Phục hồi nền kinh tế: Các lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam? (phần 5)

0
101
(Ảnh: Đ.T)
(Ảnh: Đ.T)

Các chương trình, kịch bản phục hồi kinh tế đang dần thành hình cùng với kế hoạch mở cửa trở lại. Nhưng chìa khóa mở mọi nút thắt đang nằm ở niềm tin và những bài học trong khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa biết lúc nào kết thúc, mọi thứ phía trước vẫn còn bất định. Tuy nhiên, một điều mà chúng ta biết chắc chắn sẽ xảy ra, đó là hành vi kinh doanh và tiêu dùng sẽ thay đổi vĩnh viễn hậu đại dịch. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước. Nhưng để các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả, doanh nghiệp nhận hỗ trợ cũng phải có khả năng thay đổi để phục hồi. Chính sách kinh tế cũng phải thay đổi trong môi trường mới này.

Bài 5: Niềm tin sẽ là bệ đỡ

Các chương trình, kịch bản phục hồi kinh tế đang dần thành hình cùng với kế hoạch mở cửa trở lại và nhiều câu hỏi không dễ trả lời ngay. Nhưng chìa khóa mở mọi nút thắt đang nằm ở niềm tin và những bài học trong khủng hoảng.

Vượt qua nỗi sợ

Những dòng người chọn cách vượt cả ngàn cây số, bằng mọi phương tiện, kể cả đi bộ, để trở về nhà từ đầu tháng 10 đến nay khiến TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảm thấy xót xa.

“Không tìm ra việc làm, tìm ra chỗ kiếm tiền để sống, thì họ phải bỏ về quê thôi. Không ai có thể giữ họ ở lại. Nhưng sau cú sốc tinh thần, người dân cũng cần có thời gian để tĩnh tâm và có lẽ về quê là tốt nhất”, ông Cung nói.

Trong dòng người đó, không chỉ có người lao động của các doanh nghiệp, mà còn là những lao động tự do, như bán vé số, buôn bán vỉa hè, làm thuê giúp việc gia đình… Gánh nặng họ mang không chỉ là cuộc sống của chính mình, mà cả gia đình ở quê. Khi không còn việc làm, không có thu nhập, không thể có tiền gửi về quê…

Nhiều người không hẳn mất việc, vì doanh nghiệp của họ được hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ”, nhưng họ không thể vào ở hẳn trong nhà máy, vì còn gia đình, con cái…, nên đành phải nghỉ.

Ngay cả khi một số địa phương đã nới giãn cách, không phải tất cả doanh nghiệp chọn mở lại vì điều kiện ràng buộc vẫn nặng nề, chi phí lớn, rủi ro cao, như yêu cầu xét nghiệm toàn bộ người lao động 2 lần/tuần ở Bình Dương, yêu cầu lao động phải ở “vùng xanh”…, nên tỷ lệ không nhỏ người lao động tiếp tục thất nghiệp, phải tìm cách tồn tại.

Thực ra, ngay khi có những dấu hiệu người dân tìm cách rời khỏi thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 01/10/2021, trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 02/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vắc-xin đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội. Với người dân thực sự muốn về quê vì lý do khác nhau, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phối hợp tổ chức đón, đưa người dân, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đi lại thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây bức xúc cho người dân…

Nhưng nhiều địa phương đã không hành động kịp thời.

“Chính quyền các địa phương cần hỗ trợ những người muốn về, đang trên đường về, để họ trở về an toàn. Các địa phương, doanh nghiệp có doanh nghiệp bỏ đi đừng sợ thiếu lao động, đừng sợ chi phí lao động tăng, dù chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Các địa phương có người về cũng đừng sợ dịch bệnh, vì nếu được tổ chức tốt, người dân không phải trốn tránh, dịch bệnh sẽ trong tầm kiểm soát”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Lý giải điều đó, theo vị chuyên gia giàu kinh nghiệm về tái cơ cấu kinh tế, khi làm tốt vấn đề an sinh, kịch bản phục hồi kinh tế địa phương, sự trở lại của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ mở ra những hướng đi mới mẻ, rộng rãi.

Cơ cấu lao động theo tình trạng việc làm (%)
Cơ cấu doanh nghiệp theo tình trạng hoạt động (%). Nguồn:  Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, khảo sát  69.132 lao động và  21.517 doanh nghiệp , tháng 8/2021

 

Bài học trong khủng hoảng

Sống trong tâm dịch, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I đang tính tới các kế hoạch tự động hóa, giảm bớt sự lệ thuộc vào thâm dụng lao động, khi mà phân bổ lại lao động và chi phí lao động ở các trung tâm công nghiệp sẽ tăng. Trong khi đó, kế hoạch đầu tư xây dựng ký túc xá, chỗ ở cho người lao động, có thể làm khu cách ly trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện, đã có trong phần việc ưu tiên của nhiều doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng đang nhìn thấy sự sôi động dần lên của các hoạt động mua bán và sáp nhập, cho dù có thể nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thua thiệt, khi giá bán có thể không như mong muốn.

