Những điều chỉnh chính sách của Nhật Bản dưới thời tân Thủ tướng Ishiba?

0
9
(Nguồn: goglobal.moit)
Ông Shigeru Ishiba được kỳ vọng sẽ duy trì nhiều chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại, cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề đối nội và một số mối quan hệ quốc tế có thể đưa Nhật Bản đi theo những hướng mới.
Trang asiatimes.com (30/9) bình luận việc ông Shigeru Ishiba trở thành thủ tướng mới của Nhật Bản đánh dấu bước ngoặt có thể có ý nghĩa quan trọng đối với xứ Phù tang, với nhiều câu hỏi được đặt ra về việc ông sẽ duy trì và thay đổi những chính sách cũng như mô hình của người tiền nhiệm Fumio Kishida ở mức độ nào. Tân Thủ tướng Nhật Bản có nhiệm vụ đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm không được lòng dân, nhưng điều chỉnh quá nhiều lại có thể gây bất ổn.
Mặc dù Ishiba được nhiều người kỳ vọng sẽ duy trì nhiều sáng kiến của Kishida, bao gồm cả quan hệ đối ngoại và chiến lược kinh tế, ông cũng có thể thực hiện những thay đổi đáng kể trong chính sách đối nội trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và ngày càng tăng.
Chính quyền Kishida được đặc trưng bởi chính sách thận trọng nhưng ổn định, tập trung vào các biện pháp kích thích kinh tế nhằm cân bằng tăng trưởng và lạm phát. Chính phủ của ông đặt mục tiêu hiện đại hóa Nhật Bản thông qua chuyển đổi số, đồng thời tìm cách giải quyết các thách thức về nhân khẩu học do dân số già hóa nhanh và lực lượng lao động giảm.
Do đó, cải cách phúc lợi xã hội, đặc biệt là lương hưu, là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự của Kishida. Về chính sách đối ngoại, Kishida đã ưu tiên củng cố các liên minh của Nhật Bản, nhất là với Mỹ, đồng thời mở rộng vai trò của Nhật Bản trong các khuôn khổ đa phương như Bộ Tứ. Kishida đã áp dụng lập trường ngoại giao vô cùng thận trọng với Trung Quốc và Nga, tìm cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế và những cân nhắc về an ninh. Các sáng kiến của ông nhằm hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc và củng cố quan hệ với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Indonesia, là những thành tựu ngoại giao đáng kể.
Nhiệm kỳ của Kishida cũng chứng kiến sự liên kết ngày càng tăng giữa Nhật Bản với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm các cuộc thảo luận về việc thành lập văn phòng liên lạc của NATO ở Nhật Bản, báo hiệu sự hội nhập ngày càng tăng của Nhật Bản trong các khuôn khổ an ninh phương Tây để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực.
Cách tiếp cận của Ishiba đối với chính sách đối nội dự kiến sẽ kết hợp tính liên tục và đổi mới. Về kinh tế, ông có thể sẽ duy trì các chính sách kích thích tài chính của người tiền nhiệm, đặc biệt nếu nền kinh tế toàn cầu vẫn trì trệ trong bối cảnh tăng trưởng ở Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại. Tuy nhiên, có suy đoán rằng Ishiba có thể có lập trường bảo thủ hơn về vấn đề tài chính, theo đó sẽ thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và cải cách thuế để cắt giảm nợ công. Sự thay đổi như vậy sẽ thể hiện sự khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận của Kishida và có thể tác động sâu sắc đến sự ổn định kinh tế của Nhật Bản.
Đồng thời, tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với áp lực phải kiên quyết giải quyết các thách thức do tình trạng dân số già hóa đặt ra. Cải cách lương hưu của Kishida đã thiết lập một khuôn khổ nền tảng, nhưng Ishiba có lẽ cần đưa ra các chính sách toàn diện hơn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, có thể bằng cách khuyến khích nhập cư hoặc đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Về chính sách đối ngoại, cách tiếp cận của Ishiba đối với quan hệ Nhật-Hàn sẽ được xem xét kỹ lưỡng và nhanh chóng. Kishida đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện mối quan hệ thường căng thẳng này, đặc biệt là thông qua hợp tác về các vấn đề an ninh khu vực. Ishiba dự kiến sẽ tiếp tục theo đường lối này, mặc dù ông cũng có thể tìm cách giải quyết những bất đồng lịch sử chưa được giải quyết bằng tư duy mới, có khả năng xoa dịu những căng thẳng lâu nay và mở đường cho quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ hơn.
