Ban Quản trị Trang NGKT xin gửi tới các độc giả một số ý kiến của ông Charles W.Freeman Jr., cựu cán bộ ngoại giao cao cấp, phiên dịch chính cho Tổng thống Richard Nixon trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1972:
Tuyên bố chung Thượng Hải (1972) mở đầu theo một cách rất khác với các tuyên bố chung khuôn mẫu truyền thống khác bằng việc liệt kê tất cả các cuộc xung đột quốc tế mà Mỹ và Trung Quốc có quan điểm đối lập. Điều này là để bảo đảm sự hợp tác hai nước nhất trí thiết lập sẽ không ảnh hưởng đến các đối tác an ninh và bạn bè của mỗi nước. Nhắc lại chi tiết này chỉ để cho thấy hai nước đã đến với nhau trong một tình thế chiến lược hết sức gieo neo và bấp bênh; khởi đầu từ sự bất hòa toàn diện để từ đó đạt được sự hiểu biết chung. Qua thời gian, hai nước ngày càng mở rộng nhận thức về những lợi ích chung và ngày càng sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích chung đó. Với đổi mới và mở cửa, hai nước ngày càng trở nên liên thuộc với nhau với các dòng đầu tư, thương mại hai chiều vô cùng lớn và tốc độ gia tăng mạnh mẽ của trao đổi sinh viên, du khách giữa hai nước. Nhiều người ở cả Mỹ và Trung Quốc hài lòng với mối liên kết ngày càng gia tăng giữa hai nước, nhưng một số nhỏ vẫn phản đối cách tiếp cận “phi ý thức hệ” của Tuyên bố chung Thượng Hải. Dịch bệnh không phải là sự khởi đầu, cũng không phải là nguyên nhân, mà là chất xúc tác thúc đẩy nhanh những nỗ lực của những người theo trường phái bài ngoại của Mỹ và những người có tư duy đối đầu ý thức hệ của Trung Quốc trong việc làm đảo ngược sự liên thuộc giữa hai nước. Nhận được sự ủng hộ của một số ít người Trung Quốc điên rồ và một số người chống Trung Quốc quá khích đang nắm quyền ở Mỹ, những nỗ lực đó đang làm xói mòn quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, phân tách sẽ làm tổn thương và suy kiệt cả Mỹ và Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới. Điều đó đặt giới hạn không để cho việc phân tách bị đẩy đi quá xa. Nhân loại sống trên cùng một hành tinh trong một nền kinh tế thế giới được liên kết ở mức độ rất cao; xét đến cùng, bất chấp những khác biệt, mỗi nước đều có lợi ích trong việc đi tìm những lợi chung. Hầu như không một nước nào khác ngoài Mỹ và Trung muốn sự liên thuộc Trung – Mỹ chấm dứt hoặc bị buộc phải chọn bên. Điều này cũng đặt giới hạn không để cho việc phân tách bị đẩy đi quá xa. Các quốc gia thân thiện và hữu nghị với cả hai nước sẽ có thể giúp hai nước tránh khỏi sự phân tách hoàn toàn và giúp tạo cơ sở để đan bện lại quan hệ Trung – Mỹ trong tương lai.
Quan hệ Trung – Mỹ đang ở giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Nixon đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Từ sau năm 1972, quan hệ hai nước luôn theo xu hướng tăng cường hợp tác và tránh khả năng xảy ra xung đột quân sự. Hiện nay, quan hệ hai nước đi theo chiều ngược lại. Sự hiểu biết đạt được giữa hai nước giúp duy trì hòa bình ở eo biển Đài Loan đang bị tan vỡ và được thay thế bằng đối đầu quân sự ngày càng công khai. Sự thù địch giữa hai bên đang hướng dần đến mức độ thù địch như ở khoảng giữa và cuối những năm 1950. Cho đến nay, mỗi khi xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, cả Washington và Bắc Kinh đều được nhắc nhở, lưu ý về lợi ích chung của hai nước trong việc ngăn không để diễn ra “thay đổi đơn phương” bao gồm cả nỗ lực của chính quyền Đài Loan và hành xử tương ứng với tâm thế như vậy. Tuy nhiên, mọi việc có thể sẽ không chắc diễn biến như vậy nếu một khủng hoảng xảy ra ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh thiếu tin cậy lẫn nhau lớn như hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington. Do đó, đây là giai đoạn đặc biệt nguy cơ. Nguy cơ này trở nên lớn hơn khi hai nước sở hữu hạt nhân này lại có những học thuyết khác nhau quy định vũ khí hạt nhân được sử dụng vào thời gian nào, bằng cách nào và ở mức độ nào. Hai nước cũng chưa từng trao đổi để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về vấn đề này. Không nước nào muốn chiến tranh hạt nhân hoặc sự leo thang xung đột dẫn đến chiến tranh hạt nhân, nhưng mỗi nước phải nhận thức rõ cả hai kịch bản này đều có thể và có khả năng xảy ra trong bối cảnh thiếu vắng sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau tốt hơn như hiện nay. Hai bên cần tích cực trao đổi về cách kiểm soát xung đột vì chính việc xem nhẹ khả năng hai bên có thể đối đầu quân sự với nhau càng làm tăng khả năng dẫn đến kịch bản đối đầu quân sự.
Luận điệu chống Trung Quốc hiện nay chủ yếu là do những tính toán chính trị nội bộ nhưng kể cả điều đó cũng không phải là yếu tố quyết định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Kết quả bầu cử sẽ được quyết định bởi sự so găng giữa các cá tính đặc trưng của mỗi ứng cử viên và chính sách đối nội của họ, thay vì chính sách đối ngoại. Trong bầu không khí chính trị hiện nay, kiềm chế luận điệu cứng rắn với Trung Quốc sẽ không đem lại lợi thế chính trị, do đó cả hai phe chính trị đều sẽ can dự vào luận điều này mặc dù không phe nào sẽ được lợi trong khi chỉ có lợi ích quốc gia là bị tổn hại. Nhìn một cách thực tế, những gì đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ khá giống với bất đồng Trung – Xô. Hai nước phải mất 1/4 thế kỷ để giải quyết bất đồng, và phải mất thêm 2 thập kỷ nữa để xây dựng và củng cố một dạng thức mới của quan hệ hợp tác và hữu nghị. Do đó, có thể phải mất hàng thập kỷ mới có thể sửa chữa sự vỡ mộng về nhau giữa hai nước Trung – Mỹ hiện nay. Sự thay đổi nhân sự chóp bu ở mỗi nước hoặc ở cả hai nước không đem lại những thay đổi căn bản; không nên trông chờ vào cuộc bầu cử ở Mỹ tháng 11 tới. Qua thời gian, sự đối đầu Trung – Mỹ sẽ chấm dứt, những không phải một sớm một chiều.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)