27 công ty Mỹ sẽ di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia. Địa điểm di dời các nhà máy Mỹ sẽ là khu vực rộng 4.000 hecta ở Công viên công nghiệp Brebes thuộc tỉnh Trung Java. Thông tin này khiến nhiều người Việt Nam quan tâm bởi ngay khi có thông tin các công ty nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, sẽ rời Trung Quốc trong tương lai, Việt Nam cũng hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Một doanh nhân Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực thực phẩm chia sẻ: “Indonesia rất nhạy trong việc lobby (vận động). Cũng có thể do chiến tranh thương mại nên những công ty kia đã chuẩn bị trước. Indonesia là nước cũng có hệ chữ alphabet như Việt Nam, nhưng cơ sở hạ và thượng tầng tốt hơn. Điều đáng lưu ý là Việt Nam bị vấn nạn các công ty Trung Quốc núp bóng làm mất uy tín.”
Khác với nhiều nền kinh tế tại châu Á, Indonesia không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam không mấy hy vọng thu hút được nhiều công ty Mỹ vì cơ sở hạ tầng, đường sá, bến cảng, lực lượng lao động có tay nghề, hệ thống pháp lý, pháp luật… còn hạn chế, trong khi Indonesia là một nước dân chủ, dân số đông gấp hai lần rưỡi dân số Việt Nam và nền kinh tế Indonesia lớn gấp 4 lần kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu một chuyên gia tài chính, cho rằng quyết định chọn nước nào để đầu tư sau Trung Quốc có lẽ dựa vào tiêu chí riêng của các nhà đầu tư Mỹ. Việc 27 nhà đầu tư Mỹ không chọn Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác mà chọn Indonesia cho thấy Indonesia có những tiêu chí phù hợp với họ. Ông cho biết: “Thứ nhất, luật lệ của nước nhận đầu tư phải đủ thông thoáng để họ đầu tư, làm ăn một cách dễ dàng; Thứ hai, họ chọn những quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kinh doanh; Thứ ba, tất cả những chính sách, luật lệ về hối đoái, về đầu tư phải thuận tiện cho các nhà đầu tư cả khi họ vào lẫn khi họ ra. Nhà đầu tư nào cũng quan tâm chiến lược để rút lui (Exit strategy). Không nhà đầu tư nào dại dột đến nỗi chỉ nhắm đường vào mà không có đường thoát”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu nêu một vấn nạn mà một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, xem nhẹ và coi đó là một điều kiện kinh doanh không chính thức, đó là vấn nạn tham nhũng.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra, tiếp theo là đại dịch COVID-19, không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có kế hoạch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính cho rằng, muốn thu hút các công ty nước ngoài đến Việt Nam thì phải tạo điều kiện kinh doanh tốt và lành mạnh.
“Với cơ hội COVID-19, Chính phủ Việt Nam cũng đang hy vọng. Tuy nhiên, để hy vọng trở thành hiện thực thì phải rà soát lại những điều kiện, yêu cầu gì mà các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ họ cần. FTA được Quốc hội thông qua và thực thi thì đó là điều kiện thúc đẩy thể chế của Việt Nam để làm sao cho phù hợp, tương đồng thì mới thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là từ Mỹ”.
Thọ Anh