Nikkei Asia: ASEAN cần nâng cao vai trò trung tâm và dẫn dắt RCEP

0
94
(Internet)

Bình luận các vấn đề liên quan Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa khẳng định, RCEP sẽ giúp nâng cao vai trò trung tâm ở châu Á của ASEAN, nhưng ASEAN cần phải chống lại các nỗ lực chi phối RCEP của Trung Quốc.

Một số nhà bình luận cho rằng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chiếm khoảng 1/3 dân số và thương mại thế giới – là “do Trung Quốc khởi xướng”.

Tuy nhiên, thực tế là nguồn gốc của RCEP có thể bắt nguồn từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 tại Bali vào năm 2011, khi lần đầu tiên một khuôn khổ về hiệp định này đã được thông qua. Điều đó đã hình thành một tiến trình mà theo đó, ASEAN đã thảo luận về một hiệp định kinh tế khu vực với các đối tác thương mại tự do hiện có của mình để có thể xây dựng một hiệp định kinh tế toàn diện có quy mô lớn hơn.

Một năm sau, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đồng cấp đến từ Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã thông qua một tuyên bố chung về RCEP, với hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm 2015.

Kể từ đó, ASEAN đã chủ trì và điều hành 8 năm đàm phán khó khăn, trong đó có các vấn đề phức tạp và có tính chi tiết cao khi quan hệ giữa ASEAN và các đối tác ngày càng đi xuống. Thiệt hại lớn nhất của tiến trình đàm phán là Ấn Độ, quốc gia đã quyết định không tham gia RCEP vào giai đoạn cuối.

Đối với một số người, câu chuyện về việc ASEAN thể hiện vai trò trụ cột của mình trong khu vực rộng lớn hơn thông qua RCEP không hấp dẫn bằng gợi ý về một khu vực bị chi phối bởi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể sự phát triển tiếp theo của RCEP sẽ ngày càng bị Trung Quốc chi phối. Đây là rủi ro mà ASEAN phải đối mặt với Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và các tiến trình khác mà ASEAN đã khởi xướng.

Tuy nhiên, một kết quả như vậy sẽ trái ngược với lý do bất thành văn thường thấy đằng sau việc ASEAN thúc đẩy RCEP. Mặc dù động cơ của việc thúc đẩy RCEP có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng quan điểm của Indonesia về RCEP luôn rõ ràng. Mặc dù các toan tính về kinh tế chiếm ưu thế, các toan tính về địa chính trị luôn nằm trong tâm trí của Jakarta.

Trong các cuộc đàm phán kéo dài, người ta thừa nhận rằng các quan hệ đối tác tiềm năng như hiệp định thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ loại trừ và khiến ASEAN trở nên không quan trọng. Khi đưa ba quốc gia này xích lại gần nhau hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 thông qua tiến trình ASEAN+3, diễn biến này sẽ gây khó chịu cho ASEAN.

Ngay cả trước khi có sáng kiến RCEP, rất nhiều đề xuất về cấu trúc thương mại khu vực, trong đó có Khu vực Thương mại Tự do Đông Á (EAFTA) và Đối tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á (CEPEA). EAFTA có mặt hạn chế và chưa bao giờ giành được sự ủng hộ rộng rãi. CEPEA, vốn có liên hệ mật thiết với Nhật Bản, có sức hấp dẫn hơn, đặc biệt là ở Australia, Ấn Độ và New Zealand. Nhưng cả hai đề xuất đó đều không đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

Một sáng kiến khác, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhận được chú ý đặc biệt. Đối với Indonesia, RCEP là một câu trả lời có chủ ý cho mối quan tâm ngày càng tăng của một số quốc gia thành viên ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam, đối với TPP. Indonesia tin rằng ASEAN nên duy trì một cách tiếp cận chung đối với sự phát triển của cấu trúc kinh tế khu vực. Do đó, RCEP là một phản ứng của các nhà lãnh đạo ASEAN đối với một loạt sáng kiến không mang lại vai trò trung tâm cho ASEAN.

Ngoài ra còn có vấn đề quan trọng liên quan tới quan điểm rộng lớn hơn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Indonesia, an ninh và thịnh vượng cần được đảm bảo thông qua một “trạng thái cân bằng động”, trong đó cả Trung Quốc và Mỹ đều không thống trị khu vực. Giải pháp này đòi hỏi một “cơ sở chung” bao trùm, với trọng tâm là ASEAN trong vai trò nhà quản lý lợi ích chung của khu vực.

Biểu hiện rõ ràng nhất của ý tưởng này là Hội nghị Cấp cao Đông Á, trong đó ngoài 10 thành viên ASEAN còn có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ cùng với Mỹ và Nga. Đối với Đông Nam Á, sự bao trùm hơn đã giúp đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

Nhìn từ góc độ này, không phải ngẫu nhiên mà khuôn khổ ban đầu của RCEP không giới hạn ở các đối tác thương mại tự do của ASEAN mà còn bao gồm cả các đối tác khác, trong đó có Mỹ và Nga. Sự vắng mặt của Ấn Độ là một khiếm khuyết quan trọng hạn chế năng lực của RCEP trong việc giải quyết những thiếu sót rõ ràng của khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), vốn cũng không có sự tham gia của Ấn Độ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là RCEP không phải do Trung Quốc khởi xướng. Động lực của RCEP đến từ ASEAN.

Thỏa thuận RCEP cuối cùng là một minh chứng cho những gì ASEAN có thể đạt được với sự kiên trì về tư tưởng lãnh đạo và ngoại giao cần thiết. Tất cả những điều này trở nên đáng chú ý hơn trong lúc có sự hoài nghi đối với chủ nghĩa đa phương trong thời đại dịch bệnh.

Với việc đi đầu trong việc khởi động một quá trình tạo ra thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới và cơ hội lịch sử để chuyển đổi các mối quan tâm thường khác nhau của các nước Đông Nam Á, ASEAN phải tiếp tục đảm bảo vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện RCEP. Điều này sẽ đòi hỏi một ý thức liên tục về mục đích chung. Không kém phần quan trọng, khối này phải tiếp tục để ngỏ cửa cho Ấn Độ, cũng như Mỹ và Nga.

Khi nhóm chính sách đối ngoại của ông Joe Biden định hình, bao gồm việc đề cử Anthony Blinken làm Ngoại trưởng, Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh Quốc gia và Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ tại Liên hợp quốc, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ lại can dự nhiều hơn vào khu vực.

Có lẽ, giống như cách mà các nỗ lực ngoại giao kiên nhẫn và chăm chỉ của ASEAN đã thuyết phục Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á năm 2011, điều tương tự cũng có thể đúng với RCEP. Một RCEP bao trùm vẫn có thể nâng cao triển vọng về vai trò trung tâm của ASEAN trong các động lực của khu vực rộng lớn hơn.

Đào Tùng 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here