Nhìn lại quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc

0
183
Từ góc độ kinh tế học cho thấy học thuyết mà Trung Quốc đang áp dụng hiện nay đều là nhìn các nước phát triển có gì để xem các nước đang phát triển thiếu gì.
Từ góc độ kinh tế học cho thấy học thuyết mà Trung Quốc đang áp dụng hiện nay đều là nhìn các nước phát triển có gì để xem các nước đang phát triển thiếu gì.

Từ khi thực hiện cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới không xuất hiện khủng hoảng kinh tế.

Khi mới thực hiện cải cách mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Theo chỉ số thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 1978 chỉ có 156 USD, thông thường mọi người đều cho rằng các nước ở vùng hạ Sahara, châu Phi là khu vực nghèo nhất trên thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của những quốc gia này vào năm 1978 là 490 USD. Giống với các nước nghèo khác trên thế giới, khi đó Trung Quốc có tới 81% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, 84% dân số sống dưới mức chuẩn nghèo quốc tế với 1,25 USD/ngày.

“Công xưởng của thế giới”

Khi đó, Trung Quốc cũng là nền kinh tế hướng nội, xuất khẩu chỉ chiếm 4,1% GDP, nhập khẩu chiếm 5,6%, cộng cả xuất khẩu và nhập khẩu chỉ có 9,7%. Hơn nữa, trên 75% hàng xuất khẩu là nông sản hoặc hàng gia công nông nghiệp.

Trên cơ sở yếu ớt này, từ năm 1978-2017, kinh tế Trung Quốc đã giành được tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 9,5% trong 39 năm liên tiếp, chưa từng có quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào khác trong lịch sử nhân loại có tốc độ tăng trưởng cao và kéo dài như vậy, hơn nữa tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngoại thương Trung Quốc đạt 14,5%, đây cũng là điều chưa từng có quốc gia nào trong lịch sử nhân loại có thể chuyển đổi từ nền kinh tế khép kín thành nền kinh tế mở cửa nhanh như vậy.
Với tốc độ tăng trưởng này, năm 2009 quy mô kinh tế của Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, năm 2010 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất tế giới, hơn nữa do trên 97% sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm của ngành sản xuất, nên Trung Quốc được gọi là “công xưởng của thế giới”.

Anh là nước được gọi là “công xưởng của thế giới” sớm nhất trên thế giới sau Cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19), đến cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20 Mỹ trở thành “công xưởng của thế giới”, sau Chiến thanh thế giới thứ hai Đức, Nhật Bản trở thành “công xưởng của thế giới”, và hiện nay là Trung Quốc.

Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nước thương mại lớn nhất thế giới. Năm 2014, theo tính toán sức mua tương đương (PPP), quy mô kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 8.640 USD, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Trong quá trình này, hơn 700 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ đóng góp đối với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo trên thế giới trong 40 năm qua là hơn 70%. Trong khoảng thời gian này, tuy thuyết về sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc liên tục nổi lên, nhưng từ cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới không xuất hiện khủng hoảng kinh tế.

Vì sao cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc có thể giành được những thành tích này?
Muốn trả lời câu hỏi này, trước tiên phải tìm hiểu bản chất của tăng trưởng kinh tế là gì, từ bề ngoài cho thấy là do mức thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng lên, vật chất ngày càng phong phú, nhưng tiền đề để thu nhập bình quân đầu người tăng lên là năng suất lao động liên tục tăng. Có 2 phương thức chủ yếu để nâng cao năng suất lao động:

Một là tiến hành đổi mới công nghệ đối với các ngành nghề hiện có, làm cho người lao động làm ra ngày càng nhiều sản phẩm tốt; hai là nâng cấp ngành nghề, phân phối nguồn vốn từ các ngành nghề có giá trị gia tăng thấp đến các ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Hai phương thức này là giống nhau đối với cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển.

Quốc gia đang phát triển có khả năng thông qua nhập khẩu, thu hút, đổi mới để thực hiện tiến bộ công nghệ và nâng cấp ngành nghề, đây được gọi là ưu thế của các nước đang phát triển. Tận dụng ưu thế này, các nước đang phát triển có thể lấy chi phí tương đối thấp và rủi ro tương đối nhỏ, thực hiện tiến bộ công nghệ và nâng cấp ngành nghề, giành được sự tăng trưởng kinh tế nhanh hơn so với các nước phát triển.

