I. Những nỗ lực của VN trong tiến trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Những thuận lợi và khó khăn trong giai đoạn còn lại là gì?
Xuyên suốt từ năm 2007 tới nay, với quyết tâm của cấp lãnh đạo cao nhất, ASEAN trong đó có Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, theo đó, ASEAN sẽ trở thành một thị trường duy nhất, cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nhân tài và nhân công có tay nghề, và lưu thông tự do hơn về vốn. Với việc hình thành AEC, ASEAN đẩy mạnh phát triển kinh tế đồng đều trong khu vực, trở thành một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Tính đến cuối tháng 10/2012, ASEAN đã hoàn thành được 74.2% các chỉ tiêu xây dựng Cộng đồng. ASEAN cũng đã trở thành trung tâm của một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc, Niu Di-lân và dự kiến tới năm 2015, sẽ xây dựng xong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), thành lập liên kết kinh tế mới tại khu vực. Dự kiến, khi hoàn thành, RCEP sẽ tạo nên khu vực kinh tế gồm 16 nước với quy mô 3 tỉ người, GDP chiếm ¼ tổng GDP thế giới (19.78 nghìn tỉ USD).
Tuy đã đạt được những tiến triển nhất định, ASEAN vẫn còn một số thách thức chính cần phải vượt qua để có thể tiến tới mục tiêu trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Thách thức đầu tiên liên quan đến việc chậm phê duyệt các Hiệp định đã ký hoặc chậm hoàn tất đàm phán các Hiệp định đã lên kế hoạch. Thứ hai, các nước vẫn còn chậm hoàn tất các cam kết tự do hóa, ví dụ như chưa loại bỏ thuế quan đủ hạn mức. Thứ ba là việc chậm ban hành các quy định trong nước cho phù hợp với cam kết ASEAN, trong đó có các quy định liên quan bảo vệ người tiêu dùng. Cuối cùng là chậm thực hiện các sáng kiến, biện pháp cụ thể; ví dụ như việc chậm trễ trong việc hoàn thành xây dựng Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa Quốc gia – một biện pháp chủ chốt trong lộ trình xây dựng AEC.
Trong thời gian tới, ASEAN sẽ phải triển khai một số thỏa thuận thuộc loại khó triển khai như dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, cũng như các biện pháp đòi hỏi nguồn lực lớn(như phát triển cơ sở hạ tầng). Điều này đòi hỏi ý chí chính trị cao của các quốc gia, đồng thời cần có sự tham gia sâu rộng hơn của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân v.v.
Về phần mình, dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khu vực nhưng Việt Nam hiện được đánh giá là một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC, với tỉ lệ 76% trong khi tỉ lệ trung bình của các nước là 73,4%. Việt Nam đã thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế khu vực và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN một cách toàn diện từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, viễn thông, đến các lĩnh vực mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Từ khi tham gia ASEAN, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với ASEAN đã tăng đáng kể, hiện đạt 22 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và gấp gần 2 lần tổng giá trị thương mại của Việt Nam với bên ngoài ở thời điểm trước khi gia nhập ASEAN – năm 1995. Tốc độ tăng trưởng thương mại của Việt Nam với ASEAN đạt trung bình 15-16%/ năm trong suốt 15 năm qua.
Trong lĩnh vực tự do hóa thương mại, Việt Nam đã triển khai đúng lộ trình các cam kết về giảm thuế theo Hiệp định CEPT/AFTA. Trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN hòan tất 8 Gói cam kết dịch vụ trong các ngành ưu tiên là: tài chính, viễn thông, vận tải hàng hải, hàng không, du lịch, xây dựng…. Việt Nam đã mở rộng dần thị trường dịch vụ và hiện nay một số phân ngành dịch vụ của ta có mức độ mở cửa cao hơn cả một số nước trong khu vực. Các cam kết về dịch vụ cơ bản phù hợp với xu thế phát triển của nước ta, tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ trong nước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của nhân dân.
Việt Nam cũng đã triển khai đầy đủ các cam kết trong Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), bao gồm việc tích cực và chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư và thường xuyên tham gia các hoạt động vận động đầu tư chung của ASEAN tại Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng khác. Đối với Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Việt Nam đã hoàn tất việc xây dựng danh mục bảo lưu và được Bộ trưởng Bộ Công thương ký tháng 3/2012.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến những sáng kiến thúc đẩy xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN mang dấu ấn của Việt Nam. Việt Nam là nước đi đầu trong việc thúc đẩy thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2000, với mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN, hỗ trợ các nước thành viên mới (CLMV) hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đến nay, giai đoạn một cửa Sáng kiến IAI (2002-2008) đã hoàn tất với 232 dự án/chương trình được thực hiện, thu hút 33.5 triệu đôla Mỹ từ ASEAN-6 và 20 triệu đôla Mỹ từ các nước đối thoại, tổ chức phát triển và các đối tác khác. Các dự án/chương trình tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ hội nhập khu vực, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các bên đang thực hiện Khuôn khổ Chiến lược và Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn II (2009-2015).
