Dự thảo ngân sách 2021 của Singapore cho thấy nguồn vốn dự trữ từ quá khứ đang được sử dụng như thế nào để vượt qua cơn bão suy thoái hiện tại và thúc đẩy sự chuyển đổi để Singapore trỗi dậy mạnh mẽ hơn trước những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế toàn cầu.
Trong số các biện pháp cứu trợ do chính phủ đưa ra trong năm tài chính vừa qua, các biện pháp hỗ trợ chi phí kinh doanh như Chương trình Hỗ trợ Việc làm (JSS) và Chương trình Cứu trợ Cho thuê là phù hợp nhất đối với các doanh nghiệp trong việc đối phó với những thách thức trước mắt do đại dịch COVID-19 gây ra.
Các doanh nghiệp và người lao động trong các lĩnh vực khác nhau như hàng không, hàng không vũ trụ, du lịch, bán lẻ và xây dựng có thể “thở phào nhẹ nhõm” với một cứu cánh mới bằng hình thức hỗ trợ chi trả tiền lương 10% hoặc 30%. Khoảng 43% người trả lời khảo sát thường niên mới nhất của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đã chỉ ra rằng sự hỗ trợ mà các doanh nghiệp cần nhất sẽ là sự hỗ trợ nhiều hơn về số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số.
Do đó, để đẩy nhanh hơn nữa việc áp dụng công nghệ trong các doanh nghiệp và đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số ngay cả trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, một khoản ngân sách 870 triệu SGD sẽ được chuyển vào lĩnh vực hàng không để bảo vệ duy trì vị trí của sân bay Changi như một trung tâm hàng không quan trọng, thông qua việc mở rộng kết nối kỹ thuật số và xây dựng các khả năng kỹ thuật số khác biệt khác. Ngoài ra, 45 triệu SGD từ gói khả năng phục hồi COVID-19 sẽ được chuyển đến các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và thể thao, nhấn mạnh tầm quan trọng của những lĩnh vực này trong việc kết nối mối liên kết xã hội của Singapore.
Từ “Dấu chấm đỏ” đến “Tia sáng màu xanh lá cây”
Kế hoạch Xanh Singapore 2030 đã được công bố cách đây một tuần. Các sáng kiến trong dài hạn đã được tích hợp trong Kế hoạch Xanh 2030 và điều này phản ánh tầm nhìn dài hạn rằng mặc dù điều quan trọng là phải đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại nhưng Singapore cũng phải chủ động mở đường cho một tương lai bền vững.
Một số lượng lớn các mục tiêu đầy tham vọng đặt ra trong Kế hoạch Xanh 2030 trải dài nhiều thập kỷ, bao gồm việc loại bỏ dần các loại xe động cơ đốt trong vào năm 2040. Để bảo vệ môi trường, mức thuế carbon đã được công bố lần đầu trong Ngân sách 2018 sẽ được xem xét. Hiện tại, mức thuế carbon ở mức 5 SGD/tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được duy trì cho đến năm 2023.
Để khuyến khích việc không sử dụng các loại xe động cơ đốt trong, thuế suất tiêu thụ xăng dầu sẽ được nâng lên, bù lại thuế phí và thuế đường bộ. Việc này như một đòn bẩy để thúc đẩy giảm lượng khí thải carbon của Singapore, thúc đẩy đổi mới ngành công nghiệp và tăng trưởng xanh.
Các vấn đề liên quan đến thuế suất
Gần 3/4 tổng doanh thu thuế trong các năm tài chính 2019 và 2020 đến từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế hàng hòa và dịch vụ (GST), trong đó thuế GST đóng góp hơn 20% tổng thu thuế. Trong khi nền kinh tế đang dần hồi phục, việc thu thuế trong năm 2021 từ các nguồn này sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Mọi người đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi Phó Thủ tướng Heng Swee Keat tuyên bố rằng thuế suất GST cho năm 2021 vẫn duy trì ở mức 7% và việc tăng thuế lên 9% sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ 2022 đến 2025. Với sự tăng trưởng và phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số, những người bán hàng các loại hàng hóa có giá trị thấp tại Singapore (dưới 400 SGD) sẽ vui mừng với việc nâng thuế suất đối với các nhà cung cấp hàng hóa trực tuyến từ bên ngoài bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Dù vậy, những người thường xuyên mua sắm trực tuyến có thể sẽ cảm thấy ít vui mừng hơn.
Thị trường bất động sản đã phục hồi sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, bằng chứng gần đây nhất là doanh số bán nhà tư nhân trong tháng 1/2021 đạt mức cao kỷ lục trong 8 năm qua. Không có thay đổi đối với thuế tài sản hoặc thuế suất công chứng hợp đồng mua bán nhà được đề cập trong dự thảo ngân sách 2021.
Mặc dù không có thay đổi lớn nào đối với chế độ thuế doanh nghiệp, nhưng vẫn có một số biện pháp hỗ trợ về thuế giúp hỗ trợ dòng tiền của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dù vậy, vẫn còn đó sự không chắc chắn do tình hình kinh tế và vấn đề y tế sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, ông Heng cho rằng Singapore vẫn phải thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực mới, để đẩy nhanh những thay đổi về cơ cấu, chuyển đổi nhằm “vươn lên mạnh mẽ hơn với tư cách là một nền kinh tế và một con người”.
Được thúc đẩy bởi các kế hoạch dài hạn có tính toàn diện và có trách nhiệm về mặt tài chính, dự thảo ngân sách 2021 được hiệu chỉnh tốt sẽ thúc đẩy Singapore hướng tới một tương lai kỹ thuật số bền vững và tự cường.
Mai Ly (tham khảo Business Times)