Phiên họp cấp cao lần thứ 5 Ban Điều hành Trung tâm Phát triển (BĐH TTPT) với chủ đề “Phát triển cho tất cả: vai trò của chính sách trong nước và quốc tế” đã diễn ra trong ngày 21/5/2019 tại Trụ sở OECD, Paris, Pháp. Tham dự phiên họp có đại diện 57 nước thành viên (5 thành viên mới gia nhập là Ecuador, Guatemala, El Salvador, Rwanda và Togo), đáng chú ý có Phó Tổng thống Bờ Biển Ngà D. K. Duncan, Phó Giám đốc điều hành Trường hành chính quốc gia Trung Quốc Mã Kiến Đường (hàm Bộ trưởng), Bộ/Thứ trưởng các nước Ecuador, Guatemala, Togo, Rwanda, Maroc, Tây Ban Nha, Uruguay… Về phía OECD có Tổng Thư ký Angel Gurria, Chủ tịch Ban ĐH TTPT M. Escudero, Giám đốc Trung tâm phát triển M. Pezzini, ngoài ra có đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực như World Bank, ILO, OIF, UNECA, UNDP, JICA, EU. Phiên họp do 4 nước gồm: Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Tây Ban Nha, Uruguay đồng chủ trì. Đại sứ Việt Nam tại Pháp làm Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị.
Tại phiên họp, các nước đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các thách thức biện pháp chống lại bất bình đẳng và các yếu tố gây tổn thương (vulnerability), đặc biệt tập trung vào vai trò của chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế về bảo trợ xã hội.
Các phát biểu đều bày tỏ lo ngại việc khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng vẫn đang tăng lên trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, bất chấp tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. Theo thống kê, hiện thế giới có khoảng 700 triệu người sống ở mức nghèo (thu nhập dưới 1,9 USD/ngày), nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều, con số này lên tới 1,5 tỷ người. Trong khi 1% số người giàu nhất chiếm một nửa tổng tài sản của nhân loại thì một nửa dân số nghèo chỉ chiếm chưa đến 1%. Thế giới có 3,8 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu, tuy nhiên tại các nước đang phát triển, đặc biệt các nước vừa chuyển sang mức thu nhập cao hơn, nhiều hộ gia đình đang tham gia thành phần kinh tế không chính thức và “dễ bị tổn thương” trước các cú sốc kinh tế.
Trong phát biểu khai mạc, Tổng thư ký OECD Gurria nhấn mạnh phát triển kinh tế luôn tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng, do đó các quốc gia cần: (i) có chính sách thích hợp để phát triển hệ thống bảo trợ xã hội; (ii) tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong xây dựng và triển khai chính sách xã hội; (iii) vận động các nguồn tài chính đầu tư cho bảo trợ xã hội; (iv) bảo đảm lao động di cư được tiếp cận dịch vụ xã hội. Chủ tịch Ban ĐH TTPT OECD Escudero cho rằng đầu tư cho bảo trợ xã hội chính là đầu tư cho tăng trưởng. Giám đốc Trung tâm phát triển M. Pezzini tỏ sẵn sàng giúp đỡ các nước xây dựng chính sách xã hội bằng kinh nghiệm, hệ thống dữ liệu và công cụ của TTPT.
Chương trình Phiên họp cấp cao gồm hai phiên thảo luận. Tại phiên thứ nhất về vai trò của chính sách quốc gia, các nước đã trình bày kinh nghiệm, thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm và chống bất bình đẳng. Phó Tổng thống Bờ Biển Ngà nhấn mạnh các Chính phủ cần đặt con người là chủ thể trung tâm và là đối tượng được hưởng lợi chính của phát triển kinh tế và xã hội. Đức cho rằng ngay cả khi có thể tự chủ nguồn lực để chống nghèo đói, các nước cần quyết tâm cao về chính trị để đưa ra các chính sách tái phân bổ thu nhập cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương do điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích với tầng lớp giầu có hơn. EU kêu gọi các nước thực hiện đúng cam kết tại Hội nghị cấp cao về Bảo trợ xã hội tại Geneva tháng 2/2019, cho rằng các nước cần chú ý đến quản trị tài chính công để giảm phụ thuộc từ bên ngoài và đạt tự chủ trong việc đầu tư cho xã hội, đồng thời cần thu hút thêm đầu tư từ lĩnh vực tư nhân. Đại diện Romania cho rằng cần có những giải pháp phù hợp với bối cảnh từng nước chứ không phải là “một mô hình chung rập khuôn cho tất cả” (one size fits all). Ecuador nhấn mạnh để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương cần có kỷ luật và quản lý minh bạch các nguồn tài chính công.
