Ngày 08/12/2022, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang (LHQ) đã đại diện cho hơn 40 nước phát biểu tại Phiên họp của Đại hội đồng LHQ kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước của LHQ năm 1982 về Luật biển. Ban Quản trị xin được giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đặng Hoàng Giang
“Thưa Ngài Chủ tịch,
1. Tôi hân hạnh được phát biểu thay mặt cho các nước sau: Albania, Argentina, Australia, Áo, Bangladesh, Bulgaria, Canada, Costa Rica, Síp, Séc, Đan Mạch, Ecuador, Ai Cập, Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Iceland, Indonesia, Italy, Ireland, Jamaica, Nhật Bản, Kenya, Malta, Monaco, New Zealand, Hà Lan, Nauy, Oman, Philippines, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Saint Vincent & Grenadines, Senegal, Singapore, Nam Phi, Thuỵ Điển, Thái Lan, Tunisia, Vanuatu và Việt Nam.
Thưa Ngài Chủ tịch,
2. Chặng đường dài 40 năm qua của Công ước LHQ năm 1982 về Luật biển (UNCLOS) đã trở thành biểu tượng của thành công trong việc phát triển luật pháp quốc tế vì hoà bình, an ninh và phát triển của mỗi quốc gia và toàn thể cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong việc phát triển, thực thi luật biển quốc tế và sử dụng các đại dương một cách có trật tự, bền vững. Điều này có nhiều ý nghĩa lịch sử đối với nhân loại. Chúng tôi xin tập trung vào những điểm nổi bật nhất như sau.
3. Thứ nhất, cần hết sức nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử UNCLOS đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Đại hội đồng LHQ, nhiều lần khẳng định tính chất phổ quát và thống nhất của UNCLOS, rằng Công ước “có tầm quan trọng chiến lược, là cơ sở cho hành động và sự hợp tác của các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực biển” và “tính toàn vẹn của Công ước cần phải được duy trì”.
4. Thứ hai, với UNCLOS, các hoạt động hàng hải, các hoạt động trên biển nói chung có thêm cơ sở rõ ràng, ổn định và có thể dự báo. Các quy tắc chung, thống nhất của UNCLOS đã trở thành cơ sở cho hoạt động của các quốc gia trong mọi lĩnh vực trên biển và quản trị biển. Các vùng biển quốc tế và của các quốc gia nhìn chung đã được làm rõ. Quyền hàng hải nói chung đã được tôn trọng.
5. Thứ ba, với UNCLOS, hòa bình và an ninh của các quốc gia được củng cố. Việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển một cách phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thúc đẩy thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước. Nhiều bất đồng giữa các quốc gia đã được giải quyết một cách hữu nghị thông qua các cơ chế của UNCLOS, dựa trên UNCLOS. Nhờ đó, hòa bình và ổn định quốc tế trên các vùng biển nhìn chung đã được duy trì.
6. Thứ tư, với UNCLOS, sự phát triển và thịnh vượng của tất cả các quốc gia được tăng cường. Các hoạt động kinh tế, bao gồm nghề cá và thương mại thông qua vận tải biển đã được hưởng lợi từ cơ sở pháp lý vững chắc của UNCLOS. Quyền và lợi ích của các quốc gia không giáp biển cũng như các quốc gia bất lợi về địa lý đã được bảo vệ. Nghiên cứu khoa học biển được đẩy mạnh. Khuôn khổ bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương được thúc đẩy, bao gồm cả những nỗ lực trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 14 (SDG14). Các quy tắc, quy định và thủ tục cho các hoạt động trong Vùng cũng đã được hình thành.
7. Thứ năm, UNCLOS tạo thêm cơ sở cho việc tiếp tục phát triển và thực thi luật biển. Về vấn đề này, có thể kể đến các văn kiện liên quan đến Công ước, bao gồm Hiệp định năm 1994 liên quan đến việc thực hiện Phần XI và Hiệp định năm 1995 liên quan đến Bảo tồn và Quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Điều này cũng bao gồm những tiến bộ quan trọng trong quá trình đàm phán đang diễn ra về một văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế theo UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Các cơ chế được thành lập theo Công ước, bao gồm Cơ quan quyền lực đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Tòa án quốc tế về luật biển cũng đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc duy trì pháp quyền, trật tự trên biển và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Thưa Ngài Chủ tịch,
8. Đề cao và thực hiện đầy đủ UNCLOS vẫn đang là nhiệm vụ cấp bách. Vẫn còn những thách thức lâu dài. Các tranh chấp hàng hải vẫn tiếp diễn. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên biển vẫn nan giải. Tài nguyên tại khắp các vùng biển bị cạn kiệt. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã thể hiện rất rõ ràng đối với sinh vật biển và các hoạt động hàng hải ở nhiều nơi, đặc biệt là đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước ven biển dễ bị tổn thương.
9. Do đó, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường pháp quyền trên các đại dương như Công ước đã thiết lập. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý và quy định theo Công ước một cách thiện chí. Hành xử của các quốc gia, bao gồm các yêu sách hàng hải, các hoạt động hàng hải và hợp tác quốc tế, khu vực cần phù hợp với UNCLOS. Quyền tự do hàng hải, an toàn, an ninh của các hoạt động hàng hải hợp pháp phải được bảo đảm. Quan trọng hơn, cần giải quyết các tranh chấp biển bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các cơ chế và tiến trình pháp lý được quy định theo UNCLOS. Để thực hiện đầy đủ SDG 14, việc quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên vì sự phát triển bền vững phải được thúc đẩy bằng việc có thêm các cam kết và hành động. Chúng tôi cũng kêu gọi các quốc gia chưa phải là thành viên UNCLOS nhanh chóng tham gia Công ước.
Thưa Ngài chủ tịch,
10. Để cùng gánh vác trách nhiệm chung đó, năm ngoái, Nhóm bạn bè UNCLOS đã được thành lập. Các thành viên của Nhóm, bao gồm gần 120 nước, nỗ lực tái khẳng định cam kết chung về nâng cao hiểu biết và áp dụng Công ước quan trọng này, đồng thời góp phần mở ra các cơ hội hợp tác để ứng phó với các thách thức, hỗ trợ thực hiện Công ước, bao gồm quản trị đại dương, bảo tồn và sử dụng bền vững biển phù hợp với Công ước. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh phiên họp toàn thể này của Đại hội đồng nhằm kỷ niệm 40 năm UNCLOS, coi đây là một cột mốc quan trọng nữa để tái khẳng định sự ủng hộ chung của chúng ta đối với Công ước.
11. Chúng tôi cũng hài lòng về việc nối lại hoặc tiếp tục một số hoạt động, sự kiện trong năm nay về đại dương và luật biển, bao gồm những hoạt động do một số thành viên của Nhóm bạn bè UNCLOS chủ trì. Thành công của Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc năm 2022 do Bồ Đào Nha và Kenya đồng tổ chức với tuyên bố chính trị do Đan Mạch và Grenada điều phối đã tạo động lực mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện các mục tiêu chung của chúng ta. Hai vòng đàm phán BBNJ được tổ chức trong năm nay cũng là những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực luật biển.
12. Xin được kết thúc bài phát biểu bằng việc nhắc lại niềm tin của chúng tôi rằng việc chung tay tái khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của Công ước sẽ mang lại lợi ích cho hòa bình, an ninh, hợp tác của tất cả các quốc gia và những thế hệ tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn./.”
(Vụ THKT)