Phần 1: Kinh nghiệm quốc tế về thu hút, đào tạo nhân lực ngành Chip-bán dẫn

0
167
AI đã vượt qua phạm vi khoa học viễn tưởng và chính thức bước chân vào thế giới thực, canh tranh với con người.(Nguồn: livescience)
Ảnh minh họa
Ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ trước sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu. Các quốc gia khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia đang tích cực thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm trở thành các trung tâm sản xuất chip bán dẫn và công nghệ cao hàng đầu.
Dự báo cho thấy quy mô thị trường chip bán dẫn tại Đông Nam Á có thể đạt hơn 40 tỷ USD năm 2028, tăng gần 2 lần so với năm 2020. Hiện Đông Nam Á chiếm lĩnh 27% thị trường đóng gói và thử nghiệm chip toàn cầu, với Singapore là trung tâm sản xuất quan trọng, trong khi Malaysia và Việt Nam nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ lớn.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ cao khiến nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang gia tăng, nhất là trong ngành chip – bán dẫn. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), mỗi năm các nước cần đào tạo hàng nghìn kỹ sư và chuyên gia chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của thị trường công nghệ khu vực.
Kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á
Kinh nghiệm Malaysia
Malaysia đã triển khai một loạt chính sách và sáng kiến để thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đang khát nhân tài nghiêm trọng. Ngành bán dẫn Malaysia cần khoảng 50.000 kỹ sư lành nghề, nhưng các trường đại học trong nước chỉ đào tạo được khoảng 5.000 kỹ sư mỗi năm. Sự chênh lệch này tạo ra “cuộc chiến nhân tài” giữa các doanh nghiệp nhằm thu hút các chuyên gia có kỹ năng.
Malaysia đã triển khai Chiến lược Bán dẫn Quốc gia (NSS) từ tháng 4/2024, với mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. NSS đặt kế hoạch tạo lập ít nhất 10 công ty trong lĩnh vực thiết kế và đóng gói tiên tiến, dự kiến đạt doanh thu từ 1 tỷ đến 4,7 tỷ RM. Đây là bước đi chiến lược để tận dụng tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn và tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu của Malaysia.
Bộ Giáo dục Đại học Malaysia đã hợp tác với các bộ ngành liên quan, như Bộ Nhân lực và Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp, để đánh giá nhu cầu lực lượng lao động tay nghề cao. Các bước đi này nhằm hướng tới mục tiêu kết quả giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhân lực chất lượng cao. Malaysia đã triển khai nhiều biện pháp cải cách giáo dục và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các trường đại học trong nước, như Đại học Công nghệ Malaysia (UTM) và Đại học Malaya (UM), đã hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để xây dựng các khóa học kỹ thuật chuyên ngành, đáp ứng sát với yêu cầu thực tế của ngành công nghiệp. Những chương trình tùy chỉnh này tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp nắm vững kiến thức lý thuyết và sở hữu kỹ năng thực hành cần thiết, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
Một sáng kiến đáng chú ý khác là tích hợp thiết kế mạch tích hợp (IC) vào chương trình kỹ thuật tại các trường đại học, đặc biệt tại bang Sarawak. Theo sáng kiến, các chương trình đào tạo giảng viên được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia từ các công ty hàng đầu như Synopsys, nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và đảm bảo chất lượng đào tạo trong lĩnh vực thiết kế IC. Các cơ quan quản lý Malaysia kỳ vọng sự kết hợp giữa cải cách giáo dục, các chương trình đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp tạo nền tảng vững chắc để Malaysia thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành chip bán dẫn.
 Về các hoạt động hợp tác công tư, Chính phủ Malaysia chú trọng tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và các tập đoàn đa quốc gia để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cao của ngành bán dẫn. Thông qua quan hệ đối tác, các trường đại học đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình học tập sát với thực tiễn. Ví dụ, Intel đã cam kết đầu tư mạnh mẽ vào mở rộng hoạt động tại Malaysia, dự kiến tạo ra khoảng 4.000 việc làm có thu nhập cao, đồng thời tham gia phát triển kỹ năng cho các kỹ sư trẻ thông qua các chương trình học viện trong ngành. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Intel đã hợp tác với các cơ quan quản lý Malaysia triển khai chương trình AI4S Programme, theo đó hàng năm khoảng 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ được mời tham gia chương trình và được cung cấp miễn phí bộ công cụ AI, đồng thời trải qua khóa đào tạo chuyên biệt về kỹ năng và áp dụng công nghệ AI trong hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh.
Để mở rộng nguồn nhân lực và giải quyết khoảng cách kỹ năng trong ngành công nghệ cao, Chính phủ Malaysia cũng triển khai các chính sách thu hút tài năng quốc tế. Các cơ quan quản lý chương trình NSS đang nghiên cứu các giải pháp cho phép sinh viên tốt nghiệp nước ngoài tham gia thị trường lao động trong nước, giúp gia tăng sự đa dạng và chất lượng nguồn nhân lực.
Kinh nghiệm Trung Quốc
Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách đào tạo nhân lực và xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn nội địa. Trong những năm qua, Trung Quốc đã tập trung nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành chip bán dẫn thông qua việc mở rộng tuyển sinh và triển khai các chương trình đào tạo.
Trong 5 năm qua, số lượng sinh viên theo học các chương trình đại học và sau đại học liên quan đến bán dẫn tại Trung Quốc đã tăng mạnh. Đặc biệt, tại 10 trường đại học hàng đầu, số lượng tuyển sinh thạc sĩ về kỹ thuật bán dẫn tăng khoảng 2 lần trong giai đoạn 2018 – 2022. Các trường tư thục cũng tham gia tích cực vào việc đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp để nâng cao tính thực tiễn của chương trình đào tạo. Công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC đã thành lập Học viện Mạch tích hợp tại Đại học Công nghệ Thâm Quyến để đào tạo chuyên sâu các kỹ sư trong lĩnh vực này. Mô hình hợp tác tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, từ đó giảm thiểu khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành bán dẫn, từ cải thiện mức lương đến tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Một trong những biện pháp quan trọng là tăng lương khởi điểm cho kỹ sư mới vào ngành từ mức 200.000 nhân dân tệ (28.700 USD) năm 2018 lên 400.000 nhân dân tệ hiện nay.
Việc triển khai chiến lược “Made in China 2025” đã giúp Trung Quốc thu hút hàng nghìn kỹ sư từ các công ty nước ngoài như TSMC về làm việc trong nước. Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ Trung Quốc cũng thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thông qua việc khuyến khích các nhà đầu tư nội địa tham gia vào lĩnh vực thiết bị bán dẫn. Đồng thời, Trung Quốc ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn nước ngoài để cải thiện năng lực đào tạo và tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành. Những chính sách này không chỉ nhằm hỗ trợ phát triển nhân lực mà còn thúc đẩy sự đổi mới công nghệ trong ngành bán dẫn.

(ĐSQVN tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here