Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp Halal: kinh nghiệm các nước và hàm ý chính sách cho Việt Nam

0
189
(Internet)
  1. Ngành công nghiệp Halal và thách thức về thiếu nguồn nhân lực

Ngành công nghiệp Halal (gọi tắt là ngành Halal) là tổng thể các ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo như thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, y tế và chăm sóc sức khỏe, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, chuỗi cung ứng…

Trong thế giới đương đại, thị trường Halal đã vượt ra ngoài các nước Hồi giáo và được người tiêu dùng không theo Hồi giáo toàn thế giới quan tâm, mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, phát triển kinh tế.1 Theo báo cáo của IMARC, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2022.Với số người theo đạo Hồi dự báo đạt 2,18 tỷ người vào năm 2030 chiếm khoảng 30% dân số thế giới, quy mô thị trường Halal toàn cầu dự báo sẽ đạt mức tối đa 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 6,2%.3

Halal là thuật ngữ luật Hồi giáo có ý nghĩa “được phép”. Một sản phẩm được coi là Halal khi không chứa các thành phần bị cấm (haram) như thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, rượu và động vật không được chế biến theo quy định của kinh Qur’an. Trước đây, Halal chỉ được áp dụng cho thực phẩm nhưng hiện nay đã mở rộng bao gồm hầu hết mọi loại hàng hóa và dịch vụ, từ thực phẩm đến mỹ phẩm, thời trang, dược phẩm, tài chính, du lịch,…4

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp Halal toàn cầu trong vài thập kỷ qua đã và đang đặt ra thách thức lớn về nguồn nhân lực cho tất cả các nước tham gia vào thị trường Halal quốc tế, bao gồm cả các nước có ngành công nghiệp Halal phát triển. Như tại Mỹ, các tổ chức cấp chứng nhận Halal luôn ở trong tình trạng thiếu nhân sự đủ trình độ để thực hiện kiểm định và cấp phép sản phẩm​ Halal.5 Châu Âu có nhu cầu cao về sản phẩm Halal nhưng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về Halal rất hạn chế. Tình trạng thiếu nguồn nhân lực Halal càng trở nên thách thức hơn đối với các nước mà Hồi giáo không phải tôn giáo chính và cộng đồng người Hồi giáo chiếm thiểu số như Việt Nam.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đến nay đều khẳng định nguồn nhân lực Halal là một trong các thành tố quan trọng của ngành công nghiệp Halal, nhưng lại chưa làm rõ ảnh hưởng của tình trạng thiếu nhân sự Halal lên quá trình xây dựng, phát triển ngành công nghiệp Halal, cũng như sự tham gia của các nước vào thị trường Halal quốc tế. Vấn đề thiếu nhân sự Halal không chỉ do không đáp ứng về số lượng, mà còn do lực lượng lao động không đáp ứng trình độ, chuyên môn làm việc trong ngành công nghiệp Halal. Vấn đề này cần được giải quyết bởi các giải pháp cụ thể về đào tạo và xây dựng năng lực.

Ngành công nghiệp Halal cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực Halal bài bản. Nhân lực Halal hiện diện ở mọi thành phần trong toàn bộ hệ sinh thái Halal, bao gồm các học giả tôn giáo, nhà khoa học và chuyên gia công nghệ, các bên tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm; người tiêu dùng và chính phủ, cần có kiến thức về tiêu chuẩn chung đối với các sản phẩm Halal, quy trình và điều kiện cấp chứng chỉ Halal tại các thị trường Halal lớn trên thế giới, đáp ứng trình độ chuyên môn của từng vị trí cụ thể trong chuỗi cung ứng Halal.6

Theo đó, các học giả Hồi giáo cần được đào tạo về chuỗi cung ứng thực phẩm hiện đại để xây dựng các quy định tôn giáo dựa trên thực tế. Các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thực phẩm cần nắm vững các nguyên tắc trong luật Hồi giáo về thực phẩm. Các doanh nghiệp Halal cần một lượng nhân sự lớn, có trình độ chuyên môn cao, phục vụ tại nhiều vị trí trong chuỗi cung ứng Halal như: nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu, các nhân viên đảm bảo chất lượng, kiểm soát chất lượng, kiểm toán nội bộ, xử lý thực phẩm, quản lý kho vận, vận chuyển… Các cơ quan quản lý Halal của nhà nước cần nắm vững tất cả các vấn đề này để xây dựng chính sách, quản lý điều hành vĩ mô ngành công nghiệp Halal và cấp phép/chứng nhận Halal. Người tiêu dùng cần nắm được tình trạng của các sản phẩm và dịch vụ Halal trong chuỗi cung ứng, từ đó xây dựng được lòng tin của người tiêu dùng và thiết lập mối quan tâm với sản phẩm, dịch vụ Halal.