“Sẽ có cơ cấu lại, phân khúc lại mạnh mẽ trong các ngành, vì khi có doanh nghiệp không đủ sức duy trì, phải rút lui…, sẽ có doanh nghiệp tìm cách thế chỗ, thậm chí bứt lên. Từng doanh nghiệp đang thay đổi rất mạnh để phù hợp với tình hình mới”, ông Đoàn cho biết.

Tất nhiên, có thể chỉ doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh mới thực hiện được các kế hoạch lớn, nhưng áp lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà cung cấp… phải dịch chuyển, phải thay đổi cũng sẽ rất lớn. Điều này cũng đang diễn ra trong các chuỗi sản xuất  khi EU, Mỹ, Trung Quốc…. đang hồi phục mạnh.

Đây là những điều mà TS. Nguyễn Đình Cung muốn nhấn mạnh và gọi là những cơ hội vàng đang nổi lên từ khủng hoảng do Covid-19.

Đó là cơ hội có ngay nguồn lao động của các địa phương đón nhận người về mà ông tin là các doanh nghiệp sẽ bắt rất thấy rất nhanh, từ đó lên kế hoạch đầu tư mở rộng hoặc đầu tư thêm. Với các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… , nguy cơ thiếu lao động hiện hữu có thể sẽ xoay chuyển bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, sử dụng ít lao động… mà lâu nay vẫn lấn cấn trong ứng xử với số lượng lớn doanh nghiệp thâm dụng lao động.

“Tôi mong các địa phương tận dụng thời điểm này để có những chính sách phù hợp, cả ngắn hạn và dài hạn, đừng để người dân phải khổ thêm. Chương trình Phục hồi kinh tế và đẩy nhanh phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng cần làm rõ các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội đi kèm với đào tạo lại lao động. Tôi cho rằng, dư địa để ngân sách nhà nước tăng khoản chi cho hoạt động này là có và cần được ưu tiên”, ông Cung đề xuất.

Ở góc độ này, các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chuỗi ngành, hỗ trợ doanh nghiệp đầu ngành để từ đó tạo sức lan tỏa cũng có thêm cơ sở thực tiễn, giải tỏa những tâm tư khi phải lựa chọn hỗ trợ ai, như thế nào trong bối cảnh nguồn lực rất có hạn của ngân sách.

TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn nhìn thấy cơ hội khắc phục điểm hạn chế về mặt bố trí không gian lãnh thổ, trong đó có vấn đề tương quan giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, vốn được đề cập từ lâu. “Biểu hiện cụ thể của hạn chế này là lực lượng đông đảo lao động nhập cư từ các tỉnh vào các thành phố lớn và các khu công nghiệp, kéo theo là gia đình của họ, đang gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn lớn. Nay một số doanh nghiệp, công ty muốn khôi phục sản xuất cũng không dễ khi chiêu mộ, sắp xếp lại lực lượng lao động của mình”, ông Thắng nói.

Vì vậy, ông Thắng nhắc đến những giải pháp tái cơ cấu kinh tế được tiếp cận cụ thể từ góc độ không gian phát triển thiết thực hơn. Khi đó, bên cạnh các mục tiêu đang được đặt ra là tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn, thì cải cách cơ cấu, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần gắn kết với hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động. Với cách này, không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư  mà cả người dânsẽ nhìn thấy cơ hội mới từ các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế… để từ đó tự nâng cấp, chuẩn hóa mình.

Đây chính là điều mà giới chuyên gia kinh tế thực sự kỳ vọng và nhiều lần nhắc tới, vì khi đó, nền kinh tế sẽ phục hồi không phải theo hướng đứng lên tại chỗ cũ, dựa trên năng lực cũ, mà là trên cơ sở kích hoạt tiềm lực tăng trưởng mới…

“Sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng theo tôi, quan trọng nhất lúc này là sự thống nhất trong thông điệp và thực thi, giữa Trung ương và địa phương trong mọi chính sách. Đừng để có ai bị bỏ lại phía sau vì khoảng cách này”, ông Thắng khuyến nghị.

Niềm tin phải trở lại

Một năm nhiều mất mát của nền kinh tế rồi sẽ qua đi, nhưng qua nhanh hay chậm, mất nhiều hay ít, thậm chí là tìm kiếm được cơ hội gì… phụ thuộc vào các hành động hiện tại, từ các cấp lãnh đạo cao nhất cả Nhà nước, Chính phủ, tới chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Người đứng đầu có thể sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn, hoặc phải thay đổi tư duy trong lựa chọn và điều hành chính sách; sẽ có lúc phải chọn cách khó, dám làm, dám chịu để vừa chống dịch, nhưng không để doanh nghiệp đóng cửa, người dân mất việc…

Nhưng đổi lại, niềm tin của người dân, doanh nghiệp sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc thực thi các kế hoạch phục hồi kinh tế tới đây.

(Khánh An/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here