Những thay đổi mang tính đột phá trên thị trường nông sản châu Phi

0
231
Thương hiệu gạo Dangote của Nigeria đang ngày càng trở nên thân thuộc với người tiêu dùng.(Nguồn: Howng)

Trong 10 năm gần đây, trong hệ thống siêu thị tại các quốc gia châu Phi, các thương hiệu nông sản địa phương do các doanh nghiệp châu Phi sản xuất đang dần trở nên thân thuộc với người tiêu dùng, như gạo Dangote của Nigeria, dầu hạt tiêu Akabanga của Rawanda, cà phê Tomoca của Ethiopia… Điều này cho thấy sự phát triển đáng kể của ngành nông nghiệp tại các nước châu Phi.

Thương hiệu gạo Dangote của Nigeria đang ngày càng trở nên thân thuộc với người tiêu dùng.(Nguồn: Howng)

Trên hết, sự phát triển này được ghi nhận ở hoạt động chế biến nông sản – quá trình mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho ngành nông nghiệp. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, hoàn toàn có thể lạc quan rằng vào năm 2030, ngành chế biến nông sản ở châu Phi có thể đạt được giá trị 100 tỷ USD. Nhu cầu của người tiêu dùng tại châu lục này đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã và đang tăng mạnh mẽ.

Vậy cơ sở nào cho nhận định trên của các chuyên gia?

Lý do đầu tiên là quy mô của thị trường. Với dân số 1,2 tỷ người, châu Phi đang là lục địa đông dân thứ hai trên thế giới, sau châu Á. Theo dự báo của Liên Hợp quốc, dân số của châu Phi có thể đạt 2 tỷ vào năm 2030 và 2,5 tỷ người vào năm 2050. Như vậy, 1/5 người tiêu dùng thế giới vào năm 2050 sẽ là người châu Phi.

Lý do tiếp theo có liên quan đến chất lượng cuộc sống. Tốc độ tăng trưởng GDP cao và bền vững ở một số quốc gia châu Phi đã góp phần mang lại thu nhập cao hơn cho các phân khúc dân số.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi” của Ngân hàng Phát triển châu Phi (BAD), năm 2060, quy mô của tầng lớp trung lưu tại châu lục này có thể đạt 1,1 tỷ người, tương đương 42% dân số. Người dân trở nên giàu có hơn, có nhiều hiểu biết hơn và đòi hỏi khắt khe hơn đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Lúc đó, các vấn đề đồng thời thu hút được quan tâm là giá thành, tính hữu dụng, hàm lượng dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Yếu tố thứ ba, cũng có thể coi là quyết định – đó là sự hình thành của các siêu đô thị. Mặc dù hiện tại, các cực tăng trưởng của các mặt hàng nông sản châu Phi là các thành phố nhỏ, trung bình. Tuy nhiên, trong tương lai, các siêu đô thị trên 10 triệu dân như Cairo, Lagos, Kinshasa sẽ có vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành chế biến nông sản. Tại các thành phố này, ngành chế biến nông sản sẽ có nhiều cơ hội phát triển vì mức tiêu thụ cao, sức mua tập trung và giảm được các chi phí như phân phối cũng như hàng tồn kho.

Lý do thứ tư, đó là châu Phi có tiềm năng rất lớn về nguồn cung cho ngành chế biến nông sản. Hiện tại, hơn 60% đất canh tác hoang hóa trên thế giới nằm ở châu Phi.

Các nhà hoạch định chính sách đều nhận thức được những cơ hội to lớn mà ngành chế biến nông sản mang lại. Chính vì vậy, họ đang nỗ lực phối hợp để tạo dựng và duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi, nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn nữa các nhà đầu tư của châu Phi, cũng như từ bên ngoài châu lục. Ngân hàng Phát triển châu Phi khẳng định sẽ luôn đi đầu trong hỗ trợ quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở châu lục, từ quảng canh, chất lượng thấp, sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng bộ với quá trình chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Là một phần trong chiến lược “Nuôi sống châu Phi”, BAD đang hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết các hạn chế giữa cung và cầu, dọc theo chuỗi giá trị nông nghiệp. Thông qua các sáng kiến như “công nghệ chuyển đổi nông nghiệp ở châu Phi – TTAA”, BAD đang giúp nâng cao năng suất các mặt hàng cơ bản, thuộc diện ưu tiên như gạo, ngô, đậu nành.

Tại Sudan, giống lúa mì chịu nhiệt – sản phẩm được lai tạo nhờ hỗ trợ của sáng kiến TTAA đã giúp quốc gia này tăng khả năng tự cung cấp lúa mì từ 24%, trong năm 2016, lên 45% trong niên vụ 2018-2019. Bên cạnh đó, một sản phẩm khác của TTAA là các khu chế biến đặc biệt nông sản (ZSTPA) đã thu hút được sự chú ý và đầu tư đáng kể của các doanh nghiệp, giúp tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.

Với các đối tác như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, BAD đã đầu tư 120 triệu USD vào ZSTPA ở Guinea, Ethiopia và Togo. Điều này đã thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển, và có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Cùng với các khoản đầu tư lớn vào chuỗi giá trị nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho lĩnh vực này, các chính phủ và doanh nghiệp châu Phi bước đầu thu được những lợi nhuận đáng kể. Hội nhập châu lục – với sự hình thành của Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) sẽ giúp trao đổi thương mại giữa các quốc gia châu Phi tăng cao hơn nữa. Trong bối cảnh đó, các ngành chủ chốt, trong đó có nông nghiệp và chế biến nông sản, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Chế biến nông sản đang thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Năm 2018, Diễn đàn Đầu tư châu Phi (AIF) lần đầu tiên được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đã xác định nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng nhất trong 9 lĩnh vực chủ chốt của diễn đàn.

Kết quả nổi bật nhất của AIF 2018 trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là BAD và các nhà đầu tư đã hỗ trợ Hội đồng Ca cao Ghana 600 triệu để giúp tăng sản lượng ca cao hàng năm từ 880.000 tấn lên 1,5 triệu tấn. Trong ba năm tới, dự án cũng sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chế biến ca cao Ghana, khi công suất sẽ được tăng gấp đôi, từ 220.000 tấn lên 450.000 tấn mỗi năm.

Tiêu dùng cơ bản đang phát triển ở châu Phi. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành chế biến nông sản và là hướng đi mới cho nông nghiệp châu Phi.

Quang Trường

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here