Nước nào đang thống trị các nền kinh tế ở Đông Nam Á

0
135

Đối với các nền kinh tế ở Đông Nam Á, Trung Quốc đang trở thành một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng. Điều này cũng ảnh hưởng tới tương lai phát triển của khu vực. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Thời báo Tài chính (Financial Times) dựa trên những số liệu thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch của các nước thành viên ASEAN, trong khi không phủ nhận rằng Trung Quốc đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác vẫn là những chủ thể quan trọng trong khu vực.

Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn trong khu vực. Đồng thời, nước này đang mở rộng sự hiện diện về quân sự ở Biển Đông. Điều này làm dấy lên quan ngại của các nước trong khu vực về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Tuy nhiên, nếu xét con số FDI, Nhật Bản vẫn là một chủ thể quan trọng trong khu vực. Trong vòng 7 năm gần đây có khoảng 20% các dự án FDI trong khu vực do Nhật Bản đầu tư, tăng 6 điểm phần trăm so con số 14% trong giai đoạn 2003 – 2010.

Mặc dù các dự án đầu tư của Trung Quốc đang tăng nhanh, nhưng mới chiếm 14% tổng số các dự án FDI trong khu vực. Theo chuyên gia kinh tế Juzhong Zhuang, Ngân hàng ADB, do giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng, nên hiện nước này đang đẩy mạnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là dịch chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công như dệt may ra các nước châu Á khác, trong đó có Campuchia. Bên cạnh đầu tư, thương mại là lĩnh vực có thể nhận thấy rõ nét vai trò ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Năm 2000, Trung Quốc vẫn còn lép vế so với Nhật Bản, Mỹ, EU. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm tới 20% tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của khu vực, tăng 5% so với năm 2000. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất của các nước ASEAN. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước ASEAN đã tăng gấp đôi so với Nhật Bản. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các nước ASEAN sang Trung Quốc chỉ chiếm một nửa so với kim ngạch xuất khẩu của ASEAN với các nước khác và xuất khẩu nội khối. Khoảng 25% xuất khẩu của các nước ASEAN vẫn diễn ra nội khối. Đây là mức duy trì ổn định trong vòng 20 năm qua. Bên cạnh đó, hàm lượng giá trị xuất khẩu của các nước ASEAN sang Trung Quốc vẫn thấp khi có tới 2/3 hàng hóa xuất khẩu là nguyên liệu thô và các nhu yếu phẩm. Trong khi đó các mặt hàng giao thương nội khối ASEAN là khá đa dạng, từ thực phẩm, đồ uống tới nhiên liệu, hóa chất, hàng hóa thành phẩm. Ngoài ra, đối với một số nước như Việt Nam và Campuchia, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các nước này.

Trong lĩnh vực du lịch, số lượng khách du lịch từ Trung Quốc tới các nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam ngày càng tăng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói trong khu vực. Thậm chí, Trung Quốc còn sử dụng du lịch như một vũ khí kinh tế nhằm gây sức ép lên các nước ASEAN mỗi khi khủng hoảng chính trị xảy ra. Đơn cử như việc Bắc Kinh kêu gọi người dân hủy bỏ các tour đến Philippines năm 2012 trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Tuy nhiên, một thực tế là tại các nước Malaysia, Lào hay Myanmar, lượng khách du lịch đến từ nội khối ASEAN vẫn vượt trội so với lượng khách từ Trung Quốc.

(ĐSQVN tại Bangladesh – Theo The Financial Express)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here