Quá trình tái cấu trúc chuỗi ngành nghề và sự lựa chọn của Trung Quốc

0
109
(Elnuevodiario)
(Elnuevodiario)

Ban Quản trị Trang Ngoại giao Kinh tế gửi tới các bạn đọc tóm tắt một số nội dung chính trong chuyên đề nghiên cứu “Tái cấu trúc chuỗi ngành nghề và sự lựa chọn của các tổ chức nước ngoài” đăng trên Diễn đàn 40 Nhà tài chính Trung Quốc (CF40):

Mặc dù đang phải đối mặt với áp lực tái cấu trúc chuỗi ngành nghề nhưng thị trường Trung Quốc vẫn có sức thu hút lớn với các công ty xuyên quốc gia, do: (i) Tiềm lực thị trường lớn. Theo số liệu của Ngân hàng UBS, quy mô thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua (2009-2019), từ 2,6 nghìn tỷ USD lên 8 nghìn tỷ USD. Con số trên mới chỉ bằng một nửa thị trường Mỹ[1], nhưng cũng đủ để chứng minh tiềm lực to lớn của thị trường Trung Quốc; (ii) thị trường Trung Quốc phát triển đầy đủ, có những lợi thế so sánh vượt trội trên các mặt lao động, chi phí, công nghệ, nguồn vốn, dữ liệu và cơ sở hạ tầng; (iii) Trung Quốc luôn tích cực đổi mới, đặc biệt đang đi đầu trong lĩnh vực số hóa. Doanh nghiệp nước ngoài không tham gia thị trường Trung Quốc sẽ khó nắm bắt được xu hướng phát triển kỹ thuật số. Điều này không có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp; (iv) Khả năng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc. Bất luận là khủng hoảng tài chính năm 2008 hay khủng hoảng hiện nay, kinh tế Trung Quốc đều phục hồi nhanh chóng trong thời gian ngắn, điều mà các quốc gia khác khó có thể thực hiện được.

Quá trình chuyển đổi, nâng cấp kết cấu ngành nghề của Trung Quốc cùng với cọ sát thương mại Trung Quốc-Mỹ và tình hình dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi ngành nghề. Đã xuất hiện ba xu hướng chuyển dịch sản xuất: (i) xu hướng chuyển dịch các ngành nghề thâm dụng lao động sang các nước Nam Á, Đông Nam Á do giá thành lao động, chi phí đất đai và môi trường ngày càng tăng tại Trung Quốc; (ii) xu hướng chuyển dịch đối với các ngành nghề có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ. Do ảnh hưởng của cọ sát thương mại Trung-Mỹ và cuộc chiến thuế quan, các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ buộc phải chuyển đến các khu vực có mức thuế quan thấp hơn; (iii) các ngành nghề phức tạp, phát triển theo cụm sản xuất (điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo…) ít có khả năng chuyển dịch do Trung Quốc có hệ sinh thái ngành nghề tương đối toàn diện mà các quốc gia khác khó có thể thiết lập trong ngắn hạn.

Các chuyên gia đã chỉ ra hai xu thế chủ yếu có tác động lâu dài, mang tính hệ thống đối với chuỗi ngành nghề toàn cầu. Một là, Trung Quốc và Mỹ đã mở rộng phạm vi khái niệm an ninh quốc gia. Dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng về y tế toàn cầu, Trung Quốc và Mỹ đáng lẽ ra cần tăng cường hợp tác. Nhưng thực tế, hai nước không những không hợp tác mà còn đẩy cao căng thẳng; nghi kỵ, thiếu hụt lòng tin ngày càng sâu sắc, kể cả trong lĩnh vực thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng. Về lâu dài, sự nghi kỵ sẽ làm tổn hại kinh tế hai nước, đẩy nhanh quá trình phân tách chuỗi ngành nghề, thậm chí hình thành một vòng tuần hoàn ác tính. Hai là, với quá trình chuyển đổi, nâng cấp chuỗi ngành nghề, đi đầu trong một số lĩnh vực, trong tương lai Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Hiển nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt nhiều hơn với áp lực từ các nước phương Tây. Đến một thời điểm nhất định, hệ thống toàn cầu hóa có nguy cơ tan rã, mô hình kinh tế toàn cầu có thể xuất hiện sự thay đổi mang tính chiến lược, tác động đến quá trình tái cấu trúc chuỗi ngành nghề toàn cầu.

Các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị, cụ thể: (i) Cần nhận thức rõ, nguyên nhân căn bản của vấn đề tái cấu trúc chuỗi ngành nghề không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế; các vấn đề phát sinh trong quan hệ Trung – Mỹ gần đây đều bắt nguồn từ sự nghi kỵ, mất lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc; (ii) Củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào sự phát triển của Trung Quốc. Trước mắt, cần nhanh chóng phục hồi nền kinh tế; tiếp đó, cần tăng cường cải cách, mở cửa, không can thiệp quá mức vào việc chuyển dịch ngành nghề; thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp; (iii) Tiếp tục tăng cường vai trò hỗ trợ của ngành tài chính, góp phần củng cố vị thế của Trung Quốc trong chuỗi ngành nghề toàn cầu; (iv) Tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, Big Data, điện toán đám mây, blockchain, đẩy nhanh xây dựng kỷ nguyên internet công nghiệp, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa mới; (v) Tích cực tham gia quá trình thảo luận, xây dựng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm các hiệp định kinh tế và thương mại khu vực.

[1] Quy mô thị trường tiêu dùng của Mỹ tăng từ 12,3 nghìn tỷ USD lên 17,6 nghìn tỷ USD trong 10 năm qua (2009-2019)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here