Những con số ấn tượng về kinh tế đối ngoại Việt Nam 2019

0
1131
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán. Trong đó, lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7-8%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%; Thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng trên 10 tỷ USD
Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì đến năm 2019 có 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu mở rộng
Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia…

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khu vực đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD).

Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%).

Khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ

Dấu ấn đáng ghi nhận của năm 2019 là sự vươn lên của khối doanh nghiệp nội địa. Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2019. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI.

Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, khâu kiểm soát nhập khẩu tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 7,2%.

Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động

2019 cũng là năm có nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành như: Dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm (Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn).
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 thay vì tháng 9 năm 2019 như kế hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn từ năm 2017 – 2018 (như Thaco Bus, Thaco – Mazda, Hyundai Thành Công) đã có sản phẩm trong năm 2019.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu năm 2020 đang đối mặt với nhiều khó khăn như các mặt hàng nông, thủy sản khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước…

Do đó, để thúc đẩy xuất nhập khẩu thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa và thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa…

Trịnh Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here