Quan điểm của Phó chủ tịch Phòng Thương mại California về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

0
105

Bản tin tháng 1/2019 của Phòng Thương mại Bang California đăng bài viết của Bà Susanne T. Stirling, Phó chủ tich đối ngoại, Phòng Thương mại California, về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, trong đó có một số ý lớn như sau:

  • – Trung Quốc là một trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong những năm gần đây. Những nỗ lực trong cải tổ và hiện đại hóa của mình đã biến Trung Quốc thành một nền kinh tế mở sâu rộng.

– Thương mại Mỹ – Trung phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc và Mỹ đã tăng từ 4,8 tỷ USD năm 1980 lên tới 635,96 tỷ USD trong năm 2017. Năm 2017, Mỹ xuất sang Trung Quốc xấp xỉ 130,37 tỷ USD, tăng hơn hai lần so với 10 năm trước đó.

– Trung Quốc là nước có nguồn vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Mỹ. Năm 2017, FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD, trong khi FDI của Mỹ vào Trung Quốc là 14 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2018, FDI của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 29 tỷ USD do Trung Quốc thắt chặt an ninh đối với các luồng vốn đầu tư FDI ra nước ngoài và do Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CIFUS) xem xét lại các quy chế quản lý luồng vốn FDI vào Mỹ.

– Trung Quốc đầu tư vào Mỹ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: bất động sản, giao thông, cơ sở hạ tầng, công nghệ và thông tin.

Bên cạnh Trung Quốc, Hồng Kông cũng là đối tác kinh tế lớn của Mỹ. Hiện có trên 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Hồng Kông và khoảng 85.000 công dân Mỹ hiện đang sống tại Hồng Kông. Ngoài ra, năm 2017 có tới một triệu người Mỹ sang thăm Hồng Kông. Đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Hồng Kông lên tới 81 tỷ USD, đưa nước Mỹ trở thành một trong số các nhà đầu tư lớn nhất tại Hồng Kông.

Xuất khẩu của Mỹ sang Hồng Kông đã tăng từ 26,6 tỷ USD năm 2010 lên tới 40 tỷ USD trong năm 2017. Tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Mỹ và Hồng Kông đạt tới 47,5 tỷ USD trong năm 2017.

Trung Quốc đứng thứ 3 trong danh sách các nước nhập khẩu hàng hóa của bang California. Năm 2017, Bang California xuất khẩu sang Trung Quốc 16,4 tỷ USD và sang Hồng Kông khoảng 12,1 tỷ USD. Năm 2016, FDI của Trung Quốc vào California 16,6 tỷ USD, năm 2017 giảm xuống còn 4,6 tỷ, trong khi đó FDI của California vào Trung Quốc đạt 4,4 tỷ USD.

Từ đầu năm 2018, Tổng thống Donald Trump liên tiếp áp thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp mức thuế tương đương đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ vào thị trường Trung quốc. Đến nay, tổng số thuế Trung Quốc áp vào hàng hóa Mỹ đã lên tới 110 tỷ USD, trong khi Mỹ áp thuế vào hàng hóa Trung quốc lên tới 250 tỷ USD. Tại cuộc gặp bên lề G20, tháng 11 năm 2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thống nhất tạm dừng 90 ngày, không áp thuế vào nhau để tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Phòng Thương mại California hết sức quan tâm tới tác động ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với thương mại quốc tế và kinh tế của Bang. Nó làm tăng chi phí của người tiêu dùng Mỹ đối với các sản phẩm được bảo đảm và giảm lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng; làm cho người Mỹ mất việc làm trong các ngành có liên quan (chỉ riêng việc áp mức thuế 150 tỷ USD lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây nguy cơ mất việc làm cho 455.000 người Mỹ). Phòng Thương mại California hy vọng năm 2019 Chính quyền Tổng thống Trump và đối tác Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận và không tiếp tục gây căng thẳng trong tranh chấp thương mại giữa hai nước. Về phần mình, Phòng Thương mại California luôn duy trì chính sách bền vững lâu dài, tích cực ủng hộ thương mại tự do trên toàn thế giới, mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế, tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng đối với các sản phẩm của Bang California ở nước ngoài và hạn chế các cản trở cạnh tranh quốc tế đối với các doanh nghiệp Bang California.

(TLSQVN tại San Francisco)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here