Sở dĩ có điều này là vì công nghệ và ngành nghề của các nước phát triển ở tuyến đầu của thế giới, chỉ có phát minh công nghệ và ngành nghề mới, mới có thể thực hiện tiến bộ công nghệ và nâng cấp ngành nghề. Còn đối với các nước đang phát triển, chỉ cần công nghệ được áp dụng vào hoạt động sản xuất trong giai đoạn tiếp theo tốt hơn giai đoạn hiện tại, thì đó là tiến bộ công nghệ, chỉ cần giá trị gia tăng của ngành nghề mới tiến vào giai đoạn tiếp theo cao hơn giai đoạn hiện tại, thì đó là nâng cấp ngành nghề.

Do mức độ tiến bộ công nghệ có chênh lệch với mức giá trị gia tăng ngành nghề, nên các nước đang phát triển có thể tiến hành nhập khẩu, giải quyết, thu hút và đổi mới đối với công nghệ hoàn thiện của các nước phát triển, thông qua việc đưa vào các ngành nghề có giá trị gia tăng cao hơn so với hiện nay và đã hoàn thiện ở các nước phát triển, thực hiện nâng cấp ngành nghề.

Đương nhiên, việc tận dụng ưu thế của các nước phát triển chỉ là khả năng trên lý thuyết, không phải tất cả các nước đang phát triển đều có thể tận dụng ưu thế của các nước phát triển để thực hiện phát triển nhanh chóng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có 13 nền kinh tế tận dụng ưu thế của các nước phát triển để thực hiện tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm hoặc cao hơn, liên tục trong 25 năm thậm chí lâu hơn, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Sau cải cách mở cửa,Trung Quốc là 1 trong 13 nền kinh tế có biểu hiện tốt nhất, cũng là nền kinh tế có tốc độ đuổi kịp và vượt qua nhanh nhất.

Vì vậy, tác giả bài viết là Lâm Nghị Phu, chuyên gia kinh tế, từng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Trung Quốc có thể thực hiện tăng trưởng với tốc độ cao sau cải cách mở cửa là do Trung Quốc đã tận dụng ưu thế của các nước phát triển. Vì sao trước cải cách mở cửa Trung Quốc không thể tận dụng ưu thế của các nước phát triển? Vấn đề chủ yếu nhất là vấn đề đường lối quyết định lối thoát.

Vì sao quá trình chuyển đổi mô hình của Trung Quốc giành được thành công, còn các nước khác trong cùng kỳ lại thất bại?

Nếu cho rằng cải cách thị trường hóa là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự chênh lệch của kinh tế Trung Quốc trước và sau năm 1978, thì vì sao vào thập niên 80, 90 phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa đều đang chuyển đổi mô hình, rất nhiều nước đang phát triển có tính chất xã hội khác cũng đang tiến hành chuyển đổi nền kinh tế tương tự với Trung Quốc, từ nền kinh tế do kinh tế kế hoạch hoặc chính phủ chủ đạo sang nền kinh tế thị trường đều gặp khủng hoảng liên tiếp, sự chênh lệch với các nước phát triển ngày càng lớn, còn Trung Quốc phát triển ổn định và nhanh chóng?

Vào thập niên 80, 90, những quốc gia xã hội chủ nghĩa và quốc gia đang phát triển có tính chất xã hội khác này bắt đầu chuyển đổi mô hình, khi đó cho rằng sở dĩ hiệu quả kinh tế của những quốc gia này trước khi chuyển đổi mô hình không tốt là vì chính phủ can thiệp quá nhiều vào thị trường, không xây dựng hệ thống kinh tế thị trường hiện đại hoàn thiện giống các nước phát triển.

Quan điểm chủ lưu của giới học giả thế giới khi đó cho rằng thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế phải thực thi “liệu pháp sốc”, dựa theo chủ trương “Đồng thuận Washington”, xóa bỏ toàn bộ sự can thiệp của chính phủ để thúc đẩy tư nhân hóa, thị trường hóa và tự do hóa.

