Những thách thức mà Nội các kinh tế mới của Thái Lan phải đối mặt

0
782
Nền kinh tế Thái Lan đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện, nhưng sự phục hồi vẫn còn là một triển vọng xa, vì mới chỉ có một số khu vực và người lao động nối lại hoạt động. (Nguồn: FT)
Nền kinh tế Thái Lan đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện, nhưng sự phục hồi vẫn còn là một triển vọng xa, vì mới chỉ có một số khu vực và người lao động nối lại hoạt động. (Nguồn: FT)

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, những Bộ trưởng phụ trách kinh tế mới được bổ nhiệm trong Nội các Thái Lan sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc giải cứu nền kinh tế khỏi thảm họa COVID-19, do các nguồn tài chính ngày càng cạn kiệt, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và mối đe dọa toàn cầu về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Công báo Hoàng gia Thái Lan ngày 6/8 công bố danh sách những người mới được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ Nội các và việc bổ nhiệm những vị trí mới này sẽ có hiệu lực sau khi những người được bổ nhiệm tuyên thệ trước Nhà vua.

Theo Công báo Hoàng gia, cựu đồng Chủ tịch Ngân hàng Kasikorn kiêm Chủ tịch Hiệp hội các chủ ngân hàng Thái Lan Predee Daochai trở thành tân Bộ trưởng Tài chính thay ông Uttama Savanayana. Cựu Giám đốc Công ty Hóa chất Toàn cầu PTT Supattanapong Punmeechaow được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Năng lượng thay ông Sontirat Sontijirawong và đồng thời kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng. Dự kiến, ông Supattanapong sẽ lãnh đạo nhóm chính sách kinh tế trong Nội các do cựu Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak để lại.

Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai được phân công kiêm nhiệm thêm vị trí Phó Thủ tướng, trong khi ông Anucha Nakasai nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng thay ông Tewan Liptapanlop.

Trong cuộc cải tổ Nội các lần này, đảng Liên minh Hành động vì Thái Lan (ACT) đã đổi vị trí Bộ trưởng Lao động lấy vị trí Bộ trưởng Cao học, Khoa học và Sáng tạo từng do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRD) kiểm soát. Vị trí Bộ trưởng Cao học, Khoa học và Sáng tạo để trống sau khi ông Suvit Maesincee từ chức được giao cho ông Anek Laothamatas nắm giữ. Tân Bộ trưởng Lao động trong Nội các là ông Suchat Chomklin cấp phó của ông là cựu nữ phát ngôn viên Chính phủ Narumon Pinyosinwat.

Trên tờ The Nation, nhận định về việc bổ nhiệm này, Chủ tịch điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, ông Charl Kengchon, nói rằng thách thức ngay trước mắt là hỗ trợ những lao động và doanh nghiệp khi mà các biện pháp cứu trợ, bao gồm cả việc phát tiền mặt, sắp kết thúc. Trong khi đó, chính sách tài khóa của Chính phủ đã bị căng thẳng bởi khoản tiền đi vay khổng lồ lên tới 1.000 tỷ baht (hơn 32 tỷ USD) để xử lý cuộc khủng khoảng COVID-19.

Nền kinh tế Thái Lan đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện, nhưng sự phục hồi vẫn còn là một triển vọng xa, vì mới chỉ có một số khu vực và người lao động nối lại hoạt động. Ông Charl nhận xét Thái Lan vẫn chưa mở cửa trở lại đối với du lịch, do đó các doanh nghiệp và người lao động trong những khu vực liên quan đến du lịch vẫn đang phải hứng chịu nhiều nhất.

Ngoài ra, những nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã có đợt lây nhiễm mới, điều làm trì hoãn sự hồi phục của hàng xuất khẩu Thái Lan. Tân Bộ trưởng Tài chính Predee Daochai sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn về việc nhóm nào cần được hỗ trợ thêm, doanh nghiệp hay người lao động, do những nguồn lực tài chính có hạn. Ông Charl nói rằng ông không nghĩ là Chính phủ sẽ muốn vay thêm tiền, nhưng những vấn đề cần được giải quyết đang tăng lên, do đó việc Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm cho nhóm nào sẽ rất quan trọng.

Những yếu tố bên ngoài cũng đang gây ra sự không chắc chắn, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất chính sách một lần nữa hoặc bơm thêm thanh khoản vào thị trường, điều sẽ làm suy yếu đồng USD và khiến đồng baht tăng giá. Đồng baht mạnh sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, những người được thanh toán bằng USD và sau đó phải đổi lấy đồng baht. Ông Charl cho rằng thị trường ngoại hối toàn cầu lớn đến mức Ngân hàng Trung ương Thái Lan không thể ngăn chặn được đồng baht tăng giá.

