Phân tích sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cà phê Việt Nam (phần 1)

0
10093

 

TÓM TẮT: Việt Nam là một quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới, nhưng giá trị sản phẩm thu được cho các doanh nghiệp Việt Nam lại không cao. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam chủ yếu tham gia vào khâu trồng trọt – khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Hạt cà phê sau khi được thu hoạch sẽ được chế biến sơ qua và xuất khẩu sang các nước tiên tiến với kỹ thuật công nghệ cao chuẩn bị cho quá trình chế biến sâu. Từ đây, thương hiệu cà phê Việt Nam dần bị thay thế bởi các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam không giành được giá trị gia tăng ở khâu tiếp theo. Sự phát triển không đồng đều giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam đã làm cản trở sự phát triển của ngành. Từ việc cung cấp bức tranh toàn cảnh về mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành hàng cà phê Việt Nam trong giai đoạn 2013 – 2016, bài viết sẽ phân tích và đánh giá vị trí của ngành cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đưa ra những gợi ý chính sách nhằm phát triển toàn diện hóa các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra ngay tại sân nhà.

Từ những năm 1980 đến nay, ngành cà phê đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Mặt hàng cà phê là một trong những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo của nền nông nghiệp nước nhà. Theo số liệu thống kê của AGRO, trong năm 2016, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 1,8 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu lên tới 3,4 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu là Đức, Mỹ, Bỉ, Italia và Tây Ban Nha (Anh Tùng, 2015). Thị phần của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2016 chiếm gần 19% tổng sản lượng xuất khẩu thế giới, giá trị xuất khẩu khoảng 3,4 tỷ đô la và là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai, sau Brazil (ICO, 2016). Bên cạnh đó, ngành cà phê Việt Nam là ngành sử dụng nhiều lao động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 600.000 lao động/năm, đặc biệt trong những tháng thu hoạch số lao động có thể lên tới 800.000 lao động, chiếm 2,93% tổng số lao động trong ngành nông nghiệp, và khoảng 1,83% tổng số lao động quốc dân.

Mặc dù sản lượng xuất khẩu lớn và có vị thế cao trong thị phần xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng hiệu quả xuất khẩu của ngành hàng cà phê Việt Nam còn thấp. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chủ yếu tập trung vào khâu trồng trọt, sản xuất; trong khi đó, khâu này chỉ đóng góp khoảng 10% trong chuỗi giá trị, mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp cho nền kinh tế nước nhà (Diệu Quân, Hương Xuân, 2017).

  1. Chuỗi giá trị ngành hàng cà phê

Chuỗi giá trị là một tập hợp các hoạt động cần thiết của một quá trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ kể từ khi nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm đến khi phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng. Như vậy, chuỗi giá trị bao gồm một số hoạt động như thiết kế, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ khách hàng (Kaplinsky and Morris, 2000). Nếu các hoạt động của chuỗi diễn ra tại nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu thì chuỗi giá trị đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Phân tích chuỗi giá trị toàn cầu là một công cụ hữu ích trong việc đánh giá mức độ cạnh tranh, vai trò và vị thế của từng quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó đưa ra được những chiến lược thương mại phù hợp để nâng cao lợi thế của từng quốc gia.

Theo kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị ngành hàng cà phê của Bamber, Guinn and Gereffí (2014), có thể phân chia chuỗi giá trị ngành hàng cà phê thành 6 khâu chính:

– Mắt xích 1 – Sản xuất nguyên phụ liệu: Đây là mắt xích quan trọng hỗ trợ cho ngành cà phê phát triển và là khâu thâm dụng vốn, đất đai. Đối với mặt hàng cà phê, nguyên phụ liệu có vai trò quyết định đến chất lượng và giá thành hạt cà phê. Nguồn nguyên phụ liệu trong ngành cà phê phần lớn: nguyên liệu chính và phụ liệu. Trong đó, nguồn nguyên liệu chính bao gồm hạt giống, đất đai và lao động. Phụ liệu bao gồm phân bón, hóa chất tưới,…

– Mắt xích 2 – Trồng trọt: Đây là mắt xích thâm dụng vốn, đất đai và lao động. Sản xuất và chế biến thô sơ là khâu thường được thực hiện tại các nước đang phát triển như Braxin, Việt Nam, Colombia…, bởi lẽ nó không đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao và rất thâm dụng lao động, phù hợp với các chuỗi giá trị ngành hàng cà phê. Giá trị gia tăng của khâu này trong chuỗi giá trị không cao, chỉ chiếm khoảng 10% (Diệu Quân” Hương Xuân, 2017).

