Phân tích sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cà phê Việt Nam (phần 2)

0
845

3. Một số kiến nghị, giải pháp

Ngành cà phê Việt Nam là một ngành có tiềm năng phát triển cao của nền kinh tế nước nhà nhưng hiện nay hoạt động của ngành vẫn còn nhiều hạn chế cần được cải thiện. Sự tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị không đồng đều vừa là nguyên nhân và hệ quả của quy mô hoạt động nhỏ lẻ, manh mún của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ đó, cần phải có biện pháp hiệu quả cải thiện vị thế của ngành cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể là:

Thứ nhất, thay đổi từ tư duy sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, cần việc thiết lập và cập nhật một mạng lưới thông tin thị trường xuyên suốt cho các chủ thể kinh doanh từ khâu sản xuất, trồng trọt tới khâu marketing và phân phối sản phẩm. Hệ thống thông tin này bao gồm các dự báo và phân tích nhu cầu thị trường, các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế, các cơ sở dữ liệu sản xuất, trồng trọt và chế biến của từng loại hạt cà phê đáp ứng với từng thị trường cụ thể. Việc nắm bắt hệ thống thông tin chung của ngành cà phê sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa chủ động tham gia sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ hai, cần có các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Cần xây dựng và tư vấn chi tiết các tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với chuẩn mực quốc tế cho các doanh nghiệp trong ngành cà phê Việt Nam, tránh tình trạng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm với chất lượng không đồng đều do quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay. Tiếp đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua: (1) tăng cường quảng bá thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, (2) tổ chức các sự kiện, hội chợ triên lãm sản phẩm Việt nhằm giới thiệu sản phẩm quốc gia tới bạn hàng nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại nước ngoài nhằm nâng cao thương hiệu Việt Nam trong thị trường quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam đang dần dần có những bước tiến đầu tiên trong việc chuyển dịch cơ cấu hoạt động sang các sản phẩm và phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Để thực hiện được điều đó, sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng tới sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam. Cụ thể, nhà nước có thể quy định giảm lãi suất cho vay cho hàng nông sản nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp. Việc hỗ trợ từ ngân hàng đặc biệt quan trọng đối với khâu trồng trọt và khâu chế biến, khi cả hai chủ thể đều cần nguồn vốn khi thực hiện tái canh hạt cà phê hay đầu tư cho kỹ thuật công nghệ hiện đại phục vụ cho chế biến sâu./.

Nguyễn Thị Phương Linh

(Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 07/2017)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here