Những tính toán lợi ích có thể phải đánh đổi của Australia trong RCEP

0
129
RCEP sẽ đem lại cho Australia ít lợi ích hơn so với một số quốc gia khác tham gia Hiệp định. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng ca ngợi những lợi ích của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sau khi Australia đồng ý tham gia Hiệp định này cùng với 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác.

RCEP sẽ đem lại cho Australia ít lợi ích hơn so với một số quốc gia khác tham gia Hiệp định. (Nguồn: AFP)

Theo đó, RCEP được cho là, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản và chiếm gần 1/3 nền kinh tế thế giới, sẽ mở ra các cơ hội mới cho thương mại về dịch vụ tài chính và viễn thông, đồng thời đem lại những thay đổi trong thủ tục hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Tuy nhiên, theo một góc nhìn khác, bài phân tích trên tờ The Guardian của Australia cho thấy việc đồng ý tham gia RCEP cho thấy mục đích của Chính phủ Australia là đang muốn cân bằng giữa lợi ích thương mại và chiến lược theo một cách nguy hiểm. Đã có không ít lo ngại cho rằng, RCEP sẽ siết chặt sự trói buộc của Trung Quốc đối với kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, sau khi Ấn Độ từ chối không tham gia RCEP để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước.

Khi những nội dung chi tiết của Hiệp định vẫn chưa được công bố, một số chuyên gia đã đưa ra sự hoài nghi về những lợi ích của RCEP, đặc biệt về việc Trung Quốc muốn nới lỏng mọi rào cản thương mại. Bằng chứng là xuất khẩu của Trung Quốc đang đi ngang trong khi nhập khẩu giảm 5%. Do vậy, Bắc Kinh sẽ không cắt giảm các rào cản thương mại và điều này đang làm chậm lại hệ thống thương mại thế giới. Bắc Kinh đã điều chỉnh giảm nhập khẩu than và quặng sắt từ Australia, để hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước. Vậy Australia có sẵn sàng đánh đổi những lợi ích kiểu như thế và thậm chí là những lợi ích khác nữa cho việc tăng cường làm ăn kinh doanh với Bắc Kinh hay không?

Vấn đề tiếp theo liên quan đến việc Ấn Độ bất ngờ tuyên bố không tiếp tục tham gia vào RCEP. Theo một chuyên gia, khi quyết định tham gia RCEP, không có Mỹ hay Ấn Độ, Canberra cho thấy một “sự ngắt kết nối” với các mục tiêu chiến lược. Ấn Độ, thường được coi là thị trường thay thế sẵn sàng cho hàng hóa Australia trong trường hợp quan hệ Trung Quốc trở nên xấu đi, đã từ chối không tham gia RCEP, vì lo ngại rằng điều này sẽ khiến các nông dân chăn nuôi bò sữa của mình sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất sữa ở Australia và New Zealand. Trong khi đó, mặc dù đã có các thỏa thuận thương mại tự do với các nước tham gia RCEP khác, Australia lại chưa có thỏa thuận thương mại tự do nào với Ấn Độ.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Canberra mơ ước sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ và Mỹ để đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á, thực tế kinh tế lại là một cơn ác mộng đối với họ. Theo Giáo sư James Laurenceson, quyền Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (ACRI) tại Đại học Công nghệ Sydney, Hiệp định RCEP “mâu thuẫn” với các xu hướng chiến lược trong khu vực.

Theo chuyên gia này: “Chúng ta muốn tham gia nhiều hơn với Ấn Độ và Mỹ, nhưng trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta thấy ông Trump rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và bây giờ Ấn Độ đã từ chối tham gia RCEP. Đó là một sự mất kết nối với những gì chúng ta mong muốn về mặt chiến lược”.

Giáo sư Laurenceson kết luận, thực tế là Australia không chia sẻ chung các giá trị với Ấn Độ và Mỹ, như trong trường hợp của TPP.

Trong khi đó, bà Melissa Conley Tyler, Giám đốc Ngoại giao tại Trung tâm Asialink, Đại học Melbourne, cho rằng RCEP sẽ đem lại cho Australia ít lợi ích hơn so với một số quốc gia khác tham gia Hiệp định. Đối với Australia, theo bà Tyler, RCEP chỉ mang ý nghĩa biểu tượng như là một tuyên bố thúc đẩy thương mại toàn cầu tại thời điểm mà chủ nghĩa bảo hộ đang lấn át.

Nguyễn Minh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here