Hình 1: Giá trị gia tăng của quốc gia có chi phí lao động thấp.

– Mắt xích 3 – Chế biến thô sơ & Rang xay: Đây là khâu thâm dụng kỹ thuật khoa học và tri thức. Một trong những điểm đáng chú ý của mắt xích này là sự chuyển đổi từ hạt cà phê nhân thô sang hạt cà phê có chất lượng cao. Các nước tham gia chính vào khâu này như Mỹ, Đức, Bỉ, Ý,… đòi hỏi phải có trình độ khoa học tiên tiến và khả năng chế biến sâu. Đây là khâu mang lại giá trị gia tăng trung bình trong chuỗi giá trị.

– Mắt xích 4 – Marketing & phân phối sản phẩm: Đây cũng là khâu thâm dụng trí thức và cũng là khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi giá trị. Các nhà bán lẻ nổi tiếng thế giới như Costa Coffee từ Anh Quốc, Starbucks từ Mỹ,… Các công ty này không trực tiếp tạo ra sản phẩm, chỉ phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm cà phê.

  1. Sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cà phê Việt Nam

Để phân tích sự tham gia của ngành cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, tác giả sẽ nhận định hiện nay Việt Nam đang là nhà cung cấp thứ mấy trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể hơn, tác giả sẽ phân tích đặc điểm của từng phân đoạn cụ thể từ sản xuất nguồn nguyên phụ liệu đến khâu phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng.

2.1. Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào (phân bón)

Nguồn cung cấp nguyên phụ liệu là khâu ở đoạn đầu của chuỗi giá trị ngành hàng cà phê, khâu giữ vai trò trọng yếu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho phân đoạn sản xuất, trong đó sự ổn định của giá thành phân bón có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới chi phí sản xuất cà phê. Tuy nhiên, sự liên kết giữa hai ngành vẫn chưa ổn định, chặt chẽ khiến sự cạnh tranh về giá của mặt hàng cà phê còn hạn chế.

Trong những năm gần đây, ngành sản xuất phân bón Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định khi đạt mức tăng trưởng 7,57%, tạo doanh thu gần 1,5 tỷ USD trong năm 2014 (Báo cáo ngành sản xuất phân bón Việt Nam năm 2014). Ngành được dự báo có sức hấp dẫn cao về mức độ đầu tư trong tương lai do sự gia tăng dân số trong nước và nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản từ Việt Nam.

Ngành sản xuất phân bón phát triển như vậy nhưng vẫn đang tồn tại một nghịch lý khi khả năng sản xuất dư thừa và có thể xuất khẩu sang các nước khác, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trồng cà phê vẫn lựa chọn sử dụng phân bón nhập khẩu. Theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu của mâu thuẫn này là do giá phân bón của Việt Nam vẫn cao hơn giá phân bón Trung Quốc, nơi chiếm lĩnh 49% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Chưa xét về mức độ chất lượng của từng loại phân bón, người nông dân tất sẽ có xu hướng lựa chọn nguyên phụ liệu đầu vào với giá thấp hơn.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự kém cạnh tranh về giá của ngành phân bón Việt Nam là do năng suất sản xuất vẫn cồn nhiều hạn chế so với chủ thể cạnh tranh Trung Quốc. Năng suất sản xuất phân bón của Việt Nam trong năm 2013 là 8,3 triệu tấn/năm, trong khi đó cùng năm, Trung Quốc có lợi thế canh tranh với khả năng sản xuất 61 triệu tấn/năm. Có thể thấy rằng năng suất chênh lệch đã dẫn tới sự khác biệt lớn về giá thành phân bón của hai quốc gia. Một thực tế cho thấy, sẽ lợi thế hơn cho hộ sản xuất cà phê khi tiếp cận với nguồn cung nguyên phụ liệu giá rẻ, tuy nhiên việc sử dụng phân bón nhập khẩu sẽ khiến nhà sản xuất cà phê gặp nhiều bất lợi, không chủ động được kế hoạch sản xuất, đồng thời, khó có thể đảm bảo nguồn cung ổn định trong thời gian dài. Bởi lẽ đó, nếu được cung cấp phân bón từ nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, các nhà sản xuất cà phê sẽ có thể giảm thiểu rủi ro khi sử dụng sản phẩm nhập khẩu.