Tuy mục tiêu là tốt, nhưng đường lối chuyển đổi mô hình này đã xem nhẹ sự can thiệp của chính phủ trong thể chế cũ là để bảo hộ và trợ cấp ngành công nghiệp nặng không có ưu thế tương đối, nếu xóa bỏ bảo hộ và trợ cấp, kết quả chắc chắn là doanh nghiệp thiếu năng lực tự sinh sẽ phá sản và đóng cửa, gây ra thất nghiệp rất lớn, trong ngắn hạn dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trị.

Hơn nữa, có không ít ngành nghề trong ngành công nghiệp nặng có liên quan đến an ninh quốc phòng, cho dù tư nhân hóa, nhà nước cũng không thể từ bỏ, chắc chắn sẽ tiếp tục bảo hộ và trợ cấp, còn tính tích cực của doanh nghiệp tư nhân yêu cầu chính phủ bảo hộ và trợ cấp sẽ cao hơn doanh nghiệp nhà nước. Tìm kiếm đặc lợi, tham nhũng nghiêm trọng, hiệu quả còn thấp hơn.

Vì sao kinh tế Trung Quốc có thể duy trì ổn định và phát triển nhanh chóng?

Trung Quốc tiếp tục dành cho các ngành nghề tập trung nguồn vốn, quy mô lớn, có liên quan đến việc làm và an ninh quốc gia sự bảo hộ và trợ cấp cần thiết trong thời gian chuyển đổi mô hình, để duy trì sự ổn định của kinh tế; đối với các ngành nghề trước kia bị hạn chế, theo kiểu tập trung sức lao động, phù hợp với lợi thế so sánh của Trung Quốc, Bắc Kinh nới lỏng tiêu chuẩn tiếp cận, tích cực thu hút đầu tư, đồng thời thiết lập khu công nghiệp, khu xuất khẩu gia công bằng phương thức thực dụng…, biến nó thành ưu thế cạnh tranh.

Vào thập niên 80 và 90, dòng chính của học thuyết kinh tế phương Tây cho rằng cơ chế kép tiệm tiến mà Trung Quốc áp dụng là phương thức chuyển đổi mô hình tồi tệ nhất, chủ trương xóa bỏ hoàn toàn sự can thiệp của chính phủ. Nhưng thực tiễn của công cuộc cải cách mở cửa Trung Quốc đã chứng minh, cơ chế kép tiệm tiến thực dụng là nguồn gốc chủ yếu giúp Trung Quốc duy trì ổn định kinh tế và phát triển với tốc độ cao.

Việc tổng kết kinh nghiệm 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với kinh tế học hiện đại?

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều nước đang phát triển thoát khỏi địa vị thuộc địa và bán thuộc địa, cố gắng theo đuổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng có rất ít nền kinh tế giành được thành công. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, trong gần 200 nền kinh tế đang phát triển, chỉ có 2 nền kinh tế tiến từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, đó là Đài Loan và Hàn Quốc. Đến năm 2025, rất có thể Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế thứ 3 tiến từ thu nhập thấp lên thu nhập cao sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thông qua việc so sánh một số nền kinh tế thành công và đa phần không thành công sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tác giả phát hiện, đến nay vẫn chưa có một nền kinh tế đang phát triển nào dựa theo dòng chính của học thuyết kinh tế phương Tây để hoạch định chính sách mà giành được thành công, còn điểm chung của một số nền kinh tế thành công là: theo học thuyết kinh tế phương Tây khi đó thì chính sách mà họ thực hiện là sai lầm.

Ví dụ như vào thập niên 50 và 60, tất cả các nước đang phát triển đều đang theo đuổi hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, dòng chính của học thuyết khi đó là chủ nghĩa kết cấu, cho rằng các nước đang phát triển muốn thực hiện mục tiêu này, cần thúc đẩy chiến lược thay thế nhập khẩu, lấy chính phủ làm chủ đạo để phân phối tài nguyên, phát triển các ngành nghề theo kiểu tập trung nguồn vốn hiện đại hóa, các nền kinh tế thúc đẩy chiến lược này đều không thể đạt được thành công.

