Quy hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu định hướng thu hút đầu tư, năng lượng tái tạo và điện khí được Bạc Liêu xác định là một trong 5 trụ cột quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 04 về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến 2030 xây dựng Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển. Xã hội phát triển hài hoà, đời sống nhân dân được nâng cao. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến 2030, trong đó về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5 – 10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5 – 4 lần so với năm 2020.
Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm.
Quy hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển. Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch. Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm Nam quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng.
Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin; xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm qua các giai đoạn chế biến, có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ tình trạng xả thải của các cơ sở chế biến thủy sản.
Xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức hiệu quả liên kết chuỗi giữa cơ sở chế biến với vùng sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Đáng chú ý. với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ.
Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh). Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Bạc Liêu có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, hydrogen,…) và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là thủy hải sản, đặc biệt là 2 sản phẩm gạo và tôm. Tỉnh có truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ, con người Bạc Liêu giản dị, cần cù, sáng tạo, phóng khoáng, thân thiện, mến khách.
Diện mạo và tiềm lực kinh tế của tỉnh trong những năm qua chuyển biến đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước khẳng định vị thế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tỉnh tăng 9,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15%; thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng 10,67%.
Hoàng Nam