Như vậy, trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam, ngành sản xuất phân bón tuy có khả năng đáp ứng nhu cầu của khâu sản xuất cà phê, nhưng năng suất sản xuất thấp làm giá thành nguyên phụ liệu cao, dân đến chi phí sản xuất cà phê bị đẩy lên, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

2.2 Hoạt động trồng trọt

Khâu trồng cà phê là mắt xích chủ chốt trong chuỗi giá trị Việt Nam nhưng hoạt động của khâu vẫn chưa mang tính kinh tế cao khi tập trung chủ yếu vào gia tăng sản lượng thay vì nâng cao giá trị sản phẩm. Cụ thể, Việt Nam vẫn đang chủ yếu trồng cà phê vối mang lại giá trị gia tăng thấp hơn so với cà phê chè.

Tổng quan về khâu trồng trọt ngành cà phê Việt Nam, theo số liệu thống kê của Hiệp hội cà phê thế giới, Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai, sau Braxin, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng sản xuất cà phê thế giới năm 2016.

Theo số liệu thống kê, sản lượng trồng cà phê của Việt Nam giảm xuống từ 1,590 tấn năm 2014 xuống 1,530 tấn năm 2016, kéo theo sự giảm sút tỷ lệ tham gia vào khâu trồng trọt ngành cà phê thế giới từ 17,82% xuống còn 16,82% trong tổng sản lượng cà phê trồng được của một số nước sản xuất chính. Nguyên nhân là do sự biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng trồng trọt ngành cà phê Việt Nam. Sự gia tăng của nhiệt độ gây hạn hán kéo dài, đất trồng thoái hóa, cằn cỗi, ngoài ra, diễn biến phức tạp của mưa trái mùa đã ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình trưởng thành của cây. Tuy nhiên một thực tế cho thấy, sự thay đổi tiêu cực của điều kiện tự nhiên nhìn chung có tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới, giải thích cho hiện tượng tổng sản lượng cà phê trồng được giảm từ 9,097 tấn năm 2014 xuống còn 8,923 tấn năm 2016 (theo hiệp hội cà phê thế giới). Thách thức đặt ra cho các nước sản xuất cà phê đó là đổi mới công nghệ và phương thức sản xuất phù hợp vởi sự biến đổi khắc nghiệt của môi trường.

Một đặc điểm đáng chú ý nhất trong khâu sản xuất cà phê của Việt Nam đó là sự tập trung trồng sản phẩm cà phê mang lại giá trị sản phẩm không cao. Trên thị trường quốc tế hiện nay, hai loại hạt cà phê được giao dịch nhiều nhất đó là hạt cà phê chè và hạt cà phê vối. Trong đó, hạt cà phê chè thường có giá trị sản phẩm cao hơn do hương vị mang lại đậm đà hơn so với hạt cà phê vối. So sánh giá thành của hai loại hạt cà phê tại thời điểm hiện tại cho thấy, trong khi giá trung bình hạt cà phê chè khoảng 3,2 USD/kg, hạt cà phê vối có giá 2,1 USD/kg (theo Hiệp hội cà phê thế giới). Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của chương trình cà phê bền vững thế giới năm 2013, 96% hạt cà phê sản xuất tại Việt Nam là hạt cà phê vối, chỉ có 4% là hạt cà phê chè. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam, Braxin có tỷ lệ cà phê vối và cà phê chè là 20% – 80% năm 2013. Như vậy, Việt Nam vẫn đang tập trung chủ yếu vào phân khúc sản phẩm mang lại giá trị thấp hơn. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do phần lớn diện tích đất trồng nước ta phù hợp với điều kiện sinh sống của hạt cà phê vối, vùng trung du với khí hậu nhiệt đới.