Số ít nền kinh tế ở Đông Á thành công, nhưng lại bắt đầu từ các ngành nghề quy mô nhỏ theo kiểu tập trung lao động truyền thống, thúc đẩy chiến lược theo định hướng xuất khẩu chứ không phải là thay thế nhập khẩu, khi đó phương thức phát triển này bị cho là sai lầm.

Vào thập niên 80 và 90, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa đều chuyển từ phương thức phát triển do chính phủ chủ đạo sang kinh tế thị trường, dòng chính của học thuyết khi đó là chủ nghĩa tự do mới, khởi xướng “Đồng thuận Washington”, chủ trương áp dụng “liệu pháp sốc”, xóa bỏ sự can thiệp của chính phủ, để xây dựng hệ thống kinh tế thị trường hoàn thiện. Điều mà các quốc gia dựa theo phương thức này để chuyển đổi mô hình gặp phải là kinh tế sụp đổ, đình trệ, khủng hoảng liên tiếp, còn một số nền kinh tế như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia giành được sự phát triển nhanh chóng, mô hình mà các nước này áp dụng là mô hình cải cách kép tiệm tiến. Vì sao lại như vậy?

Vì dòng chính của học thuyết đến từ sự tổng kết kinh nghiệm của các nước phát triển, lấy điều kiện của các nước phát triển làm tiền đề của học thuyết, do điều kiện của các nước đang phát triển và các nước phát triển khác nhau, nên rập khuôn học thuyết của các nước phát triển, các nước đang phát triển chắc chắn sẽ gặp vấn đề.

Từ góc độ kinh tế học cho thấy học thuyết mà Trung Quốc đang áp dụng hiện nay đều là nhìn các nước phát triển có gì để xem các nước đang phát triển thiếu gì, ví dụ như chủ nghĩa kết cấu, hoặc xem các nước phát triển làm tốt trên những phương diện nào, để các nước đang phát triển làm theo, ví dụ như chủ nghĩa tự do mới.

Nền kinh tế thị trường của các nước phát triển quả thực là tương đối hoàn thiện, do chính phủ của các nước đang phát triển can thiệp quá nhiều vào thị trường, nên đã chủ trương các nước đang phát triển áp dụng bố trí cơ chế của các nước phát triển, trên thực tế, học thuyết này đã xem nhẹ một điểm quan trọng – không nhận thấy sự khác biệt về điều kiện giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Đây là nguyên nhân khiến tác giả sau khi trở về từ Ngân hàng thế giới năm 2012 bắt đầu khởi xướng “kinh tế học kết cấu mới”, kinh tế học kết cấu mới có sự khác biệt rất lớn với dòng chính của kinh tế học trước kia, là sự tổng kết kinh nghiệm thành công và thất bại của Trung Quốc, cũng là sự tổng kết kinh nghiệm thành công và thất bại của các nước đang phát triển và các thể chế kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Học thuyết này đến từ các nước đang phát triển, coi điều kiện của các nước đang phát triển làm xuất phát điểm, có thể giải thích tốt hơn việc vì sao Trung Quốc lại thành công, còn tồn tại sự thiếu sót trên những phương diện nào, trong tương lai sẽ phát triển ra sao. Đồng thời, học thuyết này cũng có giá trị tham khảo và bài học quan trọng đối với các nước đang phát triển khác.

Tác giả cho rằng chỉ cần con đường cải cách mở cửa tiếp tục đi sâu, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thế kỷ 21, hiện tượng kinh tế xảy ra ở Trung Quốc sẽ là hiện tượng kinh tế thế giới quan trọng nhất. Trung tâm kinh tế thế giới từ trước đến nay luôn là trung tâm đổi mới của học thuyết kinh tế, các chuyên gia kinh tế nổi tiếng đều xuất thân từ đây, cho nên khi Trung Quốc trở thành trung tâm kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, phần lớn các chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới sẽ đến từ Trung Quốc. Với tư cách là quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi mô hình, Trung Quốc tương đối giống với các nước đang phát triển, các nước đang chuyển đổi mô hình khác, học thuyết do Trung Quốc đưa ra có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các nước đang phát triển khác thực hiện hiện đại hóa công nghiệp so với học thuyết của các nước phát triển.

Văn Phong (theo TheChinaObserver)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here