Le Figaro ngày 13/3/2018 đưa tin OECD dự báo, sau khi tăng ở mức 2% năm 2017, GDP của Pháp có thể tăng 2,2% trong năm 2018. Đây sẽ là mức tăng trưởng cao chưa từng thấy kể từ 2007 và cao hơn 0,4% điểm so với mức mà OECD dự báo trước đây. Năm 2019, tăng trưởng của Pháp có thể giảm nhẹ, ở mức 1,9%. Dù sao, những dự báo này vẫn lạc quan so với dự báo của Chính phủ Pháp với tăng trưởng 1,7% cho cả năm 2018 và 2019. Nhờ tác động của những cải cách gần đây, Pháp sẽ rút ngắn được phần nào khoảng cách so với đà tăng trưởng của khu vực đồng Euro. OECD dự báo khu vực đồng Euro đạt mức tăng trưởng 2,3% năm 2018 và 2,1% năm 2019. Đức – đầu tàu kinh tế của châu Âu – sẽ có mức tăng trưởng 2,4% năm 2018 và 2,2% năm 2019. Trong khi đó, GDP của Anh sẽ giảm mạnh do các mối quan ngại dai dẳng về xác định mối quan hệ trong tương lai với EU sau Brexit, từ 1,7% năm 2017, giảm xuống còn 1,3% năm 2018 và 1,1% năm 2019.
Đối với Mỹ, nhờ các cải cách về thuế và hạ tầng cơ sở, GDP của nước này từ mức 2,3% năm 2017 sẽ tăng lên 2,9% năm 2018 và 2,8% năm 2019. OECD cũng lạc quan với tăng trưởng của Nhật Bản, dự kiến đạt 1,5% năm 2018 và 1,1% năm 2019. GDP của Trung Quốc được dự báo đạt 6,7% năm 2018 và 6,4% năm 2019. Đáng chú ý, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc khi có tỷ lệ tăng trưởng 7,2% năm 2018 và 7,5% năm 2019. Ngược lại, OECD hạ mức dự báo tăng trưởng của Nga, chỉ còn 1,8% năm 2018 và 1,5% năm 2019.
Về tổng thể, OECD lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo đạt 3,9% năm 2018, tăng 0,2% điểm so với năm 2017. Dự báo này của OECD phù hợp với dự báo của IMF. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới được vững chắc nhờ đầu tư tăng cao đi kèm với sự bùng nổ về trao đổi thương mại và tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, OECD vẫn lưu ý cần thận trọng về việc trào lưu bảo hộ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những triển vọng kinh tế tốt đẹp này. Quyết định đánh thuế cao đối với nhôm và thép vừa qua của Mỹ có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại thế giới. OECD cũng quan ngại về nợ công cao tại nhiều nước, có thể gây nguy hại cho thị trường tài chính. Ngoài ra cũng cần phải kể đến việc chính sách tiền tệ đang dần dần trở lại quỹ đạo thông thường có thể dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ của tỷ giá hổi đoái và vốn, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi.
(ĐSQVN tại Pháp)