Nikkei Asia: Lý do Nhật Bản “nhắm” tới các nền kinh tế đang phát triển và giàu tài nguyên?

0
113
(Nguồn: mofa.go.jp)

Nhật Bản đặt mục tiêu đầu tư hơn 13 tỷ USD trong 5 năm để hỗ trợ các nước đang phát triển ở Nam Toàn cầu, một động thái nhằm tăng cường mối quan hệ với các nền kinh tế đang phát triển và giàu tài nguyên.

(Nguồn: mofa.go.jp)

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, khoản tài trợ, trị giá 2.000 tỷ yen (13,3 tỷ USD), sẽ đến từ các khoản đầu tư của các công ty Nhật Bản, được hỗ trợ bởi viện trợ của chính phủ.

Ông Nishimura cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác thông qua hỗ trợ và đầu tư để tìm ra giải pháp cho những thách thức xã hội mà các thị trường mới nổi đang phải đối mặt, chẳng hạn như giảm lượng khí carbon và số hóa”.

Theo kế hoạch, đợt hỗ trợ đầu tiên nằm trong gói kích thích kinh tế của chính phủ, sẽ hoàn tất vào đầu tháng tới. Cụ thể, khoảng 140 tỷ yen sẽ được phân bổ trong đề xuất ngân sách bổ sung của năm tài chính này.

Chính phủ Nhật Bản dự định mở rộng hợp tác trong khai thác đô thị, tạo ra các khoáng chất quan trọng được tái chế từ các thiết bị điện tử bỏ đi. Nước này cũng sẽ cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Các khoản đầu tư nhằm mục đích khuyến khích các công ty khởi nghiệp thâm nhập vào các quốc gia Nam Toàn cầu ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Đại Dương.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Mitsubishi, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nền kinh tế Nam Toàn cầu sẽ vượt qua Mỹ và Trung Quốc vào năm 2050. Sự gia tăng dân số sẽ là động lực kinh tế ở những khu vực đó và Nam Toàn cầu dự kiến sẽ chiếm 2/3 dân số thế giới vào giữa thế kỷ này.

Năm ngoái, Mỹ và các thành viên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã công bố khởi động Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. Sáng kiến này nhằm mục đích huy động 600 tỷ USD cho đến năm 2027, để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Vào năm 2021, Liên minh châu Âu đã khởi động sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu, dự kiến sẽ huy động tới 300 tỷ euro (316 tỷ USD) đầu tư công và tư nhân cho đến năm 2027. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực mở rộng sự tham gia của mình vào các nền kinh tế mới nổi thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Ông Nishimura cho biết Nhật Bản hướng tới mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” với các quốc gia Nam Bán Cầu. Xác định viện trợ sẽ dẫn đến mở rộng kinh tế, đầu tư địa phương của các công ty Nhật Bản và tăng trưởng xuất khẩu. Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước sản xuất khoáng sản quan trọng, như lithium và nickel dùng trong pin xe điện, để củng cố chuỗi cung ứng của nước này và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Để tăng cường quan hệ với các quốc gia Nam Toàn cầu, Nhật Bản đã mời Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Chile và các quốc gia khác tham dự cuộc họp các bộ trưởng Thương mại thuộc G7 tại thành phố Sakai vào ngày 28-29/10.

Cho đến nay, việc Nhật Bản tiếp cận các quốc gia Nam Toàn cầu đã được đón nhận tích cực. Ví dụ, trong một cuộc khảo sát với các nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản đã liên tục được xếp hạng là cường quốc đáng tin cậy nhất trong khu vực, kể từ năm 2019. Hỗ trợ phát triển của Nhật Bản ít gây tranh cãi trong khu vực và nhìn chung được coi là không mang theo yếu tố tiêu cực.

Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh chiến lược đối ngoại để gắn kết lợi ích và giá trị quốc gia với lợi ích và giá trị của các đối tác ở Nam Toàn cầu. Điều này đã mang lại cho Tokyo một hình ảnh đáng tin cậy và là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà nhiều nước đang phát triển ưa thích. ODA ròng của Nhật Bản đạt 15,7 tỷ USD vào năm 2021.

Năm nay, Tokyo đã lên kế hoạch mở rộng hỗ trợ và công bố thêm chương trình hỗ trợ kinh tế và cơ sở hạ tầng mới trị giá 75 tỷ USD cho các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Nam Toàn cầu, cũng như cam kết trị giá 30 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi, trong ba năm tới, vượt qua cam kết trước đó được đưa ra vào năm 2019.

Những cam kết này bao gồm các sáng kiến cụ thể, như Kế hoạch hành động thiết kế tương lai ASEAN và Tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN-Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng phục hồi, hội nhập và hợp tác kinh tế trong khu vực khu vực và Hành lang tăng trưởng Á-Phi, một sáng kiến chung nhằm thúc đẩy kết nối, thương mại và phát triển ở châu Phi và châu Á.

Nhật Bản cũng đã cải tổ hệ thống quản lý nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài, bao gồm sửa đổi các quy định về ODA để cho phép Nhật Bản chủ động đề xuất các dự án hỗ trợ, thay vì chờ đợi các nước nhận viện trợ yêu cầu.

Cuối cùng, Nhật Bản đã cam kết đầu tư 33,5 tỷ USD từ quỹ công và tư nhân vào các dự án thúc đẩy hợp tác công nghiệp, đặc biệt là trong chuỗi sản xuất và cung ứng ở Ấn Độ./.

Nguyễn Tuyến

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here