Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, kinh tế cả nước tiếp tục tăng trưởng ổn định và đồng đều ở các ngành, duy trì được các quan hệ cân đối vĩ mô; lượng doanh nghiệp trong nước gia tăng cả số mới thành lập và quay lại hoạt động; lượng vốn FDI tăng cả về vốn đăng ký mới, vốn thực hiện và đầu tư mở rộng.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, giữ vững các cân đối vĩ mô
Nông nghiệp bám sát tiến độ gieo trồng; duy trì được năng suất, dù diện tích canh tác một số địa phương bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 2.050 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng Bảy, đàn trâu cả nước giảm 1,2%; đàn bò tăng 2,3%; đàn gia cầm tăng 5,4%; đàn lợn giảm 2,8% và không còn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 115,8 nghìn ha, tăng 1,5%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản ước đạt 4.274,2 nghìn tấn, tăng 5,7% (thủy sản nuôi trồng tăng 6,5%; sản lượng thủy sản khai thác tăng 5%.
Cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ghi nhận có sự tăng trưởng Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, với mức tính chung 7 tháng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cùng kỳ năm 2017 là 7,1%); trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng tới 13,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.493,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,98%).
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14% (Thủy sản tăng 8,1%; rau quả tăng 14,6%; gạo tăng 31,5% (lượng tăng 14,2%); cao su giảm 9,7% và dầu thô giảm 25,3% (lượng giảm 46,4%). Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước
Tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,16 tỷ USD, tăng 12,7%; Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Cán cân thương mại hàng hóa cả nước vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD.
Dịch vụ du lịch có bước phát triển ấn tượng, thu hút được 9.080,3 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng đều từ hầu hết các thị trường chính. Hơn nữa, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức của cả năm 2010; Đồng thời, tốc độ tăng này cũng cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nhóm ngành dịch vụ (16,4%) và cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dịch vụ (16,1%) và của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong cùng thời gian so sánh. Hơn nữa, với mức tăng nhập khẩu du lịch chỉ tăng 9,4%, nên xuất siêu dịch vụ du lịch nửa đầu năm 2018 tăng tới 31,6% so cùng kỳ năm ngoái. Cần nhấn mạnh rằng, du lịch là lĩnh vực dịch vụ hiếm hoi đạt được mức xuất siêu trong bối cảnh Việt Nam liên tục nhập siêu dịch vụ, còn xuất siêu hàng hóa thì thiếu ổn định.
Hoạt đồng đầu tư xã hội tiếp tục được cải thiện
Cả nước cũng ghi nhận sự tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp theo các tiêu chí: Về số đăng ký thành lập mới (tổng cộng 7 tháng có 75.793 doanh nghiệp, tăng 3,9%); Về tổng vốn đăng ký (771,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%); Về vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới (đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 7,4%); về . Nếu vốn đăng ký tăng thêm (1.460,4 nghìn tỷ đồng) và về tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2018 là 2.231,5 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 18.696 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay lên gần 94,5 nghìn doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cả nước cũng ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp, thông qua số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (trong 7 tháng qua là 7.714 doanh nghiệp, tăng 16,7%) gắn với các vấn đề về tiêu thụ, vốn, lao động và các rủi ro khác…
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tính chung 7 tháng qua đạt 153,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 45,2% và tăng 6,4%), tuy vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) cũng có sự cải thiện cả về vốn đăng ký mới, vốn thực hiện, vốn mở rộng và vốn góp, mua bán cổ phần: Tính đến 20/7/2018 đã thu hút 1.656 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.205,4 triệu USD, tăng 20,2% về số dự án và tăng 2,2% về vốn đăng ký; có 627 lượt dự án tăng vốn đạt 4.947,2 triệu USD. FDI thực hiện ước đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017. Về cơ cấu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 39,4% tổng FDI vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 37,9%; Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm nay đạt 8.428,1 triệu USD, chiếm 46,4% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.205,2 triệu USD, chiếm 28,7%. Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, với Hà Nội đứng đầu, chiếm 42,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; Trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 44% tổng vốn đăng ký cấp mới;
Trong 7 tháng qua, cả nước có 81 dự án đầu tư trực tiếp ra 32 quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài, với tổng vốn của phía Việt Nam là 238,3 triệu USD; 21 dự án tăng thêm là 41,3 triệu USD.
Tổng thu NSNN ước bằng 51,7% dự toán năm và tổng chi ước bằng 47,1% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 150 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5%; chi trả nợ lãi 67,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7%.
Môi trường đầu tư cải thiện, đạt kết quả tích cực
Quá trình cải thiện môi trường kinh doanh trên cả nước đã và đang được triển khai quyết liệt, có đà và định hướng tốt, thu được nhiều kết quả tích cực.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện trong quý II/2018, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện cả nước đã có gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; với 96,8% số dịch vụ là do địa phương cung cấp. Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2018 về Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Hiện nay, khoảng 50 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử, sô còn lại đang tích cực triển khai xây dựng và ban hành trước tháng 9/2018.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận nỗ lực cải cách hành chính và nâng bậc xếp hạng Việt Nam: Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 10-7-2018, Việt Nam xếp thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, tức tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 14 bậc so với năm 2016. Việt Nam xếp hạng 2/30 nước thu nhập trung bình thấp. Báo cáo định kỳ Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business 2018 report) của Nhóm Ngân hàng Thế giới có chủ đề “Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm” (dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán), Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với báo cáo định kỳ năm 2017 và tăng 23 bậc so với năm 2016. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55, tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Hiện tại, Cơ chế một cửa quốc gia mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%. Thời gian cho kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn ba lần so với các nước ASEAN-4. Đặc biệt, yêu cầu của Chính phủ về phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành thì mới chỉ có Bộ Công Thương triển khai trình Chính phủ và bốn Bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp…
TS.Nguyễn Minh Phong