Không chỉ là thành tố quan trọng của ngành công nghiệp Halal, nhân sự Halal còn là điều kiện bắt buộc trong xin cấp phép/chứng nhận Halal tại nhiều nước. Theo thống kê, một trong số các nguyên nhân các doanh nghiệp bị từ chối cấp chứng nhận Halal hay gặp phải là do thiếu nhân sự có chuyên môn, hiểu biết về quy trình Halal.7 Malaysia quy định doanh nghiệp xin cấp phép/chứng chỉ Halal phải có nhân viên Hồi giáo làm nhiệm vụ giám sát và có đủ nguồn nhân lực để thực hiện hệ thống kiểm soát Halal của công ty; công ty phải thực hiện đào tạo/huấn luyện cho các nhân viên về các nguyên tắc Halal.8 Indonesia quy định, doanh nghiệp xin cấp phép/chứng chỉ Halal phải có đội ngũ quản lý Halal chịu trách nhiệm lập kế hoạch, triển khai, đánh giá và cải thiện hệ thống bảo đảm Halal; ban hành quy trình đào tạo về Halal; đào tạo Halal phải được thực hiện ít nhất 1 lần/năm.9 Brunei quy định, doanh nghiệp xin cấp phép/chứng nhận Halal phải chỉ định tối thiểu 2 người giám sát quy trình sản xuất các sản phẩm Halal là người Hồi giáo, ít nhất 2 người giám sát là người Hồi giáo, trên 18 tuổi, có kiến thức cơ bản về Luật Hồi giáo và hiểu biết về chất lượng thực phẩm và sản phẩm người Hồi giáo sử dụng.10

Các nước quan tâm phát triển ngành công nghiệp Halal thường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực Halal từ sớm. Các chương trình đào tạo Halal được xây dựng nhằm đào tạo chuyên gia, người Hồi giáo hoặc người không theo đạo Hồi làm việc liên quan đến ngành công nghiệp Halal, những cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia ngành công nghiệp Halal hoặc những người muốn cải thiện trình độ sản xuất Halal.11 Các chương trình đào tạo này được phát triển dựa trên Luật Hồi giáo, thường bao gồm các nội dung về khái niệm Halal, tầm quan trọng của Halal đối với người tiêu dùng Hồi giáo, thực phẩm nào là Halal (được phép) và Haram (bị cấm), thị trường Halal, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chứng nhận Halal và đào tạo quản lý Halal nội bộ.

Tiếp theo, bài viết sẽ khảo sát kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực Halal của một số nước có ngành công nghiệp Halal phát triển, bao gồm các nước Hồi giáo và không theo Hồi giáo trong khu vực.

  1. Kinh nghiệm các nước trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal

2.1. Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp Halal tại một số nước Hồi giáo trong khu vực

Malaysia

Malaysia có ngành công nghiệp Halal dẫn đầu thế giới và khu vực. Malaysia có vị thế vượt trội trong thị trường Halal toàn cầu nhờ được sự hỗ trợ của chính phủ, nghiên cứu và phát triển, chính sách và phát triển nguồn nhân lực.12 Năm 2023, Malaysia đã công bố Kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal đến năm 2030, trong đó, chú trọng đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Halal.13 Sự quan tâm đến thị trường Halal quốc tế trong những thập kỷ qua đã tạo ra một nền tảng tốt để tăng cường các chương trình đào tạo Halal, các nghiên cứu và nghiên cứu chính thức tại Malaysia. Đào tạo Halal tại Malaysia gồm 2 loại hình: đào tạo nhận thức về Halal và đào tạo năng lực Halal. Nội dung đào tạo Halal thực hiện theo giáo trình của Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) và được tổ chức bởi một nhà cung cấp đào tạo Halal, được chứng nhận bởi Hội đồng Chuyên gia Halal.14

