Phát triển bền vững: Chìa khóa tới tương lai thịnh vượng

0
234
Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. (Ảnh: Vũ Phong)

Trên khắp thế giới, từ phòng họp của các chính phủ đến những cánh rừng, đồng ruộng, rất nhiều sáng kiến đã ra đời với mục tiêu tìm lời giải cho bài toán phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường. Cuộc cách mạng hướng tới tương lai bền vững đòi hỏi các chính sách kịp thời, các khung pháp lý chặt chẽ và cả các sáng kiến khả thi.

Kiên trì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo

SDG 1 (Xóa nghèo) và SDG 2 (Không còn nạn đói) là ưu tiên hàng đầu ở các nước kém phát triển nhất (LDCs), vì vậy đa số chính sách và sáng kiến ở các nước này tập trung vào việc giải quyết vấn đề lương thực và sinh kế cho người dân. Là quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, Ethiopia đang bị bao vây bởi vô số thách thức phát triển. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua đã khiến hơn nửa triệu người Ethiopia thiệt mạng.

Nạn đói ở nước này ngày càng trầm trọng khi nguồn viện trợ từ Mỹ và Liên hợp quốc bị tạm dừng vì những nghi ngờ về sự không minh bạch trong công tác phân phối viện trợ. Hạn hán kỉ lục trong gần nửa thập kỉ cũng khiến nguồn lương thực, thực phẩm vốn eo hẹp ở Ethiopia ngày càng cạn kiệt. Để chủ động đối phó với tình trạng này, Chính phủ Ethiopia đã cải cách Chương trình Lưới an ninh sản xuất (PSNP) để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Ra đời từ năm 2005, PSNP là một trong những chiến lược quan trọng và dài hơi nhất của Chính phủ Ethiopia nhằm thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước này đã điều chỉnh chính sách trong khuôn khổ PSNP, thay vì cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân như ở giai đoạn đầu, Chính phủ Ethiopia phát tiền mặt cho các hộ gia đình thường xuyên ở trong tình trạng thiếu ăn. Cách tiếp cận này giúp người dân linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn trợ cấp để đáp ứng các nhu cầu của bản thân, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế dài hạn như buôn bán, chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Việc trao quyền nhiều hơn cho các đối tượng thụ hưởng cũng khuyến khích họ chủ động tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế địa phương.

Người dân nhận lúa mì cứu trợ tại Debark, Ethiopia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính sách PSNP mới cũng tập trung nhiều hơn vào xây dựng khả năng ứng phó nhanh với các cú sốc thời tiết, nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu. Chính phủ Ethiopia tăng cường đầu tư vào các hoạt động thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu để đối phó với các đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài, bao gồm quản lý hiệu quả nguồn nước, phục hồi độ phì của đất và phổ biến các loại cây trồng chịu hạn.

Trong đó, nước này chú trọng cải thiện khả năng tiếp cận của các hộ nghèo với các nguyên liệu đầu vào nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, đồng thời cải tiến phương thức chăn nuôi gia súc nhằm tránh nguy cơ gia súc chết hàng loạt trong thời kỳ hạn hán.

Trong khi đó, ở Tây bán cầu, Haiti – quốc gia nghèo nhất với hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ đang dần tìm cách giảm sự phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài để đảm bảo nguồn lương thực trong nước với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Theo sáng kiến của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Haiti đang triển khai chương trình cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh với cam kết toàn bộ nguyên liệu sẽ được mua từ nông dân địa phương. Sáng kiến này vừa giúp người dân cải thiện sinh kế, vừa là lực đẩy cho nền kinh tế ở các khu vực đói nghèo.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ nông dân Haiti trồng cây sake (hay còn gọi là cây bánh mì) – một loại cây cho trái có giá trị dinh dưỡng cao, sản xuất được 15 tấn bột mì cung cấp cho các bữa trưa học đường. ILO cũng đã giúp nông dân Haiti xuất khẩu được 25 tấn cacao trong năm 2023. Các hoạt động này không chỉ cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân mà còn góp phần ngăn chặn làn sóng di cư từ các vùng nông thôn của Haiti.

Thúc đẩy xã hội bình đẳng

Một trong những tiêu chí đánh giá và cũng là nền tảng của phát triển bền vững là sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị của đất nước, đặc biệt nhấn mạnh sự bình đẳng trong việc thụ hưởng các quyền con người của các nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em gái. Việc trao quyền nhiều hơn cho phái nữ sẽ mang tới một nguồn lực mới, đồng thời góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực và các tệ nạn xã hội nhằm vào nhóm đối tượng này.

Ấn Độ là nước nằm trong tốp cuối bảng xếp hạng Chỉ số Bất bình đẳng Giới (GII). Tuy nhiên trong một thập kỷ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận những bước tiến đáng kể để cải thiện chỉ số này. Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Ấn Độ trong việc xóa bỏ khoảng cách giới được thể hiện trước hết qua Hiến pháp sửa đổi năm 2023, trong đó quy định dành 1/3 số ghế trong Hạ viện và Hội đồng bang cho phụ nữ.

Ở cấp địa phương, hạn ngạch 33% cho phụ nữ cũng đã được áp dụng tại các Panchayati Raj (hội đồng tự quản) trên khắp Ấn Độ. Việc quy định hạn ngạch dành cho phụ nữ trong hiến pháp đã tạo ra một làn sóng thay đổi mang tính bước ngoặt ở nền dân chủ đông dân nhất thế giới, trao quyền cho phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định và giải quyết các vấn đề cộng đồng.

