Singapore đã triển khai các chiến lược toàn diện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Những nỗ lực này tập trung vào các chương trình đào tạo chuyên sâu và hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực chất lượng cao.
Một số sáng kiến đào tạo nguồn nhân lực đang được triển khai tại Singapore bao gồm:
– Chương trình đào tạo 1.000 tiến sỹ ngành công nghệ cao trong giai đoạn 2024 – 2034 và Chương trình thiết kế mạch tích hợp (IC) kéo dài 6 tháng, được triển khai từ tháng 8/2024 nhằm đẩy mạnh đào tạo kỹ sư và nhân lực kỹ thuật cao trong ngành bán dẫn.
– Chương trình SkillsFuture cung cấp khoản hỗ trợ 3.000 SGD (khoảng 57 triệu VND) mỗi tháng cho người lao động tham gia các khóa học bán thời gian nhằm nâng cao kỹ năng. Khoản trợ cấp này kéo dài tối đa 24 tháng, giúp người lao động vừa học tập nâng cao trình độ vừa duy trì công việc hiện tại.
– Chương trình TeSA (TechSkills Accelerator) được thiết kế để phát triển năng lực lãnh đạo công nghệ và nâng cao kỹ năng cho nhân lực ngành ICT. Từ khi triển khai năm 2016, chương trình TeSA đã hỗ trợ hơn 8.000 người Singapore tìm việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và bán dẫn.
Singapore đã xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp nhằm đảm bảo chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ Singapore cũng chú trọng đào tạo lại nhân viên có trình độ trung cấp để đảm nhận các vai trò mới trong ngành bán dẫn.
Singapore không chỉ tập trung thu hút nhân lực mà còn tạo ra môi trường sinh hoạt và làm việc thuận lợi cho nhân tài ngành bán dẫn. Các dịch vụ tiện ích như chăm sóc trẻ em và chuỗi cung ứng F&B được triển khai trong các khu vực công nghệ cao, tạo điều kiện để người lao động cảm thấy thoải mái và gắn bó lâu dài với công việc.
Những chiến lược đào tạo và hợp tác của Singapore đã góp phần xây dựng hệ sinh thái nhân lực mạnh mẽ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp bán dẫn và củng cố vị thế của Singapore như trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực.
Phát triển nguồn nhân lực ngành chip – bán dẫn tại Việt Nam
Phát triển khoa học – công nghệ là đột phá quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW. Trong tiến trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với tận dụng tiềm năng phát triển của ngành công nghệ trong nước và thút hút vốn chất lượng cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về kinh tế – xã hội năm 2023-2024 đặt mục tiêu đào tạo từ 50.000 -100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành chip bán dẫn đến năm 2025 và 2030. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên và thiết lập các phòng thí nghiệm hiện đại trên khắp cả nước.
Từ thực tiễn của một số quốc gia trong khu vực về phát triển ngành chip – bán dẫn, có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, chú trọng tính cập nhật và thực tiễn để bám sát yêu cầu ngày càng cao và thường xuyên đổi mới của ngành khoa học công nghệ. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ có thể phát huy hiệu quả tích cực như kinh nghiệm của Singapore và Malaysia. Thời gian qua đã có một số chương trình đạo tạo theo hướng này được triển khai, bao gồm hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Samsung Vietnam về đào tạo AI, IoT và dữ liệu lớn cho khoảng 200 sinh viên từ Đại học quốc gia và Đại học FPT. Thời gian tới, Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE) dự kiến sẽ được hình thành thông qua hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Tập đoàn FPT và Tresemi với khoảng 300 suất học bổng cho sinh viên tham gia đào tạo về chíp – bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo khuyến nghị của một số cơ quan nghiên cứu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành chíp – bán dẫn đang tăng cao tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, Việt Nam cũng cần chú trọng thu hút các giảng viên và chuyên gia giỏi trong và ngoài nước thông qua các chính sách, biện pháp đãi ngộ phù hợp.
Thứ hai, chú trọng chính sách thu hút nhân tài quốc tế thông qua chính sách đãi ngộ về cư trú, đi lại, lương và phát triển các hạ tầng phục vụ sinh hoạt như cơ sở y tế và giáo dục cho con em của chuyên gia. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với số lượng hơn 6 triệu người, trong đó bao gồm nhiều tri thức, chuyên gia, nhà khoa học và kỹ sư lành nghề, đóng vai trò là nguồn lực rất tiềm năng đối với ngành chip – bán dẫn của Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua các biện pháp đồng bộ về tiếp cận vốn đầu tư, hỗ trợ pháp lý, và xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp để khuyến khích các kỹ sư trẻ và các nhóm nghiên cứu tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ cao. Việc tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ngành bán dẫn có thể khơi dậy tinh thần sáng tạo và tạo cơ hội để các dự án tiềm năng được tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, góp phần lan tỏa và khuyến khích sự tham gia của nguồn nhân lực có tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ cao.