Nhu cầu về xe thương mại ở Bangladesh đã tăng lên sau khi các hoạt động kinh tế ở nước trở lại sau đợt đóng cửa toàn quốc do Covid-19. Bên cạnh đó, số lượng xe thương mại đã tăng lên theo cấp số nhân trong thập kỷ qua.
Abdul Matlub Ahmad, Chủ tịch Tập đoàn Nitol-Niloy cho biết: “Khoảng 2.500 xe tải, xe tải chở hàng, xe bán tải và xe bồn đã được bán trong tháng 9, tăng khoảng 70% so với mức 1.200-1.500 chiếc trước đây. Nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”. Ít nhất 38.000 chiếc xe thương mại, bao gồm xe buýt, xe tải, auto-rickshaw và xe bồn đã được bán trong năm 2019, cao hơn đáng kể so với con số 3.000 chiếc mỗi năm vào thập kỷ trước. Dù nhu cầu đã giảm 50% vào năm 2020 do tác động của Covid-19, Chủ tịch của Nitol-Niloy Group cho rằng ngành xe thương mại sẽ phục hồi do đất nước trở lại trạng thái bình thường.
Hiện tại, quy mô thị trường nội địa của xe thương mại là khoảng 44 tỷ Tk (khoảng 517 triệu USD) trong khi năm 2010 là khoảng 20 tỷ Tk (khoảng 235 triệu USD).
Trong tổng cầu của các loại xe thương mại, xe tải, xe bán tải, xe tải lớn (lorry) và xe chở hàng có mái che (covered van) chiếm thị phần lớn, từ 60% đến 65%.
Bên cạnh ô tô do Ấn Độ sẩn xuất (hãng TATA, Ashok Leyland và Eicher) đáp ứng hầu hết nhu cầu về xe tải ở Bangladesh.
Xe thương mại ở Bangladesh chủ yếu là nhập khẩu, phần lớn từ Ấn Độ (giá cả cạnh tranh và sự sẵn có của phụ tùng thay thế), Trung Quốc và Nhật Bản.
Doanh nghiệp trong nước bắt đầu quan tâm đến sản xuất ô tô trong nước. Trước mắt, các nhà bán lẻ ô tô lớn trong nước như Nitol Tata, Runner Motors, Ifad Autos và Rangs Motors đã thành lập các nhà máy lắp ráp quy mô nhỏ phối hợp với các công ty nước ngoài như Hino, Mitsubishi, Tata Motors và Ashok Leyland để lắp ráp ô tô, xe tải, xe bán tải và xe buýt.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)