Để nâng cao giá trị sản phẩm thu được, Việt Nam đang triển khai chính sách mở rộng diện tích trồng giống cà phê chè, từ 4% tăng lên 8% trong tổng sản lượng cà phê cả nước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 năm (2013 – 2016), giá cà phê chè gia tăng gấp đôi từ 2,3 USD/tấn tăng lên thành 4,3 USD/tấn. Như vậy, tăng cường sản xuất cà phê chè sẽ tăng thêm nguồn thu cho người trồng. Tuy nhiên, mặc dù giá cao nhưng giống cà phê chè không dễ để canh tác. Thực tế cho thấy, cà phê chè phù hợp với những vùng cao (trên 800 m). Tuy nhiên, với vị trí địa lý nước ta, những vùng đó thường lại có điều kiện kinh tế, giao thông qua lại khó khăn, điều kiện canh tác của người dân còn thấp. Bởi lẽ đó, việc gia tăng sản lượng cà phê chè nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thu được của ngành cà phê Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Như vậy, trong khâu trồng trọt, Việt Nam có thế mạnh khi là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, tuy nhiên chúng ta vẫn đang tập trung vào phân khúc sản phẩm mang lại giá trị gia tăng thấp nên giá trị thu được không cao. Việt Nam vẫn đang tập trung vào canh tác cà phê vối thay vì triển khai canh tác toàn diện cà phê chè với giá trị lợi nhuận cao hơn. Chính sách hiện tại của ngành không mang tính kinh tế và vẫn còn là một điểm yếu trong khâu trồng trọt ngành cà phê Việt Nam. Tuy có những sự cố gắng dịch chuyển nhằm mở rộng sản lượng cà phê chè, nhưng đây vẫn là mục tiêu dài hạn mang tính thử thách cao cho ngành cà phê nước ta.

2.3 Hoạt động chế biến và rang xay

Sau khi hạt cà phê được thu hoạch, nhà mua gom sẽ trực tiếp đến các hộ sản xuất để thu gom sản phẩm. Hạt cà phê được lựa chọn dựa trên các tiêu chí bao gồm mùi, độ ẩm tiêu chuẩn và kích thước cũng như hình dáng của hạt. Quá trình mua bán giữa người thu gom và hộ sản xuất cơ bản dựa trên sự tin tưởng và các mối quan hệ lâu dài mà không có một hệ thống nhất quán (Thanh Tâm, 2013). Như vậy, mặc dù mạng lưới thu mua góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành cà phê Việt Nam nhưng hệ thống này vẫn chưa hoàn chỉnh và thiếu tính bền vững.

Khâu chế biến và xuất khẩu là mắt xích tiếp theo trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam, là khâu đóng vai trò chủ chốt trong việc nâng cao giá trị sản phẩm sản xuất, nhưng vẫn chưa được phát triển như mong muốn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 150 các nhà chế biến và xuất khẩu cà phê đã qua đăng ký kinh doanh, bao gồm cả một số liên doanh với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp chế biến địa phương hoạt động với quy mô nhỏ và chưa có đăng ký kinh doanh (Thanh Tâm, 2013). Các doanh nghiệp có quy mô sản xuất khoảng từ 5.000 đến 60.000 tấn mỗi năm, sản xuất tổng cộng khoảng trên 1 triệu tấn mỗi năm (Huy Khôi, 2013). Trang thiết bị chế biến chủ yếu được sản xuất trong nước, chỉ có một số được nhập khẩu từ Braxin. Công nghệ chế biến tập trung vào khâu sơ chế, các công nghệ cao tạo ra cà phê chất lượng cao và cà phê hòa tan xuất khẩu còn ít (Huy Khôi, 2013). Việc tập trung chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ nên vốn đầu tư ít, công nghệ chế biến không cao chính là hệ quả của việc đầu tư nhỏ lẻ và manh mún. Với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế cũng sẽ thấp do không lợi dụng được lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, năng suất sản xuất thấp đem lại giá trị lợi nhuận không cao là do hàm lượng công nghệ cao còn nhiều hạn chế. Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế về chi phí và nhân công thấp để tạo ra năng lực cạnh tranh của ngành.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tỷ lệ chế biến rất thấp làm giá trị cà phê không cao, lợi nhuận cao từ cà phê của Việt Nam chủ yếu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại năm 2015, gần 92% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu là cà phê chỉ qua sơ chế, chỉ có hơn 8% là cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu. Trong đó, theo báo giá cà phê, cà phê nhân xô có giá 46.500 đồng/kg, cà phê rang xay có giá xuất khẩu gấp 5 lần, khoảng 200.000 đồng/kg. Qua số liệu có thể thấy, thứ nhất, trong khâu chế biến, Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động chế biến sơ chế – xuất khẩu, thứ hai, giá trị thu được từ xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan cao hơn rất nhiều so với cà phê chỉ qua sơ chế. Như vậy, dù là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, do hoạt động chế biến chuyên sâu còn nhiều hạn chế, Việt Nam vẫn chưa giành được giá trị gia tăng cao trong khâu chế biến rang xay.