Viện Nghiên cứu và Quản lý Halal của Malaysia có nhiệm vụ phát triển các mô-đun, chương trình đào tạo và dịch vụ Halal. Các trung tâm nghiên cứu này tập trung đào tạo nhân sự về quản lý Halal và nghiên cứu khoa học về Halal, cấp bằng cấp, chứng chỉ đào tạo trong lĩnh vực nghiên cứu Halal như bằng diploma, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, cũng như các chương trình đào tạo chuyên gia và dạy nghề.16  Ngoài ra, Malaysia còn  hợp tác quốc tế với các cơ quan đào tạo Halal các nước trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ Halal. Các chương trình đào tạo Halal của Malaysia hướng tới đào tạo lực nguồn nhân lực Halal chuyên nghiệp.15

Indonesia

Indonesia là nước có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với công nghiệp Halal là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia. Nước này đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực Halal từ sớm. ​Theo Kế hoạch Tổng thể Phát triển Công nghiệp Halal Indonesia 2023-2029, 1 trong 4 chiến lược chính trong lộ trình phát triển ngành công nghiệp Halal của Indonesia là tăng cường thương hiệu và nhận thức về Halal.17

Công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực Halal của Indonesia được thúc đẩy thông qua các cơ sở quan trọng như Viện Đánh giá Thực phẩm, Thuốc và Mỹ phẩm Indonesia (LPPOM-MUI) thành lập năm 1989. Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) là tổ chức chịu trách nhiệm cấp chứng nhận Halal và được LPPOM hỗ trợ từ năm 1989. LPPOM tập hợp các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khoa học như hóa học, công nghệ thực phẩm và thú y.18 Trung tâm Khoa học Halal thuộc Đại học Nông nghiệp Bogor thành lập năm 2008 có chức năng hỗ trợ kiểm định và chứng nhận Halal, nghiên cứu phát triển quy trình phát hiện các chất trái tiêu chuẩn Halal. Trung tâm Nghiên cứu Sản phẩm Halal của Đại học Gadjah Mada tập trung nghiên cứu hệ thống và quản lý Halal, phát triển phương pháp phân tích và thiết bị liên quan. Các trung tâm này tổ chức nhiều khóa đào tạo và hội thảo về phân tích và kiểm toán sản phẩm Halal, nhằm nâng cao kiến thức và hỗ trợ phát triển thị trường Halal.19 Indonesia cũng tích cực thiết lập mạng lưới hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy nghiên cứu về Halal.20

Tại Indonesia, các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về Halal thường được tuyển dụng vào các tổ chức cấp chứng nhận Halal, cơ sở sản xuất, phòng thí nghiệm và các cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm như LPPOM-MUI. Một số chuyên gia có cơ hội làm việc tại các tổ chức quốc tế thông qua các dự án hợp tác quốc tế, hội thảo, khóa đào tạo, hoặc các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế.

Brunei

Từ năm 2011, Brunei đã ban hành các bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia bắt buộc nhằm phục vụ thực hành tôn giáo và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Halal trong nước nhằm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ.21 Công tác nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực Halal của Brunei chủ yếu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Halal tại Đại học Hồi giáo Sultan Sharif Ali (UNISSA) năm 2017, đang triển khai các chương trình nghiên cứu và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực Halal nhằm phát triển ngành công nghiệp Halal trong nước. Trung tâm tập trung vào việc nghiên cứu toàn diện các vấn đề Halal hiện nay và cung cấp các chương trình đào tạo các trình độ Cử nhân Khoa học Halal, Thạc sĩ Quản lý Halal (theo hình thức khóa học và luận văn), Thạc sĩ Luật Halal (theo hình thức khóa học và luận văn), Thạc sĩ Khoa học Halal (chỉ học phần) và Tiến sĩ về Quản lý Halal, Luật Halal. Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp chương trình phụ về Khoa học Halal.22 Phòng thí nghiệm Khoa học Halal, Đại học Quốc gia Brunei cũng đã triển khai các nghiên cứu về các phân tích dựa trên DNA và protein. Để thúc đẩy ngành Halal toàn cầu, Brunei đã hợp tác với Đại học Osaka và các cơ sở giáo dục khác, khởi đầu từ năm 2019. Brunei cũng đang thực hiện các chính sách chính trị Hồi giáo đã được thực hiện ở Brunei nhằm mục đích phổ biến và phát triển giáo dục Halal toàn cầu.23

(Còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here