(Tiếp theo kỳ trước)
Bài học kinh nghiệm của các quốc gia thời gian đầu không có cơ chế phù hợp để kiểm soát, phòng ngừa các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động P2P Lending.
- Kinh nghiệm của Trung Quốc:
P2P Lending ở Trung Quốc xuất hiện từ năm 2007 và đến năm 2012 đã có bước phát triển vượt bậc, với hơn 3.500 nền tảng được lập với tổng lượng vốn giao dịch trên 1.000 tỉ nhân dân tệ; đồng thời lãi suất cho vay lại liên tục giảm mạnh từ khoảng 25%/năm vào năm 2014 chỉ còn 12,5%/năm vào năm 2017[12]. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc, do chính sách khuyến khích các đột phá sáng tạo để phục vụ SMEs và những người lao động có thu nhập thấp, nên đã không ban hành khung pháp lý để quản lý hoạt động này; đồng thời xác định P2P Lending, đơn thuần, chỉ là một “hệ thống trao đổi thông tin khoản vay”. Chính sách trên đã tạo điều kiện cho các công ty P2P Lending tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế ngầm phát triển rất phổ biến, đã có nhiều hoạt động biến tướng, như: thiếu tiền, gian lận, lừa đảo, bỏ trốn[13]; thu hút nhà đầu tư bằng cách hứa hẹn lãi suất cao dưới “vỏ bọc sáng kiến”; hoặc là bịa ra các dự án đầu tư để chiếm dụng tiền nhà đầu tư; huy động vốn của nhà đầu tư rồi cho vay lại với mức lãi suất rất cao hơn 40%[14]; hoặc lừa đảo sau khi huy động vốn[15]. Thực trang trên đã dẫn đến sự sụp đổ, phá sản của hàng trăm công ty P2P Lending, toàn bộ dữ liệu người vay biến mất, nên người cho vay không biết lấy cơ sở dữ liệu ở đâu để đòi lại khoản tiền.
Giống với Trung Quốc, P2P Lending xuất hiện từ rất sớm vào năm 2009 với nền tảng Trust Buddy, có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển. Tại thời điểm đó, cũng với chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng đến phổ cập tài chính toàn diện, nên Chính phủ Thụy sĩ đã để các công ty P2P Lending tự do lựa chọn mô hình hoạt động, phạm vi hoạt động, cũng như các sản phẩm tài chính. Do đó, Trust Buddy đã vận hành nền tảng P2P Lending theo mô hình cam kết về lợi nhuận, trong đó cam kết với nhà đầu tư về mức lãi suất 12%, cho phép nhà đầu tư thông báo trước 2 ngày nếu muốn rút 90% số dư đầu tư hiện có.
Trust Buddy đã sử dụng nguồn vốn cho vay của nhà đầu tư mới để trang trải các khoản nợ xấu và không chuyển tiền cho người cho vay như cam kết với nhà đầu tư; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Vì lẽ đó, cơ quan Dịch vụ Tài chính Thụy Điển yêu cầu Trust Buddy ngừng hoạt động. Giao dịch cổ phiếu Trust Buddy cũng bị đình chỉ và công ty đã nộp đơn xin phá sản trong năm 2016.
Những vấn đề pháp luật Việt Nam cần quy định để kiểm soát quản lý phòng ngừa hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động P2P Lending
Để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn đồng thời phát huy những lợi ích mà mô hình P2P Lending mang lại cho thị trường tài chính, Chính phủ Việt Nam cần xác định P2P Lending là hoạt động kinh doanh phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, với mục tiêu: “hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam cần ban hành văn bản quy định P2P Lending là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; đồng thời đặt ra các quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với việc triển khai, vận hành mô hình P2P Lending trên thực tế; gồm: (i) quy định về đăng ký hoạt động; (ii) quy định về quản lý rủi ro; (iii) quy định về hoạt động giám sát. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Các công ty vận hành nền tảng P2P Lending phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và phải đáp ứng các điều kiện nhất định (như: vốn pháp định; có kế hoạch giải quyết các khoản vay khi công ty rơi vào tình trạng phá sản; trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tài chính của nhân sự giữ vị trí lãnh đạo của công ty) để được cấp phép thực hiện hoạt động P2P Lending.