Tuy nhiên, một điểm sáng của ngành cà phê Việt Nam là sự chuyển đổi cơ cấu từ tập trung sơ chế – xuất khẩu, Việt Nam chú trọng hơn đến xuất khẩu cà phê ở dạng rang xay, cà phê hòa tan. Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, trong năm 2015, lượng cà phê rang xay xuất khẩu là 52.000 tấn, giá trị thu về là 226 triệu đô, tăng 25% so với năm 2014. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng mặt hàng cà phê thế giới ngày càng gia tăng, ngoài ra việc tăng cường xuất khẩu cà phê rang xay mang lại doanh thu cao hơn cho doanh nghiệp chế biến bởi lẽ sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao hơn so với cà phê chỉ sơ chế qua (Thanh Vũ, 2015). Ngoài ra, sự kiện đáng chú ý trong hoạt động chế biến sâu ngành cà phê Việt Nam, đó là sự đầu tư mạnh mẽ của 4 tập đoàn chế biến lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2010-2016: tập đoàn Nestle, công ty Neumann Gruppe, công ty Massimo Zanetti Beverage Group Việt Nam và tập đoàn Intimex đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng nhà máy chế biến với kỹ thuật công nghệ cao, năng suất cao ngang tầm với các nhà chế biến hàng đầu thế giới. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự tính đến năm 2020, sản lượng cà phê rang xay xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại, thu về hơn 1 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân, tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 3,8 – 4,2 tỷ USD/năm vào năm 2020, thay vì 3,0 – 3,2 tỷ USD trong năm 2015.

Ngành chế biến và rang xay cà phê là mắt xích quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị hạt cà phê, thực trạng hiện nay lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân được sơ chế qua, mang lại giá trị không cao, tuy nhiên, ngành cũng đã có những bước tiến nhất định trong sự chuyển dịch cơ cấu sang chế biến chuyên sâu và gia tăng xuất khẩu cà phê ở dạng rang xay, hòa tan, nhằm nâng cao giá trị thu được trong chuỗi giá trị toàn cầu.

2.4 Hoạt động marketing và phân phối

Hoạt động marketing và phân phối của doanh nghiệp cà phê Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các nhà buôn nước ngoài. Mạng lưới các nhà phân phối sản phẩm bao gồm: doanh nghiệp sản xuất cà phê Việt Nam, các nhà rang xay thế giới, các nhà buôn, người mua toàn cầu và cuối cùng là người tiêu dùng (hình 3). Như đã trình bày phần trên, hầu hết cà phê sản xuất ra tại Việt Nam được chế biến sơ qua và xuất khẩu sang các nước tiến tiến để thực hiện công đoạn chế biến sâu. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có khả năng chuyên sâu công đoạn này đó là cà phê Trung Nguyên và Vinacafe.

