Những thách thức chồng chéo và phức tạp trong khu vực – chẳng hạn như biến đổi khí hậu, các cú sốc kinh tế và đại dịch – cho thấy nhu cầu hợp tác quốc tế trong các công nghệ quan trọng thế nào. Quan hệ Australia-Hàn Quốc cần đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn và có ý nghĩa hơn nhiều trong hợp tác công nghệ ở khu vực.
Trang tin The Strategist của Australia ngày 11/12 đăng bài viết cho rằng, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Australia và Hàn Quốc trong các công nghệ quan trọng sẽ mang lại lợi ích chiến lược đáng kể cho cả hai quốc gia và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặc dù các công nghệ này mang lại nhiều kết quả có lợi về xã hội, kinh tế và an ninh, nhưng chúng ngày càng được các đối thủ trong khu vực triển khai phục vụ cho các mục đích xấu, bao gồm gián điệp, tấn công mạng và phát tán thông tin sai lệch. Điều này đặc biệt đáng báo động đối với nhiều quốc gia trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược gia tăng.
Dữ liệu mới nhất từ Critical Technology Tracker của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã nêu bật những thách thức do những tiến bộ công nghệ đặt ra bằng cách nhấn mạnh sự chuyển dịch vị thế dẫn đầu về công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua. Công cụ theo dõi cho thấy Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu có tác động cao đối với các công nghệ quan trọng.
Việc tăng cường hợp tác giữa các đối tác đồng chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể chống lại lợi thế của Trung Quốc trong nghiên cứu công nghệ. Báo cáo mới của ASPI khuyến nghị Australia và Hàn Quốc nên hợp tác với nhau trong các công nghệ quan trọng, vì hai cường quốc khu vực này sở hữu các công nghệ bổ sung cho nhau và cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo.
Trong báo cáo này, các nhà phân tích của ASPI xem xét sự hợp tác công nghệ song phương thông qua khuôn khổ 4 giai đoạn chung cho vòng đời công nghệ (đổi mới, nghiên cứu và phát triển; xây dựng các khối sản xuất; thử nghiệm và ứng dụng; tiêu chuẩn và chuẩn mực) và 4 công nghệ quan trọng tương ứng có lợi ích chiến lược chung đối với cả Australia lẫn Hàn Quốc (công nghệ sinh học, pin điện, vệ tinh và trí tuệ nhân tạo). Sử dụng khuôn khổ này, các nhà phân tích đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các bên liên quan trong chính phủ, nghiên cứu và ngành công nghiệp của Australiavà Hàn Quốc. Họ phác thảo cách có thể xây dựng sự hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển liên quan đến công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu pin, phóng vệ tinh và thiết lập tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo (AI).
Đầu tiên, các cuộc trao đổi dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) quan trọng sẽ tạo điều kiện chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực công nghệ sinh học, một lĩnh vực có liên quan đến mục tiêu của hai nước là trở thành trung tâm thử nghiệm lâm sàng trong khu vực. Các nhà phân tích đề xuất Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ sinh học Hàn Quốc dẫn đầu sáng kiến này.
Thứ hai, do Australia có nhiều khoáng sản quan trọng và Hàn Quốc mong muốn nâng cao năng lực sản xuất pin điện, các nhà sản xuất vật liệu pin từ cả hai nước nên hợp tác sản xuất chung các vật liệu pin như lithium hydroxide và vật liệu hoạt tính catốt tiền chất. Mặc dù nhà máy POSCO-Pilbara Minerals là một ví dụ hiện có về một nhà máy chung giữa hai nước đang hoạt động tại Hàn Quốc, các nhà phân tích nhấn mạnh lợi ích chiến lược của việc xây dựng các nhà máy trong tương lai trên đất nước Australia để tận dụng nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng an toàn của nước này.
Thứ ba, một thỏa thuận hợp lý giữa chính phủ với chính phủ sẽ giúp các công ty Hàn Quốc tận dụng lợi thế về địa lý của Australia để phóng vệ tinh chung. Việc này sẽ giúp cả hai nước dễ dàng thu thập dữ liệu vệ tinh cho mục đích dân sự và quốc phòng.
Cuối cùng, các bên liên quan của Australia và Hàn Quốc tham gia vào các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế nên điều chỉnh cách tiếp cận để đảm bảo rằng việc phát triển và triển khai các công nghệ AI phù hợp với lợi ích tương ứng của cả hai quốc gia. ISO/IEC JTC 1/SC 42, một tiểu ban chung về các tiêu chuẩn AI do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế và Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế cùng quản lý, là một cơ chế được khuyến nghị để phối hợp các cách tiếp cận của các bên liên quan chính của Australia và Hàn Quốc trong các tiêu chuẩn AI.
Tình hình chính trị hiện tại ở Hàn Quốc có thể khiến các đối tác trong khu vực nghi ngờ về sự ổn định trong nước và tính phù hợp của nước này với tư cách là một đối tác. Tuy nhiên, việc nhanh chóng bãi bỏ thiết quân luật cho thấy sự vững mạnh của các thể chế dân chủ của Hàn Quốc. Việc thúc đẩy các sáng kiến công nghệ giữa hai nước trong bối cảnh tiếp tục các diễn biến tại Hàn Quốc có thể gặp những thách thức ngắn hạn, nhưng quỹ đạo dài hạn cho hợp tác công nghệ vẫn lạc quan.
Bên cạnh trụ cột kinh tế, đổi mới và công nghệ của Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương và Biên bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ mạng và công nghệ quan trọng, hai nước cũng tích cực thúc đẩy đối thoại đa phương liên quan đến các công nghệ quan trọng. Đặc biệt, trên bình diện quốc tế, mỗi quốc gia đều tham gia Dự án đối tác thế hệ thứ 3, Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế và Quan hệ đối tác an ninh khoáng sản.
Hợp tác công nghệ giữa Australia và Hàn Quốc có thể được tận dụng để giải quyết các thách thức trong khu vực. Báo cáo này đóng vai trò là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự hợp tác nói trên. Để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn an toàn, an ninh và ổn định trong những thập kỷ tới, hiện là thời điểm để các bên liên quan trong ngành công nghiệp, nghiên cứu và chính phủ ở Australia và Hàn Quốc cùng nhau đảm nhận vai trò chiến lược lớn hơn và có ý nghĩa hơn nhiều trong hợp tác công nghệ khu vực.
Minh Châu