Thứ hai, Thiết lập các chuẩn mực về các hệ thống và các biện pháp kiểm soát để quản lý rủi ro: đưa các yêu cầu về quản trị nhân sự; như: kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của nhân viên, trách nhiệm của bên cung ứng nền tảng công nghệ, lưu giữ, bảo mật thông tin.
Thứ ba, Xác định rõ phạm vi kinh doanh của nền tảng P2P Lending: xác định rõ vai trò của nền tảng P2P Lending; như: (i) là 1 tổ chức trung gian thông tin, có chức năng cung cấp dịch vụ liên quan đến thông tin, như tìm kiếm thông tin, phát hành thông tin, xếp hạn tín dụng, trao đổi thông tin và kết hợp tín dụng; (ii) là 1 ngân hàng có chức năng trung gian tín dụng; (iii) là 1 sàn giao dịch các khoản vay…
Thứ tư, Quy định giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư cũng như mức vay tối đa của người đi vay, như: Hạn mức tại một nền tảng đối với cá nhân tối đa 200.000 NDT, pháp nhân tối đa 1.000.000 NDT.
Thứ năm, Quy định về việc công bố, lưu trữ thông tin: Những thông tin cơ bản về các dự án cần tài trợ, rủi ro tiềm ẩn phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các tổ chức vận hành nền tảng P2P Lending.
Thứ sáu, Xác lập cơ chế nhận diện khách hàng và nghĩa vụ báo cáo các giao dịch đáng ngờ nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Thứ bảy, Thiết lập các tiêu chuẩn bắt buộc về xử lý nợ và xử lý yêu cầu của khách hàng về cơ cấu nợ quá hạn.
Thứ tám, Ràng buộc trách nhiệm của người vay và người cho vay; như:
(i) Đối với người vay: phải cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo khả năng hoàn trả, không được đồng thời vay tại nhiều nơi cho một khoản vay;
(ii) Đối với người cho vay: cần biết về rủi ro phát sinh, có năng lực nhận biết rủi ro, có kinh nghiệm đầu tư sản phẩm tài chính, thành thạo sử dụng internet.
Thứ chín, Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên nền tảng P2P Lending; như: trực tiếp hoặc gián tiếp thu hoặc hợp nhất quỹ của người cho vay; cam kết thu đủ gốc và lãi cho người cho vay; chia nhỏ thời hạn các khoản vay; tự ý bán các sản phẩm tài chính để tập hợp vốn; phòng đại lợi nhuận,…
Tóm lại, P2P Lending được coi là 1 kênh dẫn vốn hiệu quả của thị trường tài chính; thúc đẩy tài chính toàn diện; đồng thời phát huy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, P2P Lending vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; như: (i) rủi ro mất vốn hoặc chậm trả; (ii) rủi ro thanh khoản; (iii) nguy cơ xâm hại đến bí mật đời tư cá nhân; (iv) rủi ro về thông tin bất đối xứng; (v) nguy cơ các công ty vận hành nền tảng P2P Lending trực tiếp huy động và cấp tín dụng cho người đi vay, như một ngân hàng (shadow banking); hay hoạt động theo mô hình xác sống (ponzi); (vi) rủi ro về lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành nền tảng, dẫn đến mất dữ liệu, gây gián đoạn kinh doanh; (vii) rủi ro về đạo đức, đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa phù hợp; tránh xảy ra những hệ lụy khôn lường ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, như ở Trung Quốc và ở Thụy Sĩ. Chính phủ Việt Nam cũng cần xác định P2P Lending là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; đồng thời đặt ra các quy định chặt chẽ và nghiêm ngặt đối với việc triển khai, vận hành mô hình P2P Lending trên thực tế; gồm: (i) quy định về đăng ký hoạt động; (ii) quy định về quản lý rủi ro; (iii) quy định về hoạt động giám sát./.
ThS. NGUYỄN NAM TRUNG (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh – UEF)