 2016), 50,8 tỷ USD (năm 2017) và 77,5 tỷ USD (năm 2019).

Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn 2010-2020 bình quân đạt 16,3%/năm, từ mức 14,24 tỷ USD trong năm 2010 thì đến năm 2018 đạt 77,08 tỷ USD. Với kết quả này, trong suốt 10 năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ là dệt may; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; giày dép; đồ gỗ; với kim ngạch mỗi mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Ở chiều ngược lại, tốc độ tăng của hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Hoa Kỳ vào Việt Nam giai đoạn 2010-2020 cũng có mức tăng bình quân 16,5%/năm, từ mức 3,77 tỷ USD trong năm 2010 lên mức 13,71 tỷ USD trong năm 2020 (Hình 2). Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á với mức độ tăng trưởng nhanh. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất, đạt kim ngạch “tỷ đô” từ thị trường Hoa Kỳ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thức ăn cho gia súc và nguyên liệu, thủy sản, rau quả…

Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại sôi động khác của hai nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways.

Thách thức đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đem lại, thì thị trường này cũng đang có xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm… khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang đây, đặc biệt là việc phải đương đầu với rất nhiều các vụ kiện phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, việc hiểu biết về hệ thống pháp luật và thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất hạn chế. Từ đầu những năm 2000, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đương đầu với các vụ kiện bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ, đầu tiên là vụ cá ba sa (năm 2002), tiếp đó là vụ tôm (năm 2004) cùng với 11 nước khác. Vụ kiện này xuất phát từ lợi ích của khoảng 3.000 chủ trại nuôi cá da trơn ở Hoa Kỳ, thông qua một Nghị sĩ Quốc hội kiện những nhà xuất khẩu cá basa Việt Nam về tên loài cá và việc bán phá giá tại Hoa Kỳ (Nguyễn Mại, 2020). Do chưa có nhận thức đầy đủ về luật pháp, quy trình, thủ tục vụ kiện này, nên Việt Nam bị động khi đối phó và bị thua kiện.

Tính đến hết năm 2020, thống kê về việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại của hàng Việt Nam xuất khẩu, theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ. Trong 5 năm gần đây nhất (2015-2020) có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Dẫn đầu các thị trường điều tra nhiều nhất, đó là: Hoa Kỳ (40 vụ), tiếp đến là Ấn Độ (27 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Australia (16 vụ), Canada (16 vụ), EU (14 vụ) và Philippines (12 vụ). Riêng trong năm 2020, Việt Nam bị điều tra tổng cộng 37 vụ việc (Nguyễn Hạnh, 2020).

Nhìn chung, lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam của các quốc gia nói chung, của Hoa Kỳ nói riêng là do, xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua, nhờ vào tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này cũng đề nghị chính phủ nước họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hay về quy tắc xuất xứ, để được hưởng ưu đãi về thuế quan của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật thương mại; đồ gỗ của Việt Nam muốn vào thị trường Hoa Kỳ thì cần có xuất xứ là gỗ rừng trồng (có Chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác); hải sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ không được khai thác bất hợp pháp…

Hơn nữa, vấn đề cạnh tranh về giá so với các thị trường tương đồng, như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… cũng là những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, một thách thức cũng không kém quan trọng khi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đó là vấn đề môi trường đầu tư. Mặc dù môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện, an ninh chính trị, kinh tế, an toàn cho nhà đầu tư được đánh giá cao, nhưng có 3 vấn đề Việt Nam chưa thực sự làm tốt để đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đó là: (1) Hệ thống luật pháp công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo được thực thi nghiêm chỉnh trong cả nước; đảm bảo chi phí cơ hội là đòi hỏi có tính nguyên tắc của các tập đoàn xuyên quốc gia của Hoa Kỳ khi đầu tư vào nước ta;

(2) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã cam kết trong nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư với những quy định khắt khe và phạm vi rộng hơn là vấn đề nổi lên trong thu hút FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì đây là ưu thế nổi trội của họ, trong khi tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp bản quyền, thương quyền, làm hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn của Việt Nam;

(3) Giảm thiểu thời gian tiến hành các thủ tục hành chính từ thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, chi phí bôi trơn, tham nhũng là những tệ nạn không được chấp nhận đối với các tập đoàn xuyên quốc gia của Hoa Kỳ.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HOA KỲ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh mới của thế giới, nhiều chính khách và nhà kinh doanh Hoa Kỳ vẫn lạc quan đối với việc mở rộng quan hệ với Việt Nam. Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục đàm phán để có thể triển khai các dự án có nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực, như: chế tạo – chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm…

Vì vậy, để khai thác có hiệu quả triển vọng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, theo tác giả, cần quan tâm nghiên cứu sự thay đổi chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ để có giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ lợi ích của dân tộc.

Trong đó, để tận dụng được cơ hội khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực thực hiện nhiệm vụ tiền tiêu phục vụ phát triển quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Bên cạnh vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp chủ động nắm vững các cam kết từ các FTA của Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các quy định có liên quan. Cần lưu ý rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện quy định về xuất xứ hàng hóa để không vi phạm, đồng thời không vì lợi ích cục bộ tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng ưu đãi thuế hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gây tổn hại cho quan hệ thương mại giữa hai nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Riêng đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, cách tốt nhất là phòng và tránh xảy ra các vụ kiện, bởi vì khi vụ kiện đã được khởi xướng thì tốn nhiều chi phí và mất nhiều thời gian, do quá trình tố tụng của Hoa Kỳ rất phức tạp, tiền thuê các công ty luật có uy tín rất cao, khả năng thua kiện khá lớn và việc bồi thường thiệt hại do thua kiện rất tốn kém.

Trong trường hợp không thể tránh xảy ra vụ kiện thì tìm cách thương lượng để đơn kiện không được gửi đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Tòa Trọng tài Hoa Kỳ (ITC), thực hiện biện pháp hòa giải với bên nguyên đơn bằng các khoản bồi thường hợp lý.

Trường hợp đơn kiện đã gửi đến ITC và DOC thì doanh nghiệp Việt Nam phải tiến hành đồng thời 2 vấn đề để đối phó với vụ kiện, đó là: 1) Căn cứ vào các quy định của luật pháp Hoa Kỳ, cơ quan điều tra sẽ đòi hỏi bên bị đơn cung cấp những tài liệu, trả lời các câu hỏi điều tra; cần chuẩn bị đầy đủ số liệu kế toán, tài chính và các luận cứ để phản bác lại lập luận của cơ quan điều tra; 2) Thuê một công ty luật có năng lực và uy tín trong lĩnh vực mà vụ kiện xảy ra, để chuẩn bị đối chất với luật sư bên nguyên đơn trước các cơ quan xét xử vụ kiện.

ThS. Đoàn Vân Hà, Học viện Ngân hàng

Tài liệu tham khảo

  1. Tổng cục Hải quan (1995-2020). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam các năm, từ 1995 đến 2020
  2. Nguyễn Hạnh (2020). Hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại trong ngành Gỗ: Cần sự bắt tay của nhiều bên, truy cập từ https://congthuong.vn/han-che-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-trong-nganh-go-can-su-bat-tay-cua-nhieu-ben-149722.html
  3. Uyên Hương (2020). 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ: Hướng tới sự cân bằng
  4. Nguyễn Mại (2020). Quan hệ thương mại và đầu tư Việt – Mỹ trong 1/4 thế kỷ, truy cập từ https://nhadautu.vn/quan-he-thuong-mai-va-dau-tu-viet–my-trong-1-4-the-ky-d38913.html
  5. Ngọc Quỳnh (2021). Hiểu để chủ động phòng vệ thương mại

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here