Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã thống nhất cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,5 triệu thùng/ngày vào quý II/2020 để hỗ trợ giá dầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm, với điều kiện Nga và một số nước khác cùng thực hiện. Đây là lần cắt giảm sản lượng sâu nhất của OPEC kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Dự báo nhu cầu dầu trong 2020 giảm mạnh sau khi các nhà máy gián đoạn sản xuất, người dân bị hạn chế đi lại và các hoạt động kinh doanh chậm lại.
Ả-rập Xê-út đã hối thúc OPEC và các đối tác khác, bao gồm Nga, cắt giảm mạnh sản lượng tới 1,5 triệu thùng/ngày trong quý II đồng thời kéo dài thoả thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày sẽ hết hiệu lực vào tháng này cho tới cuối năm 2020.
Riyadh, nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC và các quốc gia khác trong OPEC đang rất vất vả trong việc thuyết phục Nga. Nga hiện vẫn tỏ tín hiệu ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận hiện có nhưng không ủng hộ việc cắt giảm thêm.
Nga đã từng hợp tác trong chính sách cắt giảm sản lượng từ năm 2016 trong một nhóm không chính thức có tên gọi OPEC +, trước đây Nga từng có lúc né tránh trong đàm phán, tuy nhiên vẫn tham gia ký kết vào phút chót. Nga sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng OPEC + vào ngày 6/3/2020 tại Viên.
Tuyên bố của Bộ trưởng OPEC nói dịch coronavirus đã tạo ra “một tình huống chưa từng có tiền lệ” với những nguy cơ “thiên về hướng sụt giảm” và việc cắt giảm sản lượng là cần thiết. Hội nghị Bộ trưởng OPEC tiếp theo sẽ được tổ chức vào 9/6.
Trước đó, các nguồn tin từ OPEC cho thấy các cuộc thảo luận với Nga về việc cắt giảm sản lượng khó khăn hơn trước rất nhiều. Khi được hỏi về khả năng Nga từ chối tham gia thỏa thuận cắt giảm mới, một quan chức của OPEC nói “Trong trường hợp xấu nhất, các nước sẽ gia hạn thỏa thuận hiện có”. Bộ trưởng năng lượng của Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất nói OPEC sẽ không vác gánh nặng một mình và các nước ngoài OPEC phải tham gia.
Giá dầu trong năm nay đã giảm khoảng 20% và gây khó khăn cho ngân sách của các nước OPEC trong khi đó Moscow cho biết ngân sách vẫn giữ được cân bằng với giá dầu giảm xuống mức 40$/thùng.
Trước tin OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent đã tăng 0,6% nhưng sau đó lại giảm xuống dưới 51$/thùng. Tình trạng này phản ánh sự không chắc chắn về những tác động của dịch cúm kéo dài đối với nhu cầu dầu toàn cầu.
Nếu OPEC + đồng ý giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày, sản lượng chung của cả nhóm sẽ giảm 3,6 triệu thùng/ngày tương đương 3,6% lượng cung toàn cầu. Lần gần đây nhất OPEC giảm sản lượng với quy mô như vậy là vào năm 2008 khi khối này giảm 4,2 triệu thùng/ngày để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu do khủng hoảng tài chính toàn cầu.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)