1. Liên quan đến động thái giúp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường bán lẻ thực phẩm vốn quá phụ thuộc vào một vài Tập đoàn bán lẻ nội địa của Israel và giúp giảm giá một số sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, từ năm 2023, Israel đã tìm cách thu hút chuỗi bán lẻ Costco Wholesale Corp. của Mỹ và Carrefour của Pháp. Từ tháng 5/2023 Carrefour công bố mở 50 cửa hàng trên khắp Israel và trong tháng 3/2024, Chuỗi siêu thị SPAR của Hà Lan sẽ mở chi nhánh đầu tiên tại Israel, phân phối 750 sản phẩm mang nhãn hiệu SPAR, rẻ hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại tại địa bàn, cùng với các hàng hóa do các nhà cung cấp và nông dân Israel sản xuất riêng cho chuỗi cửa hàng của SPAR. Việc tạo thuận lợi cho các Tập đoàn bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Israel cũng được thúc đẩy khi các công ty thực phẩm Israel đã tăng giá bán đáng kể các hàng hóa tiêu dùng sau khi chiến sự nổ ra. Các nhà sản xuất Israel, bao gồm Tnuva, Osem và Strauss, đã tăng giá một số mặt hàng lên tới 25% từ tháng 01/2024.
2. Về nhu cầu của Israel đối với lao động nước ngoài, Bộ Nhà ở Israel đã bắt đầu kế hoạch đưa thêm khoảng 40.000 lao động nước ngoài đến Israel để làm việc trong ngành xây dựng. Phía Israel tuyên bố rằng tính đến cuối tháng 6/2024, hơn 10.000 lao động nước ngoài từ Ấn Độ sẽ làm việc tại Israel, đồng thời, Israel… cũng bắt đầu quá trình tiếp nhận khoảng 10.000 lao động nước ngoài từ các nước khác như Georgia, Sri Lanka, Azerbaijan, …
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Cơ quan Dân số và Nhập cư Israel, cho đến nay mới có 1.004 lao động nước ngoài mới đến Israel – 462 công dân Ấn Độ, 419 Moldova, 89 Sri Lanka, 27 Romania và 7 Hungary. Hầu hết các lao động này đến Israel theo chương trình hợp tác giữa các công tư tư nhân B2B (nghĩa là không theo thỏa thuận song phương giữa Israel và các nước). Trong số đó, chỉ có 419 công dân Moldova đến làm việc theo thỏa thuận song phương và chưa có công dân nào được phái cử theo thỏa thuận của các hiệp định song phương mới mà Israel đã ký với Ấn Độ, Sri Lanka và Uzbekistan sau ngày 7/10/2023.
3. Về nhu cầu mở rộng kết nối về thương mại, kể từ ngày 29/02/2024, Hiệp định thương mại tự do giữa Israel và Guatemala đã chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định được hai nước ký vào ngày 08/9/2022, bao gồm các lĩnh vực hợp tác như công nghiệp, thực phẩm và nông sản. Israel đang giảm thuế và mở cửa nhập khẩu các sản phẩm từ Guatemala, trong đó có các mặt hàng như thịt, hoa tươi, cây cảnh, các loại hạt và rau củ.
Gần đây, Israel đã đưa một số hiệp định thương mại tự do ký với các nước như Canada, Hàn Quốc, UAE đi vào thực thi. Israel đã hoàn tất phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – VIFTA ký ngày 25/7/2023 và chuẩn bị để có thể sớm đưa vào thực thi trong thời gian tới. Ngoài ra, Israel cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bahrain, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và đang nghiên cứu khả thi đàm phán hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Úc…
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat với Đại sứ các nước Châu Á – Thái Bình Dương tại Israel (ngày 18/3), ông Nir Barkat đã giới thiệu các lĩnh vực Israel mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước theo mô hình Cluster map, bao gồm các nhóm lĩnh vực ưu tiên theo thứ tự: (1) Công nghệ cao; (2) Quốc phòng và an ninh nội địa; (3) Công nghệ thực phẩm và nông nghiệp; (4) Các công nghệ liên quan đến khí hậu và nông nghiệp trên sa mạc; (5) Công nghệ sản xuất tiên tiến (điện tử, viễn thông, bán dẫn, công nghiệp 4.0); (6) Khoa học đời sống và y tế.