Các nước đều nhất trí đánh giá biến đổi khí hậu, số hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, di cư, chuyển đổi cơ cấu dân số, lao động chất lượng thấp, sự phát triển của kinh tế không chính thức, tỷ lệ thuế/GDP thấp. là các thách thức chính gây gia tăng bất bình đẳng và cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, cần có cam kết chính trị lâu dài trong việc phát triển hệ thống bảo trợ xã hội, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ công, an sinh xã hội cho người nghèo, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi. Các kinh nghiệm hạn chế bất bình đẳng được các nước nêu gồm bảo đảm môi trường pháp luật công bằng và minh bạch để thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh quản trị hành chính công nhằm bảo đảm nguồn vốn cho các dự án an sinh xã hội, kiểm soát nền kinh tế không chính thức, chống lại các hoạt động trốn và gian lận thuế, tạo điều kiện cho người nghèo có thêm thu nhập thông qua các hoạt động xuất khẩu, xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực…
Phiên thảo luận thứ hai nhấn mạnh bất bình đẳng không phải chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia và còn đòi hỏi các giải pháp và nỗ lực quốc tế. Trên khía cạnh này, các nước thảo luận về kinh nghiệm thực hiện Chương trình 2030 của LHQ về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững của (SDG) 1 về xóa đói nghèo và SDG 10 về giảm bất bình đẳng.
OECD nhấn mạnh cách tiếp cận về Phát triển Chuyển tiếp (Development in Transition), theo đó tăng trưởng kinh tế chỉ là một khía cạnh của phát triển, phát triển là quá trình liên tục và đa dạng tùy theo hoàn cảnh của từng nước, khi bước vào giai đoạn phát triển mới các nước sẽ gặp phải các thách thức mới. OECD cho rằng cần xem xét lại cách tiếp cận “phát triển” rồi “phân phối”, thay vào đó các chính phủ cần có biện pháp phân phối thu nhập, đầu tư cho phát triển con người ngay từ đầu để hạn chế một cách hiệu quả bất bình đẳng và bảo đảm phát triển bền vững. Thông qua phát triển kinh tế và quản lý tốt tài chính công, các nước có thể huy động các nguồn thu nhập từ thuế, giảm sự phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính bên ngoài (như ODA) để mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội và củng cố các dịch vụ công, tuy nhiên cũng cần lưu ý duy trì sự cân bằng nguồn tài chính cho xóa đói nghèo và giảm bất bình đẳng.
Các thảo luận đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại chính trị giữa các quốc gia để có sự phối hợp hài hòa giữa các mục tiêu phát triển quốc gia với chương trình nghị sự quốc tế nhằm củng cố các khuôn khổ, thỏa thuận quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng như hợp tác Nam- Nam và hợp tác 3 bên. Trung Quốc kêu gọi các tổ chức quốc tế cần đóng vai trò giám sát, xây dựng chỉ số chung về bất bình đẳng của các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như chia sẻ với các nước các bài học trong việc xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả. Tây Ban Nha đề nghị các nước cần sử dụng hiệu quả các hỗ trợ tài chính, tăng cường đầu tư tư nhân để đạt được các mục tiêu về bảo trợ xã hội. Đại diện WB cho rằng cần đẩy mạnh phối hợp giữa các tổ chức như WB, ILO, IMF, UNDP, OECD… trong vấn đề bảo trợ xã hội nhằm thống nhất một khuôn khổ và cách tiếp cận chung trong vấn đề này. Togo đánh giá cao vai trò của việc thu hút kiều hối đầu tư cho bảo trợ xã hội. Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại chính sách bảo trợ xã hội, cho rằng các nước cần hành động và nghiêm túc thực hiện các cam kết tại Phiên họp để có các kết quả thực chất ; cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề phát triển công bằng, bảo trợ xã hội tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD 7).
Kết thúc Phiên họp, các nước đã thông qua Thông cáo và một Tuyên bố chính sách về bảo trợ xã hội phổ quát (văn bản kèm theo). Thông cáo hoan nghênh 5 thành viên mới gia nhập Trung tâm phát triển, điểm lại các thành tựu đạt được của Trung tâm phát triển từ sau phiên họp cấp cao lần 4 năm 2017, kêu gọi các nước tiếp tục đẩy mạnh đối thoại và trao đổi trên 03 nội dung: (i) xã hội bao trùm và kinh tế không chính thức; (ii) đầu tư cho chính sách công và hạ tầng chất lượng; (iii) phát triển chuyển tiếp. Tuyên bố chính sách kêu gọi các nước thực hiện 08 hành động để thực hiện mục tiêu đạt bảo trợ xã hội phổ quát đến năm 2030 bao gồm củng cố các chính sách xã hội, hợp tác quốc tế, tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện.
(Tin từ ĐSQVN tại Pháp).