Bên cạnh lĩnh vực chính trị, Ấn Độ cũng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục và nghề nghiệp, đặc biệt là trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Chương trình Vigyan Jyoti là một ví dụ điển hình cho cam kết này. Sáng kiến này trao học bổng cho các nữ sinh muốn theo đuổi giáo dục đại học và sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM, vốn được coi là những lĩnh vực mà nam giới thống trị. Thông qua các hoạt động như cố vấn, hội thảo và trại hè, Vigyan Jyoti đang dần phá bỏ rào cản và định kiến giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Ấn Độ. Những nỗ lực này phản ánh một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức xã hội và cam kết chính trị của Ấn Độ trong việc xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.

Bất bình đẳng giới cũng là vấn nạn ở nhiều nước phát triển, buộc các chính phủ phải thực thi các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới. Canada, quốc gia nổi tiếng với các chính sách tiến bộ, giới thiệu Chương trình Chăm sóc trẻ em quốc gia cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá 10 USD/ngày, đặt mục tiêu phủ sóng toàn quốc vào năm 2026, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, Canada cũng triển khai Kế hoạch hành động quốc gia Chấm dứt bạo lực giới, nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân của bất bình đẳng giới thông qua việc cải thiện khung pháp lý, mở rộng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và tăng cường tài trợ cho các tổ chức phụ nữ.

Trong khi đó, tại Đức, Đạo luật Minh bạch Lương Bình đẳng được sửa đổi vào năm 2023 nhằm thu hẹp hơn nữa khoảng cách tiền lương giữa lao động nam và lao động nữ. Luật mới yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về cơ cấu lương và cho phép nhân viên yêu cầu minh bạch về chênh lệch lương giữa nam và nữ. Bản cập nhật cũng yêu cầu trách nhiệm giải trình cao hơn từ phía người sử dụng lao động, nhằm đảm bảo rằng các bất bình đẳng về lương dựa trên giới tính được giải quyết một cách quyết liệt hơn.

Các tiêu chuẩn xanh là xu thế tất yếu, là phản ứng tích cực của thế giới trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. (Nguồn: netzero.vn)

Vì tương lai xanh

Bảo vệ môi trường và làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu là trụ cột đối mặt nhiều thách thức nhất trong hành trình hướng tới phát triển bền vững, khi các lợi ích dài hạn của nền sản xuất xanh xung đột với lợi nhuận kinh tế.

Trước nguy cơ thế giới thất bại trong việc kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C được đề ra trong Hiệp định Paris năm 2015, các nước đang ráo riết triển khai nhiều sáng kiến nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và trả lại màu xanh cho mái nhà chung Trái đất.

Được coi là đầu tàu thúc đẩy các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 3 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai hơn 60 kế hoạch hành động trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh với mục tiêu trung hòa carbon và giảm thiểu tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên vào năm 2050.

Trên khắp châu Âu từ Copenhagen tới Amsterdam, các dự án giao thông điện hóa và mạng lưới xe đạp công cộng ngày càng được mở rộng, góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Đạo luật “quyền được sửa chữa” đang thúc đẩy các công ty công nghệ châu Âu tạo ra các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn, dễ dàng tái chế và sửa chữa. Đây được coi là giải pháp quyết liệt nhất của EU trong việc hạn chế rác thải điện tử và thực hành kinh tế tuần hoàn.

Không quốc gia nào trên thế giới tránh được hậu quả của biến đổi khí hậu, song các nước kém phát triển nhất lại là những nạn nhân hứng chịu tác động nặng nề nhất. Nhiều cơ chế hợp tác và chương trình viện trợ quốc tế đã được triển khai nhằm hỗ trợ LDCs song vấp phải một số thách thức. Phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài và thiếu hiểu biết về đặc điểm địa phương là nguyên nhân khiến hiệu quả của các dự án hợp tác quốc tế chưa mang tính dài hạn.

Để giải quyết tình trạng này, Nhóm LDC đã công bố Tầm nhìn LDC 2050 với các sáng kiến tham vọng do chính LDCs khởi xướng và dẫn dắt, tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt chú trọng tính địa phương và tự chủ trong việc thực hiện các sáng kiến này.

Dự án đáng chú ý nhất trong khuôn khổ Tầm nhìn LDC 2050 là Hiệp hội các trường đại học về biến đổi khí hậu – một sáng kiến xây dựng năng lực với trọng tâm là giáo dục và nghiên cứu các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng năng lực là giải pháp thích ứng dài hạn, thay đổi nhận thức của xã hội về các mô hình tạo lập tương lai xanh. Nhờ vậy, các nước dễ bị tổn thương nhất có thể chủ động định hình tương lai của chính mình và hạn chế các hệ quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Thế giới không thiếu các sáng kiến phát triển bền vững, từ các dự án trong nước tới các cơ chế hợp tác đa phương. Phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại trong tương lai.

Nhiệm vụ đầy thách thức này đòi hỏi các chiến lược toàn diện và sự tham gia của tất cả chủ thể và hơn cả là sự hợp tác toàn cầu bền chặt, vượt qua mọi bất đồng vì mục tiêu chung là gìn giữ một hành tinh xanh an toàn, lành mạnh cho các thế hệ tương lai.

Ngày 22/9, LHQ đã thông qua “Hiệp ước vì tương lai”, trong đó phát triển bền vững và tài trợ cho phát triển là một trong 5 nội dung chính. Hiệp ước thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các SDG, song song với việc cải tổ kiến trúc tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nước đang phát triển và kém phát triển nhất. LHQ đánh giá Hiệp ước này “mang tính đột phá” và bao trùm, đề cập những vấn đề mới nhưng không phớt lờ các thách thức đã tồn tại nhiều thập kỷ và được kỳ vọng là nền tảng cho nhiều chính sách và dự án phát triển bền vững thiết thực và hiệu quả hơn trong tương lai.

TRÀ LY

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here