Nỗi lo trung và dài hạn của kinh tế Hong Kong

0
264
Ngành du lịch bị thiệt hại đầu tiên. Lĩnh vực này đem về 5% GDP của Hong Kong, bảo đảm việc làm cho 270.000 người lao động tại đây. (Nguồn: Bigbustours)
Ngày 13/11 chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý III/2020. Theo đó, GDP giảm 3,5% so với năm 2019, tốc độ suy giảm đã thu hẹp đáng kể, tình hình kinh tế chuyển biến tích cực hơn so với kỳ vọng. Trên cơ sở đó, chính quyền Hong Kong dự báo tốc độ giảm kinh tế của cả năm 2020 là 6,1%, lạc quan hơn mức giảm 8%-9% dự báo trước đó.
Hong Kong là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và thế giới (Nguồn:: SCMP)

Theo phân tích, nền kinh tế Hong Kong đã có những cải thiện tương đối lạc quan trong quý III dưới tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc đại lục phục hồi tăng trưởng nhanh, cộng thêm tình hình dịch COVID-19 cơ bản ổn định và hoạt động của thị trường tài chính khởi sắc.

Kể từ khi xảy ra bất ổn xã hội từ giữa năm 2019 đến nay, nền kinh tế Hong Kong đã hứng chịu những tác động dây chuyền liên tục. Sau khi Luật an ninh quốc gia về Hong Kong được ban hành và có hiệu lực vào tháng Sáu năm nay, tình hình xã hội của Hong Kong cơ bản được kiểm soát, nhưng dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến Hong Kong trở thành “hòn đảo cô độc”, và dự kiến tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài thêm một thời gian.

Do đó, ngay cả khi tốc độ suy giảm của nền kinh tế đã được thu hẹp nhất định trong quý III, nhưng vẫn khó thay đổi cục diện cơ bản suy thoái kinh tế của Hong Kong. Có thể khẳng định, nếu sự trao đổi giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục không phục hồi về mức bình thường như trước đây, nền kinh tế Hong Kong không thể có được sự khởi sắc mang tính cơ bản.

Đối với Hong Kong, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề nhận được sự quan tâm cao độ của các giới trong xã hội Hong Kong hiện nay là Hong Kong cần phải dự báo và chuẩn bị tốt cho sự phát triển trung dài hạn của hòn đảo này. Trung Quốc Đại lục đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14 (Quy hoạch 5 năm lần thứ 14), hơn nữa đã xác định rõ mục tiêu phát triển đến năm 2035, nếu Hong Kong không có kế hoạch phát triển đồng bộ tương ứng thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển quan trọng.

Nhìn từ bài học kinh nghiệm trong hơn 20 năm qua của Hong Kong, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hàng loạt cơ hội lớn từ sự phát triển của đất nước dường như đã bị Hong Kong bỏ qua. So với Macau, những nỗ lực của Hong Kong trong việc hòa nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước, bắt kịp “chuyến xe tốc hành” phát triển của đất nước, tranh thủ cơ hội phát triển của đất nước đều không đáng kể.

Triển vọng phát triển của nền kinh tế Hong Kong đang tồn tại nhiều mối quan ngại.

Thứ nhất, kết cấu của nền kinh tế Hong Kong đơn nhất và già cỗi, thực trạng các ngành dịch vụ truyền thống chiếm trên 90% nền kinh tế rất dễ bị tác động và ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Mặc dù dịch COVID-19 không ảnh hưởng quá lớn đến ngành tài chính của Hong Kong, nhưng số người làm việc trong ngành tài chính Hong Kong tương đối hạn chế, chưa đến 300.000 người. Hơn nữa thị trường tài chính Hong Kong chủ yếu tập trung vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống và thị trường chứng khoán, các thị trường tài chính khác tương đối yếu, cần phải tăng cường.

Thứ hai, dân số Hong Kong đang già hóa nghiêm trọng, kết cấu nguồn nhân lực hết sức mất cân đối, lao động kỹ năng thấp chiếm tỷ trọng khá nhiều, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao lại thiếu hụt trầm trọng, hoàn toàn không thể đáp ứng cho yêu cầu cải cách nền kinh tế.

Thứ ba, các ngành công nghiệp sáng tạo, khoa học công nghệ, công nghiệp hàng đầu của Hong Kong dường như bị bỏ trống, điều này làm cho nền kinh tế Hong Kong không thể chuyển đổi nâng cấp, chỉ có thể đứng nhìn từng đối thủ vượt qua mình.

Thứ tư, Hong Kong không khai thác tốt ưu thế “một nước, hai chế độ”. Ngược lại, “hai chế độ” được một số thế lực lấy làm lý do để cản trở sự trao đổi hợp tác giữa Hong Kong và Đại lục.

Thứ năm, cho dù là trong quá trình phát triển kinh tế ở Hong Kong hay hợp tác với Trung Quốc đại lục, giới doanh nhân Hong Kong đều tồn tại tư tưởng “đánh nhanh rút nhanh” nghiêm trọng, thiếu tầm nhìn rộng hợp tác cùng thắng, điều này dẫn đến ngành bất động sản thu về lợi nhuận nhanh của Hong Kong liên tục bùng nổ, trong khi những ngành khoa học công nghệ đòi hỏi đầu tư vốn lớn và mang lại hiệu quả sau một thời gian tương đối dài không được xem trọng. Việc thiết kế hình chữ Y của cầu vượt biển nối Hong Kong – Chu Hải – Macau nhằm ngăn chặn nguồn lợi chảy vào Thâm Quyến, cuối cùng không những không mang lại nhiều lợi ích cho Hong Kong, mà việc thu hồi vốn đầu tư xây dựng cũng trở thành vấn đề khó khăn.

Có thể dự đoán, nếu chính quyền và các giới trong xã hội Hong Kong không chú ý những vấn đề trên, thay đổi quan điểm, nỗ lực hợp tác, áp dụng những biện pháp trung và dài hạn mang tính hệ thống, thì dù nền kinh tế Hong Kong có thể tạm thời chuyển biến tích cực sau khi dịch COVID-19 chấm dứt, nhưng sẽ rất khó để thoát khỏi tình trạng suy thoái trong trung và dài hạn.

Thạch Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here