Theo kết quả nghiên cứu về chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ của cà phê Trung Nguyên, tập đoàn này thâm nhập vào thị trường nước ngoài qua hai phương thức chính: thâm nhập thông qua xuất khẩu thông thường và thâm nhập thông qua nhượng quyền kinh doanh. Với phương thức đầu tiên, Trung Nguyên phân phối sản phẩm của mình thông qua các nhà bán buôn lớn của thị trường nước chủ nhà, điển hình như hệ thống siêu thị bán lẻ Costo ở Mỹ và E-mart ở Hàn Quốc. Với phương thức nhượng quyền kinh doanh, tập đoàn đã có những thỏa thuận hợp tác với 59 quốc gia trên thế giới như các nước Châu Âu, Mỹ và một số quốc gia Châu Á. Từ hai phương thức thâm nhập thị trường trên, nguyện vọng của tập đoàn Trung Nguyên đó là tiếp cận khách hàng quốc tế thông qua các nhà buôn và người mua toàn cầu. Đối với Vinacafe, tập đoàn chú trọng vào phương thức xuất khẩu sản phẩm của mình tới các thị trường Đông Nam Á như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan. Như vậy, mặc dù là các tập đoàn đi đầu trong ngành cà phê Việt Nam, nhưng khả năng quảng bá và phân phối sản phẩm tới thị trường quốc tế của Trung Nguyên và Vinacafe vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có sự liên kết trực tiếp với người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng. Đối với thị trường nội địa, hoạt động marketing và phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp cà phê Việt Nam diễn ra tích cực với nhiều phương thức phong phú hơn, đặc biệt, sự liên kết trực tiếp với người tiêu dùng cuối cùng đã được thiết lập. Việc tạo lập kênh phân phối trực tiếp tới khách hàng nội địa đã giúp cho các thương hiệu cà phê Việt Nam chủ động nắm bắt được nhu cầu thị trường, gia tăng tính cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam như Starbuck, Nestle, Maccoffee.

Hình 2: Chuỗi cung ứng ngành cà phê của các doanh nghiệp Việt Nam

Việc các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào hoạt động sản xuất, trồng trọt vừa là nguyên nhân và cũng là kết quả cho việc Việt Nam thường không nắm được nhu cầu tiêu dùng của sản phẩm họ sản xuất ra. Những doanh nghiệp lớn cũng chỉ thông qua các nhà buôn hoặc những người mua toàn cầu chứ chưa có sự tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng quốc tế. Chính khoảng cách rất xa giữa nhà sản xuất cà phê Việt Nam và người tiêu dùng quốc tế cuối cùng đã làm chúng ta khó khăn hơn trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường để có thể sản xuất, đáp ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng. Ngoài ra, hiểu rõ nhu cầu của người mua sẽ giúp chúng ta tránh khỏi hiện tượng ép giá từ các nhà buôn, nhà chế biến chuyên sâu thế giới như hiện trạng.

Như vậy, hoạt động marketing và phân phối đang là khâu yếu của ngành cà phê Việt Nam, điều này là do chúng ta chủ yếu tham gia vào khâu sản xuất, trồng trọt nên Việt Nam có ít các thương hiệu có thể tiếp cận với nhà bán lẻ toàn cầu. Một khi khâu chế biến chuyên sâu chưa được cải thiện, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định tên tuổi cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phân tích các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam cho thấy, sau nhiều năm gia nhập vào chuỗi giá trị ngành hàng cà phê toàn cầu, mặc dù kim ngạch xuất khẩu cao nhưng Việt Nam vẫn đang chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất, trồng trọt – vị trí đáy của chuỗi giá trị toàn cầu – với giá trị gia tăng thấp. Hạn chế lớn nhất của ngành đó là sự phát triển không đồng đều giữa khâu sản xuất, trồng trọt và khâu chế biến, rang xay. Sự phát triển yếu của khâu chế biến, rang xay đã cản trở, làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê và hạn chế sự xâm nhập vào các khâu cao hơn trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, mạng lưới marketing và phân phối vẫn còn yếu do năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Như vậy, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam đó là họ phải nâng cao khả năng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn bằng cách nâng cấp năng lực cạnh tranh của mình…

(còn tiếp)

Nguyễn Thị Phương Linh

(Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 07/2017)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here