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã để lại những dấu ấn đóng góp quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN. Cụ thể: chúng ta đã đề xuất và được các nước ASEAN ủng hộ, việc Lãnh đạo ASEAN thông qua Tuyên bố Hà Nội về Phục hồi và Phát triển Bền vững tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-16 (Tháng 4/2010), định hướng phát triển đồng đều và bền vững, giúp các nền kinh tế ASEAN phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN, Việt Nam đã chủ trì cùng các nước xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (KHTT), được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Cấp cao ASEAN-17, tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội, là văn kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp hỗ trợ ASEAN đẩy nhanh liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng. KHTT được xây dựng trên cơ sở hài hòa hóa các chiến lược/kế hoạch phát triển từng ngành liên quan trong các lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, năng lượng và ICT); kết nối thể chế (tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác chuyên ngành); và kết nối con người (văn hóa, giáo dục, du lịch).
Chúng ta cũng đang tích cực đẩy mạnh việc thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN về AEC. Quảng bá về AEC và mở rộng đối thoại với doanh nghiệp về AEC sẽ có tác động tích cực đến lợi ích lâu dài của AEC với cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc nâng cao quảng bá và thực thi tuyên truyền về Cộng đồng kinh tế một cách chủ động. Theo Sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN đã lần lượt tổ chức các diễn đàn thảo luận về hiệu quả của AEC đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập.
II. Phương hướng thúc đẩy AEC trong giai đoạn 2013
Trong năm 2013, ASEAN cần tiếp tục đặt quyết tâm cao trong việc hoàn tất đúng thời hạn các hoạt động đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể. Để đạt được điều này, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ cần thực hiện các sáng kiến đề ra một cách hiệu quả; sẵn sàng cải cách các khung pháp lý và quy định ở mỗi nước; và tăng cường điều phối giữa các ngành/lĩnh vực, đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực cho việc thực hiện các dự án AEC.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng, Việt Nam cần có một quy hoạch phát triển kinh tế tương đối cụ thể của riêng mình. Thứ nhất, Việt Nam cần thực hiện các ưu tiên theo lộ trình của ASEAN bằng cách khắc phục sự chậm chễ khi triển khai các biện pháp. Thứ hai, cần tranh thủ tối đa nguồn lực từ các đối tác đối thoại và phát triển để thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, Chương trình công tác IAI giai đoạn II. Điểm yếu của ta là khả năng xây dựng dự án phù hợp. Do đó, cần đẩy mạnh các chương trình, dự án hỗ trợ năng lực xây dựng dự án ASEAN cho các Bộ/ngành và tiếp tục thúc đẩy cải tiến quy trình, thủ tục để tăng cơ hội tiếp cận nguồn lực ASEAN cho các Bộ/ngành trong nước. Ví dụ, đối với Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN, ta đã và cần tiếp tục đẩy mạnh việc ưu tiên thực hiện các tuyến kết nối đường bộ, đặc biệt kết nối tiểu vùng Mê Công và kết nối các Cảng biển.
Thứ ba là nên đưa ra các đề xuất mới phù hợp với kế hoạch phát triển đất nước và lộ trình xây dựng AEC. Theo đó, các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối thoại Công-Tư cần được khai thác. Ngoài ra, cũng cần đưa ra các biện pháp quảng bá cho các doanh nghiệp, và thúc đẩy việc các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội sẵn có của ASEAN.
Thứ tư, cần xây dựng định hướng liên kết ASEAN-Đối tác trong mối quan hệ với các đàm phán hiệp định khu vực thương mại tự do khác (FTA) của Việt Nam, đặc biệt là TPP và các FTA song phương đã và sẽ tiến hành.Đàm phán RCEP và các hiệp định FTA khu vực khác của ASEAN (AEFTA) chắc chắn sẽ có những giới hạn về phạm vi và mức độ. Vì vậy, cần có định hướng về đối tác ưu tiên, thị trường ưu tiên và lĩnh vực ưu tiên để đặt các đàm phán này trong mối quan hệ với các FTAs mà ta đang theo đuổi tránh lãng phí nguồn lực hoặc tạo hiệu ứng chệch hướng thương mại.
Trong thời gian tới, với tinh thần tích cực, chủ động, có trách nhiệm, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế, coi đây là ưu tiên cao nhằm tạo lập nền tảng vững chắc, góp phần phát huy vai trò, vị thế của ASEAN.
Không gian kinh tế mở do AEC tạo ra sẽ không còn những ngăn cách về kinh tế, hàng hóa, dịch vụ và vốn. Bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư ASEAN nào đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của 10 nước ASEAN. Tuy nhiên, những cơ hội sẽ đi kèm với cả thách thức. Do đó, quá trình xây dựng AEC sẽ song hành với việc thay đổi dần cơ cấu kinh tế theo hướng thích nghi, hỗ trợ quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, góp phần khuyến khích, tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp trong nước ta có được sự định vị chắc chắn vị trí của mình trong chuỗi sản xuất chung của khu vực. Với quyết tâm chính trị cao của các quốc gia thành viên, sự chung sức của cả cộng đồng, AEC chắc chắn sẽ mang lại lợi ích đối với các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam./.