Phó Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh vai trò của thương mại quốc tế và WTO trong việc giúp chống lại biến đổi khí hậu

0
85
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Ngày 26/10/2021, Phó Tổng Giám đốc WTO bà Angela Ellard đã nhấn mạnh vai trò của thương mại trong việc giúp chống lại biến đổi khí hậu trong phát biểu tại sự kiện “Các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động vì khí hậu” do Phòng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh tổ chức.

Theo bà Ellard, mặc dù WTO không phải là nơi thiết lập chính sách khí hậu toàn cầu và cách thức đạt được các mục tiêu, tuy nhiên, WTO đóng vai trò quan trọng về chính sách này vì các quy tắc của WTO chi phối thuế, thuế quan, trợ cấp, các biện pháp quản lý và các công cụ khác có liên quan đến việc thực hiện các chính sách thích ứng ới biến đổi khí hậu. Thương mại quốc tế – và WTO với tư cách là cơ quan bảo vệ các quy tắc thương mại đa phương – có thể giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu trên ba khía cạnh.

Thứ nhất, thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và thích ứng với biến đổi khí hậu: Để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, các quốc gia cần khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến với giá cả phải chăng. Việc hạ thấp các rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường như thuế và tư vấn môi trường giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu.

Thứ hai, cần có sự phối hợp và cộng tác giữa thương mại và biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong vấn đề định giá carbon. WTO và các tổ chức quốc tế khác nên phối hợp để hỗ trợ các chính phủ tiến hành một cách hiệu quả các hành động thương mại và khí hậu. Các quốc gia đang triển khai với tốc độ khác nhau trong định hướng cắt giảm carbon trong nền kinh tế, dẫn đến sự chênh lệch đáng kể trong cách tiếp cận chính sách. Trong khi định giá carbon là một công cụ có giá trị, trên toàn cầu hiện nay có gần 70 chương trình định giá carbon khác nhau và chúng chiếm chưa đến 22% tổng lượng khí thải. Giải pháp tối ưu sẽ là giá các-bon toàn cầu phù hợp với Thỏa thuận Paris về khí hậu. Trong trường hợp không có cơ chế như vậy, các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như WTO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, phải phối hợp cùng nhau có cách tiếp cận chung để định giá các-bon, đảm bảo rằng các biện pháp không được áp dụng theo cách phân biệt đối xử và nhu cầu của các nước đang phát triển được quan tâm trong quá trình chuyển đổi.

Thứ ba, WTO cung cấp một diễn đàn duy nhất để các Thành viên giải thích những nỗ lực của họ nhằm giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu và giải quyết những hiểu lầm tiềm ẩn. Cơ sở dữ liệu Môi trường cho thấy rằng các chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp thương mại liên quan đến khí hậu. WTO đã thiết lập một số cơ chế minh bạch như yêu cầu thông báo và đánh giá chính sách thương mại định kỳ để cung cấp thông tin về các biện pháp thương mại liên quan đến khí hậu.

Sáng kiến ​​Hỗ trợ Thương mại của WTO có thể giúp huy động đầu tư cho cơ sở hạ tầng quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh của các nước đang phát triển. Một phần tư số giải ngân Chương trình Hỗ trợ thương mại trị giá 65 tỷ USD được phân bổ cho các dự án có mục tiêu khí hậu. Và 40% trong số đó dành cho sản xuất, phân phối và tiết kiệm năng lượng tái tạo, trong khi hơn một phần tư hướng tới cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu và thích ứng với khí hậu. Cẩn tăng cường thành tố xanh trong viện trợ cho thương mại bằng cách phát triển các chương trình hợp lực với các chương trình tài trợ khí hậu.

Với các chính sách đúng đắn, thương mại có thể là một động cơ mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi sang net zero. Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 26 và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO mang lại cơ hội để thực hiện một bước nhảy vọt nhằm biến thương mại trở thành động lực để hành động vì khí hậu.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here