Ethiopia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối Pakistan với lục địa châu Phi, đồng thời tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với Trung Quốc và các thị trường Trung Á thông qua Pakistan.
Nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu ở khu vực
Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai của châu Phi, nằm tại một vị trí chiến lược ở Sừng châu Phi gần Vịnh Aden và Biển Đỏ, hiện đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Kể từ đầu những năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Ethiopia đạt trung bình trên 10%, khiến nước này trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Chiến lược phát triển kinh tế mạnh mẽ và đầy tham vọng của chính phủ đã chứng tỏ là động lực chính cho tốc độ tăng trưởng chưa từng có này.
Trong những năm gần đây, nhờ tốc độ mở rộng kinh tế nhanh chóng và tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng trong khu vực, Ethiopia đã trở thành “gã khổng lồ” mới nổi ở Đông Phi.
Với “Kế hoạch phát triển 10 năm 2021-2030” mới được khởi xướng, dựa trên “Chương trình nghị sự cải cách kinh tế nội địa” năm 2019, chính phủ Ethiopia đã đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế vượt bậc, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế được thúc đẩy nhiều hơn bởi khu vực tư nhân, tương tự như cách đã đạt được trong “Kế hoạch Tăng trưởng và chuyển đổi” của thập kỷ trước.
Ngoài những mục tiêu này, chính phủ cũng đang tìm cách điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và nâng cao hiệu quả trong các ngành hỗ trợ tăng trưởng như năng lượng, hậu cần và viễn thông, những ngành cuối cùng sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh.
Với tiến bộ công nghệ – động lực chính của quá trình mở rộng và chuyển đổi kinh tế, Nigeria cũng đang đi đầu trong việc tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, lộ trình chuyển đổi công nghệ và một trung tâm công nghệ có lợi cho những nỗ lực đổi mới đó.
Chính phủ Ethiopia đang phối hợp với nhiều đối tác và các bên liên quan để sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho sự phát triển chung của đất nước. Pakistan cũng đang cung cấp chuyên môn về nghiên cứu và công nghệ, kỹ thuật và chế biến nông sản cho Ethiopia.
Tận dụng vị trí địa chiến lược lẫn nhau
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1958, Pakistan và Ethiopia đã có mối quan hệ thân thiện và gặt hái nhiều tiến triển trong hợp tác về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế.
Pakistan đã thành lập Đại sứ quán tại Addis Ababa vào năm 1973, trong khi Ethiopia mở Đại sứ quán tại Pakistan vào đầu năm nay, sau 75 năm kể từ khi Pakistan giành độc lập.
Phái đoàn ngoại giao Ethiopia tại Islamabad có nhiệm vụ tập trung vào ngoại giao kinh tế, thương mại, xúc tiến, đầu tư du lịch, chuyển giao công nghệ và xây dựng mối quan hệ thể chế giữa hai quốc gia.
Pakistan luôn đặt ưu tiên cao cho mối quan hệ với Ethiopia. Hai nước hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều diễn đàn đa phương, trong đó có Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Pakistan ủng hộ Ethiopia trở thành ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, thông qua Đường sắt Djibouti-Addis Ababa (DAAR) và Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), hai nước là những nhân tố quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tuyến đường đi qua Gwadar và Djibouti là tuyến đường nhanh nhất và có tiềm năng chiến lược để kết nối Pakistan với phần còn lại của châu Phi.
Việc ở Đại sứ quán tại Islamabad cho thấy Ethiopia đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng phạm vi quan hệ thương mại và tài chính với Pakistan.
Tại buổi lễ diễn ra ở Karachi, Đại sứ Ethiopia tại Pakistan Jamal Baker Abdullah thông báo rằng, trong vòng vài tháng tới, hai bên sẽ ký kết nhiều thỏa thuận liên quan đến xúc tiến thương mại, hợp tác quốc phòng, tham vấn chính trị, chuyển giao công nghệ, hàng không… nhằm hỗ trợ kết nối hai nước và thúc đẩy trao đổi kinh tế.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Ethiopia và Pakistan hiện này còn thấp so với tiềm năng, mới chỉ khoảng 7-8 triệu USD/ năm. Do đó, mục tiêu là thiết lập các kênh tài chính chính thức và thúc đẩy hoạt động thương mại lên ít nhất 300 triệu USD.
Một tiến triển khác gần đây trong mối quan hệ giữa hai nước là thông tin Ethiopian Airlines, hãng hàng không lớn nhất châu Phi, sẽ thực hiện các chuyến bay thẳng giữa Addis Ababa và Karachi, dự kiến khởi động ngay từ cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 với tần suất ban đầu là hai chuyến mỗi tuần.
Với tầm quan trọng địa chiến lược của cửa ngõ vào các nước châu Phi, Ethiopia có tiềm năng đóng vai trò then chốt trong chính sách “Tham gia châu Phi” (Engage Africa) của Pakistan, một chiến lược nhằm tăng cường thương mại với châu Phi.
Quy mô thị trường, các giá trị chung, sự hội tụ chiến lược và sự đa dạng của lục địa châu Phi giàu tài nguyên đã khiến Pakistan quan tâm đến việc nâng quan hệ song phương và trao đổi với châu Phi lên mức độ hợp tác và hữu nghị mới.
Ethiopia có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối Pakistan với thị trường tiềm năng của lục địa châu Phi, đồng thời tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với Trung Quốc và các thị trường Trung Á thông qua Pakistan.
Cả Pakistan và Ethiopia đều có tiềm năng mở ra thị trường mới cho nhau, điều này sẽ có lợi về cả mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Mối quan hệ song phương giữa Ethiopia và Pakistan sẽ không chỉ xây dựng một khuôn khổ thương mại hợp pháp để khuyến khích các nhà đầu tư từ cả hai nước và tăng khối lượng thương mại mà còn củng cố cam kết của cả hai nước đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Hai nước cũng có thể tăng cường hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân trong nhiều lĩnh vực như học thuật, khoa học và công nghệ, dược phẩm, công nghiệp xây dựng và may mặc.
Để tăng cường liên kết văn hóa với Ethiopia, Pakistan có thể thiết lập một chương trình học bổng tại các cơ sở giáo dục khác nhau dành cho sinh viên Ethiopia. Các lĩnh vực khác như công nghệ, du lịch và biến đổi khí hậu cũng có thể “nở hoa” trong quan hệ song phương.
Hồng Phúc (theo Pakistan Observer)