Liên quan đến du lịch, thách thức là làm thế nào để mở cửa trở lại khu vực này và các dịch vụ liên quan. Ông Charl nói thêm rằng việc mở cửa trở lại đối với du khách nước ngoài sẽ có nguy cơ thêm nhiều người nhập cảnh mắc COVID-19, điều có thể sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng niềm tin trong quản lý y tế.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan Yongyuth Chalamwong cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ cả các doanh nghiệp lẫn người lao động. Chính phủ có thể cần phải vay thêm tiền khi những chương trình cứu trợ hiện tại đang bắt đầu hết hạn. Các doanh nghiệp có thể sa thải thêm nhiều lao động trong quý III/2020 vì họ thiếu dòng tiền và rất nhiều doanh nghiệp đã không thể mở cửa trở lại. Chính phủ đã tập trung ưu tiên những biện pháp kiềm chế COVID-19, nhưng hiện là lúc Chính phủ phải tập trung hơn vào các hoạt động kinh tế.

Ông Yongyuth cảnh báo nếu nền kinh tế không cải thiện đáng kể, 4,5 triệu lao động trong khu vực dịch vụ và 1 triệu công nhân trong ngành chế tạo có thể sẽ mất việc làm. Chính phủ phải suy nghĩ về việc làm thế nào để có thể mở cửa đất nước cho du khách nước ngoài và thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày có thể là quá dài. Nhiều khách sạn sẽ không thể tồn tại lâu sau khi mở cửa trở lại gần đây vì họ không có thu nhập từ khách du lịch nước ngoài.

Theo ông Yongyuth, những thách thức mà Bộ trưởng Lao động mới được bổ nhiệm Suchart Chomklin và Thứ trưởng Narumon Pinyosinwat phải đối mặt bao gồm việc tìm cách hỗ trợ những lao động phi chính thức không được Quỹ An sinh Xã hội chi trả. Những người này chiếm 2/3 lực lượng lao động gồm 38 triệu người của Thái Lan. Bộ Lao động phải xem xét việc thay đổi Quỹ An sinh Xã hội thành một chương trình bắt buộc bao gồm tất cả người lao động, cả chính thức và phi chính thức. Hiện nay, có sự bất bình đẳng lớn về thu nhập giữa những người lao động được Quỹ An sinh Xã hội chi trả và những người không được quỹ bảo vệ. Bộ Lao động cũng cần cung cấp trợ cấp cho đào tạo vì các công ty không có đủ tiền để đào tạo công nhân do tác động dai dẳng của đại dịch COVID-19. Hiện tại, khoảng 1,5 triệu người lao động đang nhận trợ cấp thất nghiệp An sinh xã hội, tăng mạnh so với con số 300.000-400.000 người nhận trước đó.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách Tài khóa (FPO) Lavaron Sangsnit khẳng định Chính phủ vẫn có tiền mặt từ quỹ cứu trợ trị giá 1.000 tỷ baht. Một nửa của khoản vay trị giá 1.000 tỷ baht vẫn chưa được sử dụng. Tân Bộ trưởng Tài chính được tin là hiểu biết tốt những vấn đề mà cả các công ty lẫn người lao động phải đối mặt.

Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) Supant Mongkolsuthree cũng bày tỏ tin tưởng đối với ông Predee, nói rằng các doanh nghiệp sẽ hợp tác tốt với tân Bộ trưởng Tài chính trong việc xử lý tác động của COVID-19. Ông Supant kêu gọi có thêm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vì rất nhiều doanh nghiệp trong số đó không thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng.

Một cuộc khảo sát đối với 100 giám đốc điều hành (CEO) trong nhiều lĩnh vực cho thấy gần 80% các giám đốc điều hành của các tổ chức lớn ở Thái Lan hy vọng Nội các mới sẽ có thể bắt đầu làm việc ngay lập tức và với sự hiểu biết sâu sắc về kinh tế trong và ngoài nước.

Trước đó ngày 29/7 Nội các Thái Lan đã thông qua việc bổ nhiệm ông Setthaput Suthiwart-Narueput làm tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) thay cho ông Veerathai Santiprabhob sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/9 tới.

Ông Setthaput là cố vấn của Thủ tướng và là thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC). Tân Thống đốc BoT Setthaput có bằng tiến sĩ và thạc sĩ kinh tế tại Đại học Yale trước khi làm việc cho công ty tư vấn McKinsey & Company có trụ sở ở New York và sau đó là Ngân hàng Thế giới (WB).

Cả hai ông Setthaput và Veerathai đều được Bộ Tài chính Thái Lan tuyển dụng sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ập đến quốc gia Đông Nam Á này và cả hai người cũng được bổ nhiệm là đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách tài khóa.

Lần đầu tiên kể từ năm 2014, kinh tế Thái Lan trong quý I/2020 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,2% so với quý trước đó sau khi điều chỉnh yếu tố thời vụ. BoT ước tính nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này có thể sẽ giảm kỷ lục 13% trong quý II/2020 khi hoạt động kinh tế bị đình trệ do các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm theo dự tính này sẽ là con số tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ kể từ sau khi mức giảm 12,5% được ghi nhận trong quý II/1998 do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Kinh tế Thái Lan được cho là sẽ giảm 8,1% trong năm 2020, chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngọc Quang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here