Về quan hệ Nhật Bản-Indonesia, Ishiba dự kiến sẽ phát triển dựa trên các sáng kiến của Kishida nhằm tăng cường hợp tác an ninh kinh tế và hàng hải. Với tầm quan trọng của Indonesia ở Đông Nam Á, Ishiba có thể tìm cách mở rộng quan hệ đối tác đang phát triển này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như kinh tế số và phát triển cơ sở hạ tầng. Cách tiếp cận này không chỉ hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho Nhật Bản mà còn giúp tăng cường ảnh hưởng của nước này trên khắp ASEAN, đồng thời đối phó với sức mạnh và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như mở rộng các mối quan hệ thương mại.
Chắc chắn quan hệ Nhật-Trung sẽ đặt ra thách thức về nhiều mặt và lớn nhất đối với tân Thủ tướng. Chính quyền Kishida đã cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, vốn thường phức tạp và bị tác động bởi cuộc chiến công nghệ và các biện pháp hạn chế chip do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Trung Quốc, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về an ninh, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông.
Do đó, Ishiba, người từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng, có thể áp dụng cách tiếp cận quyết đoán hơn đối với các vấn đề an ninh, có khả năng đẩy nhanh quá trình tái quân sự hóa vốn đã mạnh mẽ của Nhật Bản đồng thời tìm kiếm hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với các cường quốc khác trong khu vực. Tân Thủ tướng cũng cần duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, để duy trì sự ổn định kinh tế vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cách tiếp cận của Ishiba đối với quan hệ Nhật-Nga được cho là sẽ phản ánh lập trường thận trọng của Kishida, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu hiện nay liên quan đến Nga, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine. Trọng tâm sẽ là hợp tác về năng lượng, trong đó Ishiba có thể sẽ nhượng bộ để có được các nguồn ổn định và an toàn hơn vì lý do an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng.
Một trong những triển vọng hấp dẫn nhất dưới thời Ishiba sẽ là tiềm năng về quan hệ cởi mở hơn với Triều Tiên. Chính quyền Kishida đã duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và gây áp lực mới đối với Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân của nước này cũng như vấn đề nhức nhối lâu nay về những công dân Nhật Bản bị bắt cóc và đưa về Triều Tiên. Mặc dù Ishiba khó có thể từ bỏ lập trường cứng rắn này, ông có thể tìm kiếm các biện pháp ngoại giao, đặc biệt nếu Bình Nhưỡng phát ra những tín hiệu mới sẵn sàng tham gia đối thoại. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể với những tác động quan trọng đối với an ninh khu vực và vai trò của Nhật Bản ở Đông Á.
Tất nhiên, quan hệ Nhật-Mỹ sẽ vẫn là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Dưới thời Kishida, liên minh Nhật-Mỹ đã được củng cố mạnh mẽ thông qua việc tăng cường hợp tác quân sự trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại về ảnh hưởng và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các vùng biển lân cận. Ishiba được kỳ vọng sẽ duy trì và có thể là làm sâu sắc hơn mối quan hệ này, bao gồm cả việc phát triển chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm đối trọng với sự trỗi dậy và sức mạnh của Trung Quốc, bất kể ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Việc thành lập văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản sẽ nhấn mạnh cam kết của nước này đối với khuôn khổ an ninh toàn cầu và gắn kết chặt chẽ nước này với các sáng kiến quốc phòng của phương Tây. Chính quyền Ishiba có thể tận dụng mối quan hệ này để củng cố thế trận an ninh của Nhật Bản và củng cố tầm quan trọng của nước này trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
Trên trường quốc tế, sự tham gia của Nhật Bản trong nhóm Bộ Tứ có thể sẽ vẫn mạnh mẽ khi nhóm này chuyển hướng sang các sáng kiến an ninh kinh tế và có phạm vi rộng hơn, tiếp tục các nỗ lực đa phương của Kishida nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tương tự, trong khuôn khổ của Ủy ban ba bên gồm Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, Ishiba có thể sẽ duy trì cam kết của Nhật Bản đối với đối thoại đa phương, đồng thời có thể đưa ra các sáng kiến mới nhằm tăng cường quản trị toàn cầu trong một thế giới ngày càng đa cực.
Nhìn chung, dưới thời Ishiba sẽ chứng kiến sự cân bằng tinh tế giữa tính tiếp nối và thay đổi. Mặc dù ông được kỳ vọng sẽ duy trì nhiều chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt là trong lĩnh vực đối ngoại, cách tiếp cận của ông đối với các vấn đề đối nội và một số mối quan hệ quốc tế có thể đưa Nhật Bản đi theo những hướng mới.
Thành công của Ishiba sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng hiệu quả giữa sự tiếp nối và thay đổi, ứng phó với những thách thức trước mắt của Nhật Bản đồng thời xác lập vị thế của mình so với Trung Quốc trong môi trường địa chiến lược và toàn cầu ngày càng phức tạp.
Nguyệt Ánh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here