Nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chiều 25/12/2021, Hội thảo “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh Nghệ An tổ chức tại Thị xã Cửa Lò, tiếp tục với phiên toàn thể.
Phiên này có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.
Chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” của Hội thảo hôm nay có tính thời sự cao, trong bối cảnh đất nước đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Nhấn mạnh ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng, ông Mẫn nêu, năm 2019, du lịch đã đóng góp khoảng 10,4% GDP và 10,6% việc làm toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành du lịch có nhiều lợi thế và tiềm năng nhờ sự đa dạng về truyền thống lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển ngành du lịch là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, từ khi có Nghị quyết 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, ngành Du lịch liên tục có bước phát triển đột phá: năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra 2,5 triệu việc làm, Phó chủ tịch nêu rõ.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước”, Phó chủ tịch nói.
Theo Phó chủ tịch, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Lưu ý du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác, Phó chủ tịch cho rằng các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, Phó chủ tịch gợi ý.
(Nguyễn Lê/baodautu.vn)